Trước buổi Tọa đàm, phiên họp kín giữa đại diện EuroCham, các DN đối tác và Nhà tài trợ của sự kiện trình bày các quan điểm DN tới đại diện NHNN Việt Nam. Phiên họp này là điểm nhấn của đối thoại công tư tại Việt Nam. Còn Tọa đàm chính tập trung vào các đề tài như nợ nước ngoài của Việt Nam, các khoản vay không hiệu quả, các cải cách nổi bật của ngân hàng và thay đổi chính sách tiền tệ sắp tới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với nhiều biện pháp đồng bộ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát; thanh khoản của hệ thống tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa.
Bên cạnh đó, NHNN thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế những vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro...
"Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua đã góp phần đạt được những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh và dẫn chứng: Lạm phát đã được kiềm chế từ mức cao 18,13% cuối năm 2011 xuống còn 0,63% năm 2015; trong 9 tháng đầu năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ 2015, dự kiến cả năm tăng khoảng 5%. Trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức khá so với các nước trong khu vực, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 5% với mục tiêu tăng trưởng dự kiến năm 2016 là 6,7%; chất lượng tăng trưởng được chú trọng...
Thông tin về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến kết quả tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 5 năm qua, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện bước tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo lộ trình, thành công quan trọng bước đầu là đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống, thanh khoản hệ thống được nâng cao, quản trị điều hành của hệ thống được cải thiện.
“Một số TCTD được sáp nhập, hợp nhất, mua cổ phần bắt buộc, qua đó đã đem lại sự ổn định cho hệ thống. Đặc biệt, nợ xấu đã được tích cực xử lý, giảm từ mức 17,2% vào tháng 7/2012 về mức dưới 3% vào cuối năm 2015 và hiện nay nợ xấu vào khoảng 2,55%”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một quá trình thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2011-2015, cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm tiếp tục khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức mới để các TCTD tiếp tục phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, vững chắc.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD...
Liên quan đến định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là sau khi Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại quan trong như TPP, EVFTA và sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN nói trên, vai trò các hiệp hội DN, trong đó có EuroCham ngày càng tỏ ra hết sức quan trọng.
Có thể nói, trong suốt thời gian qua, EuroCham đã thể hiện tích cực vai trò cầu nối giữa các DN EU với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng các DN Việt Nam. EuroCham là một trong những Hiệp hội DN có nhiều đóng góp ý kiến, kiến nghị tích cực, góp phần tạo nên hình ảnh Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và đối tác thương mại cho các DN châu Âu nói riêng và các DN quốc tế nói chung.
Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với EuroCham, triển khai thực hiện các cam kết/ hiệp định thương mại quan trọng nêu trên, cùng phối hợp chặt chẽ để trao đổi, giải quyết các kiến nghị của EuroCham về những vấn đề liên quan đến hoạt động của DN EU tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – EU.