Ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023. Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Theo NHNN, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tăng trưởng quý I thấp so với cùng kỳ nhiều năm; lạm phát trong nước được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; đồng thời, các TCTD cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Quyết định phù hợp với diễn biến nền kinh tế hiện nay
Dù nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn điều hành lãi suất neo ở mức cao, nhưng NHNN Việt Nam lại hạ lãi suất. Theo các chuyên gia, điều này có vẻ như bất ngờ, nhưng là hợp lý và phù hợp với những diễn biến của nền kinh tế hiện nay.
Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS), nhận định: "Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, khi GDP quý I/2023 ở mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó áp lực lạm phát và tỷ giá cũng đã ở trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng đi xuống. Ngân hàng Trung ương Mỹ FED đảo chiều chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ xảy ra, nên chúng tôi cho rằng động thái của NHNN hiện nay là động thái đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu".
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Econimica VietNam, đánh giá: "Việc giảm lần thứ hai này mạnh mẽ hơn lần trước, thậm chí là giảm cả trần lãi suất huy động. Điều này cho thấy NHNN và Chính phủ đã gửi đi một tín hiệu tiếp tục mục tiêu hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay".
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 chỉ là 2,06%, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang còn yếu. Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Tại các ngân hàng thương mại quốc doanh, cả 4 "ông lớn" vốn duy trì mức lãi suất huy động tại quầy ở mức 5,5%/năm từ trước đó nên không bắt buộc phải điều chỉnh lãi suất huy động tại quầy dịp này.
Tuy nhiên, Vietcombank, BIDV và VietinBank đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi online kỳ hạn dưới 6 tháng từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm vào sáng sớm hôm nay, 3/4/2023.
Đối với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, BIDV, VietinBank và Vietcombank áp dụng mức 0,1%/năm, trong khi tại Agribank là 0,5%/năm, đây cũng là mức cao nhất trong toàn hệ thống.
Trong khi đó, ngay sau khi NHNN công bố quyết định giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại đã rục rịch giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng trong hai ngày cuối tuần vừa qua.
Saigonbank, BaoViet Bank, NamA Bank, PVCombank, và VIB là những ngân hàng đầu tiên công bố biểu lãi suất mới. Trong đó, NamA Bank, Saigonbank và VIB cùng công bố lãi suất ở mức cao nhất 5,5%/năm đối với loại hình tiền gửi tại quầy và online.
BaoViet Bank áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy ở mức tối đa 5,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Lãi suất huy động tại quầy với các kỳ hạn này được ngân hàng duy trì từ 5,15% đến 5,25%/năm. PVCombank áp dụng lãi suất các kỳ hạn này ở mức 5,2%/năm đối với cả tiền gửi tại quầy và tiền gửi online.
Trong đợt giảm lãi suất điều hành trước đó, với mức giảm từ 0,5 - 1% (hiệu lực từ 15/3/2023), một đợt sóng giảm lãi suất huy động đã diễn ra sau đó. Hiện còn một số ít ngân hàng thương mại duy trì lãi suất 9%/năm, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi từ 6 tháng trở lên dao động ở mức từ 7 - 9%/năm, giảm từ 2 - 3%/năm so với trước. Theo công bố từ NHNN, có khoảng 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua.
Ông Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành từ NHNN sẽ giúp hệ thống ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó kéo lãi suất cho vay đi xuống. Thế nhưng chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ nhất định bởi các ngân hàng cần tiêu hóa vốn đã huy động với lãi suất cao trước đây. Chính vì vậy, tốc độ giảm lãi suất cho vay sẽ chậm hơn.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt trước nhiều áp lực từ thị trường thế giới
Thời gian tới, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước. Bối cảnh rủi ro, khó lường khiến các tổ chức quốc tế cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế đi kèm lạm phát (đình lạm) ở một số quốc gia. Giá hàng hóa cơ bản thế giới (nhiên liệu, lương thực, kim loại...) diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (01/2023): 2,9%; WB (01/2023): 1,7%; trong khi đó dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).
Trong nước, tăng trưởng kinh tế thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi do mở cửa nền kinh tế, tác động kích cầu từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội năm 2022-2023, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, rủi ro đối với nền kinh tế cũng ngày càng tăng: kinh tế thế giới tăng chậm lại làm giảm cầu nước ngoài thời gian tới, tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo; áp lực lạm phát chưa thể chủ quan trong bối cảnh xu hướng giảm lạm phát toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và nhiều yếu tố gây rủi ro đối với lạm phát trong nước. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8-7,2%. Mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ là khoảng 6,5%. Lạm phát trong nước vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, còn nhiều yếu tố gây rủi ro tăng lạm phát gồm: một số chính sách hỗ trợ giá đã chấm dứt vào cuối năm 2022, việc điều chỉnh giá Nhà nước quản lý (điện, giáo dục), lương cơ sở được điều chỉnh tăng hỗ trợ tiêu dùng và tăng chí phí sản xuất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công theo Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội... Tuy nhiên, một số yếu tố hỗ trợ giảm lạm phát gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại do khó khăn từ kinh tế toàn cầu, giá dầu thế giới được dự báo giảm so với năm 2022.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới như nêu trên thì việc điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chịu áp lực, do đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01), năm 2023, NHNN bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể:
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...