Giúp các ngân hàng rút khỏi thị trường một cách có trật tự
Khu vực ngân hàng châu Âu, với việc áp dụng một khuôn khổ quản lý khủng hoảng mạnh mẽ, đã trở nên linh hoạt hơn nhiều trong những năm gần đây. Các tổ chức tài chính ở EU được vốn hóa tốt, có tính thanh khoản cao và được giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ khi đổ vỡ đã phải áp dụng các giải pháp nằm ngoài khuôn khổ xử lý. Điều này đôi khi liên quan đến việc sử dụng ngân sách từ nguồn nộp thuế của người dân thay vì nguồn lực nội bộ của ngân hàng hoặc Mạng an toàn tài chính (cơ chế bảo hiểm tiền gửi và quỹ xử lý).
Đề xuất mới của Ủy ban châu Âu sẽ cho phép các ngân hàng rút khỏi thị trường một cách có trật tự khi xảy ra đổ vỡ ở bất kỳ quy mô và mô hình kinh doanh nào, bằng cách áp dụng một loạt công cụ. Đặc biệt, đề xuất này cũng tạo thuận lợi cho việc sử dụng các Mạng an toàn tài chính để bảo vệ người gửi tiền trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng. Chẳng hạn như bằng cách thay đổi tình trạng một ngân hàng yếu kém sang một ngân hàng lành mạnh. Việc sử dụng Mạng an toàn tài chính được coi như giải pháp bổ sung, trong khi khả năng hấp thu tổn thất nội bộ của các ngân hàng được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên trước các vấn đề rủi ro.
Nhìn chung, đề xuất hướng tới việc tiếp tục duy trì sự ổn định tài chính, bảo vệ người nộp thuế và người gửi tiền, đồng thời hỗ trợ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong thực tế.
Mục tiêu được Ủy ban châu Âu đặt ra chủ yếu tập trung vào môt số luận điểm:
Duy trì sự ổn định tài chính và bảo vệ tiền của người nộp thuế: Đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các cơ chế bảo hiểm tiền gửi trong tình huống khủng hoảng để bảo vệ người gửi tiền (thể nhân, doanh nghiệp, tổ chức công, v.v.) khỏi các thiệt hại, tránh hiệu ứng lây lan sang các ngân hàng khác và tác động tiêu cực đến cộng đồng và nền kinh tế. Bằng cách dựa vào nguồn lực của Mạng an toàn tài chính (chẳng hạn như quỹ bảo hiểm tiền gửi và quỹ xử lý), đề xuất hướng tới mục tiêu bảo vệ người nộp thuế thông qua việc tránh sử dụng ngân sách (nguồn thu từ thuế) để can thiệp và duy trì sự ổn định của ngành tài chính – ngân hàng. Các cơ chế bảo hiểm tiền gửi chỉ có thể được sử dụng cho mục đích này sau khi các ngân hàng đã hết khả năng hấp thụ tổn thất nội bộ và chỉ dành cho các ngân hàng được ưu tiên xử lý.
Bảo vệ nền kinh tế thực khỏi tác động của ngân hàng đổ vỡ: Các quy tắc được đề xuất sẽ cho phép các cơ quan chức năng khai thác triệt để nhiều lợi thế của việc xử lý như một thành tố chính của các công cụ quản lý khủng hoảng. Ngược lại với thanh lý, xử lý có thể ít gây gián đoạn hơn cho khách hàng trong việc tiếp tục truy cập và sử dụng tài khoản của mình. Hơn nữa, các chức năng quan trọng của ngân hàng được bảo toàn. Điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội trên khía cạnh bao trùm hơn.
Bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền: Hạn mức bảo hiểm 100.000 euro cho mỗi người gửi tiền tại một ngân hàng, như được quy định trong Chỉ thị về Chương trình Bảo hiểm tiền gửi vẫn áp dụng cho tất cả những người gửi tiền đủ điều kiện tại châu Âu. Tuy nhiên, đề xuất mới hướng tới hài hòa hơn nữa các tiêu chuẩn bảo vệ người gửi tiền trên toàn châu Âu. Khuôn khổ mới mở rộng việc bảo vệ cho các đối tượng bảo hiểm là tổ chức công (bệnh viện, trường học, thành phố), cũng như khách hàng gửi tiền vào một số loại quỹ lập bởi các công ty đầu tư, tổ chức thanh toán, tổ chức tiền điện tử v.v. Đề xuất bao gồm các biện pháp bổ sung để hài hòa việc bảo vệ tiền gửi có số dư cao tạm thời trong tài khoản ngân hàng vượt quá hạn mức liên quan đến các sự kiện cụ thể như thừa kế hoặc bồi thường bảo hiểm.
