Báo cáo đánh giá vai trò của BHTG kể từ khi FDIC được thành lập vào năm 1933 trong việc thúc đẩy ổn định tài chính và ngăn ngừa rút tiền gửi ngân hàng cũng như các chính sách và công cụ có thể hỗ trợ thay đổi hạn mức BHTG sau đổ vỡ của Ngân hàng Thung Lũng Silicon và Ngân hàng Signature cùng với quyết định phê duyệt trường hợp Ngoại lệ đặc biệt liên quan đến rủi ro hệ thống để bảo vệ những người gửi tiền không được bảo hiểm.
Tính đến tháng 12/2022, hơn 99% tài khoản tiền gửi nằm trong hạn mức BHTG 250.000 USD. “Tuy nhiên, cho dù hầu hết các tài khoản tiền gửi được BHTG nhưng tình trạng rút tiền hàng loạt vẫn tăng do sự gia tăng của các khoản tiền gửi không được bảo hiểm có thể đe dọa sự ổn định tài chính’ - báo cáo nhấn mạnh.
Đỉnh điểm vào năm 2021, số tiền gửi không được bảo hiểm chiếm gần 47% tổng số tiền gửi trong nước, mức cao nhất kể từ năm 1949. Tiền gửi không được bảo hiểm của một phần nhỏ tài khoản nhưng có thể chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn của các ngân hàng, đặc biệt là tại các ngân hàng lớn nhất tính theo quy mô tài sản.
Cũng theo báo cáo, thay đổi công nghệ có thể làm tăng nguy cơ rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Tốc độ phổ biến thông tin và tốc độ người gửi tiền tiếp cận thông tin làm hoạt động rút tiền hàng loại tại ngân hàng nhanh hơn và tốn kém hơn.
Báo cáo đưa ra ba phương án cải cách hệ thống BHTG gồm: Duy trì cấu trúc hạn mức BHTG có giới hạn như hiện tại, trong đó có thể tăng hạn mức BHTG; Bảo hiểm không giới hạn cho tất cả các khoản tiền gửi; và Bảo hiểm theo mục tiêu, theo đó quy định các hạn mức BHTG khác nhau giữa các loại tài khoản, trong đó các tài khoản thanh toán doanh nghiệp có thể được bảo hiểm với hạn mức cao hơn đáng kể so với các tài khoản khác.
Trong số các phương án này, báo cáo xác định phương án bảo hiểm theo mục tiêu có tiềm năng lớn nhất để đáp ứng các mục tiêu cơ bản của BHTG so với chi phí của nó. Tài khoản thanh toán doanh nghiệp là mối lo ngại đối với sự ổn định tài chính so với các tài khoản khác do việc không thể tiếp cận các tài khoản này có thể dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn.
Ngoài ra, các tài khoản thanh toán doanh nghiệp có thể gây ra rủi ro đạo đức thấp hơn bởi vì những chủ tài khoản đó ít đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận so với những người gửi tiền sử dụng tài khoản cho mục đích tiết kiệm và đầu tư. Các phương án này sẽ được đề xuất trình lên Quốc hội và cần sự tham gia của Quốc hội dù một số nhiệm vụ thuộc quyền hạn quyết định của FDIC.
Phòng NCTH&HTQT