Trong tháng 8, lãi suất tiết kiệm cao nhất của hệ thống ở dưới mức 8%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện là 7,4% tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), áp dụng cho khoản tiền gửi từ 30 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng. Ở tháng trước, mức lãi suất cao nhất ghi nhận được là 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Phương Đông (OCB). Tuy nhiên, OCB đã dừng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn này trong tháng 8.
Techcombank đang có lãi suất ngân hàng cao thứ hai, với lãi suất triển khai tại kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm, không đổi so với tháng trước. Nhưng, điều kiện để hưởng mức lãi suất này đã được Techcombank điều chỉnh từ 200 tỷ đồng lên 999 tỷ đồng.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm…
Trong nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất tiền gửi cao nhất trong nhóm này hiện tại là 5,6%/năm, được niêm yết tại VietinBank, Agribank và BIDV. Riêng Vietcombank duy trì ở mức 5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5% kể từ đầu năm 2020 đến nay. Lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm.
Theo giới phân tích, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 5,111 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% sau 6 tháng.
Như vậy, riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng trước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 16 tăng cường, các ngân hàng đều khuyến khích khách hàng sử dụng kênh giao dịch online như: chuyển khoản, dễ dàng thực hiện thanh toán online khi mua sắm, … góp phần hạn chế tiếp xúc, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh việc chi tiêu, tiết kiệm online cũng được các khách hàng cá nhân quan tâm lựa chọn.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, gửi tiết kiệm online ngày càng trở thành xu hướng phổ biến được đa số khách hàng lựa chọn bởi sự tiện lợi và tính linh động về thời gian, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Nếu so với việc phải ra đường, thông qua các chốt kiểm dịch để đến ngân hàng thì gửi tiết kiệm online là giải pháp hiệu quả và an toàn.
Khách hàng có thể gửi tiền tiết kiệm vào bất kỳ thời gian nào (24/7), kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, không phải đi ra ngoài, đồng thời chủ động trong việc tất toán, lấy lãi hoặc rút tiền trước hạn với độ bảo mật cao. Với ứng dụng gửi tiết kiệm online được cài đặt ngay trên điện thoại, khách hàng dễ dàng kiểm soát tài khoản tiết kiệm của như tiền gốc, tiền lãi… Ngân hàng số luôn cập nhật những mức lãi suất ở các gói sản phẩm gửi tiết kiệm để khách hàng có thể tự do chọn lựa gói sản phẩm phù hợp; đồng thời giúp khách hàng tính toán lãi suất, kỳ hạn và có chiến lược chia nhỏ sổ tiết kiệm một cách hợp lý nhất.
Không chỉ an toàn, tiện ích, gửi tiết kiệm online lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy trung bình 0,1% - 0,3%. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, người gửi tiết kiệm online qua Internet Banking hoặc ứng dụng di động digimi có thể hưởng lãi suất cao hơn tới 0,5%/năm so với gửi tại quầy. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng gửi online là 3,95%/năm, trong khi gửi tại quầy là 3,8%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất gửi online cũng cao hơn nhiều, đặc biệt tại kỳ hạn 7 tháng, lãi suất gửi online là 6,2%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất niêm yết tại quầy và cao hơn so với mặt bằng chung. Đây là mức lãi suất cộng thêm rất cạnh tranh của Bản Việt trên thị trường trong thời điểm hiện tại.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng nhỉnh hơn tại quầy 0,1%; và cao hơn 0,2% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hay một số NHTM (như BIDV, MaritimeBank) có mức lãi suất tiết kiệm online cao hơn lãi suất tiết kiệm tại quầy tới 0,5% đối với một số kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất 7,5% được áp dụng với kỳ hạn 12 tháng, mức 7,7% cho kỳ hạn 24 tháng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), nhưng với khoản tiền tiết kiệm lớn từ 200 tỷ đồng trở lên.
Để gửi tiết kiệm online có lợi nhất, người gửi tiền nên lựa chọn những ngân hàng uy tín, lịch sử tài chính tốt. Đồng thời, nên chia các gói tiết kiệm theo tích luỹ dài hạn và ngắn hạn để vừa có ngay tài chính những lúc cần thiết, lại có 1 khoản tích luỹ lâu dài. Người gửi tiền cũng nên cân nhắc lựa chọn kỳ hạn tiết kiệm đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của bản thân để hưởng chọn lãi tiết kiệm. Ví dụ, khách hàng chọn kỳ gửi 12 tháng thì sau khi gửi đủ 12 tháng rút ra sẽ được cả gốc lẫn lãi toàn vẹn. Tuy nhiên, nếu bạn cần tiền mà rút trước kỳ hạn thì sẽ bị tính theo mức lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn rất nhiều.
Ngoài ra, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán hoàn toàn miễn phí trên điện thoại qua định danh điện tử (eKYC) với hàng loạt ưu đãi phí đang được các NHTM triển khai.