Trong 5 năm vừa qua, Đảng và Nhà nước rất quyết liệt trong cải cách hành chính (CCHC). Riêng ngành Ngân hàng cũng nhìn nhận đó là một trong những điểm chốt quan trọng, một trong những giải pháp vừa là cơ bản, vừa là trực tiếp có tính đột phá tạo ra sự đồng bộ cho sự đổi mới hoạt động ngân hàng. Nếu đổi mới ngân hàng không đi cùng với CCHC, kết quả hoạt động ngân hàng khó đạt như mong muốn”. Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHNN Trung ương cho biết.
Bước chuyển cải cách từ tầm nhìn
Cũng từ những nhận thức trên, Ban Lãnh đạo NHNN đã đặt ra một quyết tâm, hay nói đúng hơn là đặt ra Kế hoạch CCHC riêng của Ngành giai đoạn 2012-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-NHNN ngày 3/7/2012), nhưng cũng gắn với chương trình tổng thể của Chính phủ trong 5 năm qua.
Với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu công tác CCHC phải đáp ứng yêu cầu nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực tài chính DN và năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Phải khẳng định là, có một sự quán xuyến và chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác CCHC của Ban Lãnh đạo và người đứng đầu NHNN, không chỉ trên lời nói mà bằng việc làm, hành động rõ ràng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Không chỉ thể hiện trên kế hoạch tổng thể, hàng năm Thống đốc NHNN đều ban hành các kế hoạch CCHC trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ theo kế hoạch giai đoạn 2012-2015 và có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai.
Đặc biệt trong năm 2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tăng cường chỉ đạo các công tác CCHC, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác CCHC tại đơn vị.
Quan điểm quán xuyến của Ban Lãnh đạo và người đứng đầu NHNN trong CCHC còn thể hiện một sự nhất quán chặt chẽ giữa đổi mới hoạt động ngân hàng với đổi mới cải cách TTHC. Với mục tiêu, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, NHNN đã tập trung các nguồn lực để xây dựng văn bản theo đúng kế hoạch để hoàn thiện hệ thống văn bản về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.
Cải cách thể chế của NHNN không chỉ là ban hành ra nhiều văn bản, thực hiện đúng quy trình thủ tục hay đúng kế hoạch số lượng văn bản phải ban hành trong năm, mà quan trọng là chất lượng nội dung của văn bản.
Vì vậy ngay khi xây dựng các loại văn bản giấy tờ, bên cạnh việc xem xét đáp ứng yêu cầu công bố bộ thủ tục, các đơn vị xây dựng văn bản đã phải rà soát, sàng lọc các thủ tục hành chính phù hợp, đơn giản nhất nhằm đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và bình đẳng trong hoạt động của các TCTD.
Đây cũng chính là lý do những nội dung quy định pháp lý trùng lắp rườm rà, không phù hợp với thực tế hoặc gây khó khăn cho DN, TCTD đều được gỡ bỏ rất nhiều trong 5 năm qua.
Lan tỏa sức mạnh từ sự đồng bộ
Trên nền tảng nhận thức của các cấp lãnh đạo Ngành, đổi mới ngành Ngân hàng dứt khoát phải có sự đổi mới về hoạt động hành chính, nâng cao chất lượng, cải cách công vụ công chức. Việc cải cách hành chính ở ngành Ngân hàng thời gian qua đã được triển khai tương đối đồng bộ từ NHTW đến các chi nhánh NHNN địa phương, các đơn vị trực thuộc hệ thống NHNN với tư cách là một cơ quan quản lý Nhà nước.
CCHC cũng được thể hiện ra rất nhiều nội dung trong thời gian qua, như trên Trung ương thì ban hành thể chế, thể lệ văn bản, cải cách về mặt thể chế nhưng có sự góp ý trực tiếp từ phía địa phương để văn bản đó có tính khả thi cao, phù hợp thực tiễn hơn, đảm bảo sức sống khi được ban hành. Hay như với các hoạt động của NHNN đã xây dựng và vận hành theo một quy trình ISO hết sức hợp lý, rõ ràng, thực hiện đồng thời trên tất cả các đơn vị chức năng của NHNN, trong toàn Ngành chứ không chỉ trên NHTW.
Và mặc dù CCHC đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng đó không phải là những mảng mục tiêu tách rời mà có sự gắn bó mật thiết với nhau. Ví như vấn đề cải cách về tổ chức bộ máy thì không thể không gắn với cải cách công chức công vụ để đổi mới nhân sự. Hay như cải cách tài chính công phải gắn với mô hình đổi mới tổ chức của bộ máy hành chính; Cải cách thủ tục gắn với cải cách thể chế.
Sự gắn kết của các trọng tâm cải cách này tạo nên một hiệu quả chung trong công tác CCHC, đó là NHNN đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 trên tất cả các lĩnh vực.
Cải cách thể chế và hiện đại hóa hành chính của NHNN đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, làm minh bạch và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống DN |
Trong nhiều năm liên tục, NHNN trong nhóm các đơn vị dẫn đầu về CCHC; riêng lĩnh vực chỉ đạo, điều hành CCHC, NHNN dẫn đầu tuyệt đối trong 3 năm liên tiếp từ 2013 đến nay. Theo đánh giá của cộng đồng DN, các lĩnh vực cải cách thể chế và hiện đại hóa hành chính của NHNN đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, làm minh bạch và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống DN.
