Theo Chủ tịch FDIC - ông Martin J. Gruenberg, đề xuất triển khai việc thu phí đặc biệt đối với các ngân hàng được hưởng lợi từ việc FDIC bảo vệ cho tiền gửi không được bảo hiểm giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức duy trì tính thanh khoản nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Theo Luật BHTG Mỹ, FDIC cần thực hiện bù đắp mọi thiệt hại của DIF do bảo vệ người gửi tiền không được bảo hiểm thông qua việc thu phí đặc biệt từ các tổ chức được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ của FDIC. Theo ước tính sơ bộ, chi phí bảo vệ những người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB và SB là khoảng 15,8 tỷ USD.
Cụ thể, FDIC đề xuất mức phí đặc biệt khoảng 0,125%/năm và thu trong tám quý; tuy nhiên, tỷ lệ phí đặc biệt này có thể điều chỉnh nếu ước tính thiệt hại của DIF thay đổi. Cơ sở tính phí đặc biệt là tổng số tiền gửi không được bảo hiểm của tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm được báo cáo vào ngày 31/12/2022 (trừ 5 tỷ USD đầu tiên). Ước tính có tổng cộng 113 ngân hàng có tổng tài sản trên 5 tỷ USD sẽ phải nộp phí đặc biệt. Trong đó, 95% số phí đặc biệt được thu từ các ngân hàng có tổng tài sản trên 50 tỷ USD.
FDIC đang đề xuất thu phí đặc biệt bắt đầu từ kỳ thu phí hàng quý đầu tiên của năm 2024 (từ ngày 01/01 đến ngày 31/3/2024, ngày nộp phí là ngày 28/6/2024) và thực hiện trong 8 quý liên tục. Đề xuất chính sách này đang được xin ý kiến công chúng trong 60 ngày sau khi được công bố trên Công báo Liên bang .