Kêu gọi cải cách chính sách bảo hiểm tiền gửi theo hướng hài hòa và cân xứng
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu (EESC) xem xét vấn đề và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các nhà đồng lập pháp và Chủ tịch Tây Ban Nha tại Ủy ban châu Âu. Đề xuất cải cách CMDI nhằm mục đích giải quyết các rủi ro còn tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng châu Âu, tiến xa hơn trong việc hoàn thiện Liên minh ngân hàng và củng cố thị trường chung châu Âu vì lợi ích của người gửi tiền và người nộp thuế.
EESC thừa nhận tầm quan trọng của tốc độ, tính linh hoạt và hợp tác khi ứng phó với khủng hoảng ngân hàng đồng thời bảo vệ người gửi tiền và người nộp thuế. Đề xuất CMDI của Ủy ban châu Âu là một bước tiến tới việc hoàn thành Liên minh Ngân hàng, đạt được sự hợp nhất hoàn toàn hệ thống tài chính châu lục và giảm sự phân mảnh thị trường.
Theo quan điểm của mình, EESC khẳng định rằng việc hài hòa hóa trong cơ chế bảo hiểm tiền gửi và đánh giá các giải pháp xử lý và thay thế khi khả năng thanh toán là rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và duy trì hệ sinh thái ngân hàng châu Âu đa dạng.
Tăng cường quản lý khủng hoảng: EESC ủng hộ viêc mở rộng đánh giá lợi ích công cộng (PIA) đối với các ngân hàng trong khu vực, nhưng đề xuất tinh chỉnh cách tính và áp dụng hài hòa trên toàn EU. Nên áp dụng các cách tiếp cận thực tế và linh hoạt, xem xét cách tiếp cận theo quy định, các công cụ sẵn có, ý nghĩa thực tiễn, sự hợp tác giữa các bên liên quan, tốc độ thực hiện và nguồn tài chính.
Đánh giá khả năng xử lý và thanh lý: Xử lý có thể không phải lúc nào cũng là giải pháp hiệu quả nhất về chi phí, đặc biệt đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Thanh lý vẫn là lựa chọn tốt nhất khi xử lý tỏ ra tốn kém hơn. EESC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được sự cân bằng giữa PIA nâng cao và tính tương xứng, đặc biệt đối với các ngân hàng nhỏ, vừa tại địa phương không gây rủi ro cho sự ổn định của nền tài chính.
Phối hợp với luật hỗ trợ Nhà nước: Đề xuất CMDI cần được phối hợp phù hợp với bản sửa đổi dự kiến của Thông báo năm 2013 về Luật hỗ trợ Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng để tránh sự mâu thuẫn về mặt pháp lý. EESC kêu gọi áp dụng PIA theo tỷ lệ, tôn trọng lợi ích của các ngân hàng nhỏ, vừa tại địa phương, đồng thời đạt được các mục tiêu của Luật định.
Bảo hiểm tiền gửi và hài hòa: EESC đánh giá cao việc mở rộng phạm vi bảo vệ của các cơ chế bảo hiểm tiền gửi cho cả đối tượng là cơ quan công quyền nhằm tăng cường hài hòa hóa các công cụ bảo vệ tiền gửi trên toàn EU. Hạn mức bảo hiểm nên xét tới người gửi tiền trong hoàn cảnh kinh tế dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người tàn tật hoặc mắc bệnh nan y.
Hỗ trợ thanh khoản và tích hợp các ngân hàng được xử lý: Khung pháp lý cần cung cấp các điều kiện phù hợp để chuyển giao kịp thời các ngân hàng gặp khó khăn cho các ngân hàng khác, đảm bảo sự phối hợp thích hợp giữa các cơ quan chức năng và cho phép chuyển giao xuyên biên giới. Các thủ tục hiệu quả và cơ chế phê duyệt nhanh chóng là điều cần thiết để tích hợp và quản lý các ngân hàng đã được xử lý, giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt đông kinh doanh của ngân hàng.
Tiếp theo, đề xuất sẽ được thảo luận tại các cuộc họp của Nghị viện và Hội đồng chung châu Âu.
Trước đó, trong tuyên bố ngày 16/6/2022, Ủy ban châu Âu lưu ý rằng Liên minh Ngân hàng chưa được hoàn thiện và hài hòa. Công việc của Liên minh Ngân hàng nên tập trung vào việc tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng và bảo hiểm tiền gửi, với mục tiêu hoàn thành cơ sở pháp lý trong nhiệm kỳ này. Các dự án quan trọng khác, như thành lập trụ cột thứ ba và nổi bật của Liên minh Ngân hàng – Cơ chế Bảo hiểm tiền gửi Châu Âu (EDIS) – và tiến bộ hơn nữa về hội nhập thị trường, sẽ được đánh giá lại sau cải cách CMDI.
Trong báo cáo mới nhất về Liên minh Ngân hàng, Nghị viện Châu Âu cũng ủng hộ nhu cầu xem xét lại khuôn khổ quản lý khủng hoảng và bảo hiểm tiền gửi để cải thiện chức năng và khả năng dự đoán nhằm quản lý đổ vỡ của ngân hàng.
Thanh Xuân