Bên cạnh những cải cách này, NHNN còn đặt ra một nhiệm vụ cao hơn, hay nói đúng hơn là tạo ra sự đồng bộ rõ nét, trực tiếp hơn với người dân, đó là chỉ đạo các NHTM CCHC đặc biệt là thủ tục hành chính. Mặc dù là DN, sản phẩm dịch vụ là kinh doanh, nhưng NHNN vẫn chỉ đạo NHTM đặc biệt ở những NHTM mà vốn Nhà nước chi phối vừa là kinh doanh, vừa là phục vụ, lấy phục vụ làm phương châm hoạt động để đảm bảo những gì thuận lợi nhất cho người dân và DN khi quan hệ với ngân hàng, từ vay vốn, tiền mặt, thanh toán.
Bản thân NHTM nhiều khi chỉ quan tâm tới hoạt động kinh doanh của mình, nhưng có sự chỉ đạo của NHNN rất quyết liệt nên nhiều NHTM đã chú trọng phục vụ người dân và DN. Rất nhiều những bộ hồ sơ, bộ thủ tục hành chính đã được giảm bớt về thủ tục cho vay vốn, thời gian giao dịch.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng trước đây thẩm định một bộ hồ sơ cho vay 5 ngày, nay chỉ nửa ngày đã công bố trả lời cho người dân biết có vay được hay không. Làm như thế không có nghĩa là nới lỏng, thả lỏng những điều kiện về an toàn của ngành Ngân hàng mà đây là kết quả của việc áp dụng hệ thống công nghệ để giảm thiểu thủ tục hồ sơ bằng giấy tờ. Đây cũng là một trong những hiệu quả của sự chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua của NHNN.
Mở rộng hơn hiệu quả CCHC ra nền kinh tế, NHNN đã tích cực thực hiện chỉ đạo cải cách của Chính phủ, chủ động phối hợp với rất nhiều đối với các bộ, ngành khác trong vấn đề tạo ra một sự thuận lợi chung, cải cách chung, trong các hoạt động mà có sự tham gia của ngành Ngân hàng thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân. Ví dụ như vừa qua là hiệu quả thực hiện Nghị quyết 19 từ việc triển khai hải quan điện tử, thuế điện tử do các NHTM làm đại lý đã thực sự hỗ trợ và tạo điều kiện thiết thực cho người dân.
Nhìn về hành trình CCHC của Ngành trong 5 năm tới, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát huy cách thức, biện pháp, giải pháp thực hiện mục tiêu của 5 năm qua, với CCHC đang trên đà đạt được những kết quả tích cực. Nhưng trong đó, Ban Lãnh đạo NHNN đặt ra 3 lĩnh vực đặc biệt quan trọng cần phải triển khai quyết liệt hơn, đó là cải cách thể chế, hiện đại hoá nền hành chính và cải cách bộ máy công chức công vụ.
Bên cạnh đó, CCHC, thủ tục hành chính đã và đang được xác định là một trong những nội dung quan trọng và là yêu cầu của kế hoạch hành động trong toàn Ngành triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV.
Bởi cải cách thể chế chính là nhằm cải cách lại những quan hệ, phương thức thực hiện các quy định pháp luật tạo sự đồng bộ, minh bạch công khai rõ ràng để mọi người dân dễ hiểu, dễ làm, quan hệ đơn giản thuận tiện nhất, góp phần tiết giảm chi phí cho xã hội, cho DN, người dân. Kinh nghiệm và thực tiễn thời gian qua cũng chỉ ra nếu đầu tư một cách thoả đáng, và mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thì sẽ tạo ra hiệu quả cao trong quản lý, kinh doanh của các NHTM.
Cùng với đó, NHNN sẽ quan tâm đặc biệt tới việc đổi mới hoàn thiện một cách khoa học tổ chức bộ máy NHNN Việt Nam theo 3 chức năng NHTM và cơ quan quản lý Nhà nước của một bộ, ngành, nhưng phải đảm bảo sự phát triển hội nhập với thế giới của một NHTW hiện đại. Đi cùng với đó, NHNN sẽ nâng cao được chất lượng công vụ công chức trong vấn đề đào tạo, năng lực, ý thức trách nhiệm của công chức, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của người dân, yêu cầu đòi hỏi quản lý tốt các TCTD, đáp ứng được yêu cầu hội nhập của Việt Nam với tốc độ phát triển rất nhanh của thế giới.
NHNN dẫn đầu các bộ, ngành về CCHC Kết quả Chỉ số CCHC (Par Index) vừa được Bộ Nội vụ công bố ngày 17/8 cho thấy NHNN đứng đầu trong các bộ, ngành với chỉ số CCHC có giá trị 89,42%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngành Ngân hàng nằm trong Top 3 Par Index. Đáng nói trong 7 chỉ số thành phần, NHNN có 3 năm liên tiếp dẫn đầu về công tác chỉ đạo điều hành CCHC. Không chỉ có số điểm tự chấm và điểm thẩm định đạt mức tối đa, điều tra xã hội học về công tác này của NHNN cũng đạt số điểm cao nhất trong các bộ, ngành với 4,96 điểm trên thang chấm tối đa là 5 điểm. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế của ngành Ngân hàng cũng tiếp tục duy trì vị thế thứ 1 trong 2 năm liên tiếp tại Par Index với điểm số đạt 15,14 điểm trên mức điểm tối đa 16,5. Par Index 2015 cũng ghi nhận vị trí thứ nhất của NHNN trong hoạt động cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước với số điểm cao nhất 12,33 điểm, đạt chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là 98,64%. |