Theo nguồn tin nhận được, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) đã tổ chức họp kín với Liên đoàn Ngân hàng Hàn Quốc, Liên đoàn Ngân hàng Tiết kiệm Hàn Quốc, Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Hàn Quốc và Hiệp hội Bảo hiểm Hàn Quốc để thảo luận về việc tăng tỷ lệ phí BHTG. Đây là nguồn thu của KDIC từ các tổ chức tham gia BHTG, được sử dụng riêng trong trường hợp các tổ chức này mất khả năng thanh khoản và không thể hoàn trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Hàn Quốc cân nhắc tăng hạn mức BHTG sau 23 năm thực hiện
Chính phủ Hàn Quốc đang thảo luận về kế hoạch tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của quốc gia. Hiện nay, hạn mức BHTG tại Hàn Quốc là 50 triệu won (tương đương 38.000 USD) - được giữ nguyên trong suốt 23 năm qua.
Theo Luật bảo vệ người gửi tiền hiện hành, tỷ lệ phí BHTG đang áp dụng là 0,08% đối với ngân hàng; 0,15% đối với các công ty chứng khoán và bảo hiểm; và 0,4% đối với các ngân hàng tiết kiệm. Tổng nguồn thu từ phí BHTG của KIDC đã đạt 2,21 nghìn tỷ won vào năm ngoái.
Được biết, các chính trị gia và người gửi tiền đều ủng hộ việc tăng hạn mức BHTG từ 50 triệu won lên 100 triệu won. Quan điểm này càng có cơ sở khi gần đây một số ngân hàng nước ngoài trải qua tình trạng rút tiền hàng loạt như trường hợp đổ vỡ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Tuy nhiên, các cơ quan tài chính Hàn Quốc cũng đánh giá, tác động lên thị trường cần được xem xét cẩn thận, do gánh nặng gia tăng đối với các tổ chức tài chính có thể chuyển sang người tiêu dùng.
Nếu chính phủ tăng hạn mức BHTG, đồng nghĩa với việc phí BHTG do các tổ chức tài chính phải đóng sẽ tăng theo, dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn hoặc lãi suất tiền gửi thấp hơn. “Động thái này có thể gây hại cho người dân nhiều hơn và làm lợi cho những người có số tiền mặt lớn” - nguồn tin nhận định.
Cũng theo nguồn tin cho biết, hướng xử lý cuối cùng sẽ được xác định khi kết quả rà soát được báo cáo lên Quốc hội vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
TH