Tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, với hơn một triệu dân, nhưng nhờ có vị trí địa lý thuận lợi cùng với nhiều cơ chế và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, Bắc Ninh đã và đang khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa tạo nên điểm nhấn trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh. Sau 20 năm tái lập tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tổng sản phẩm (GDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15,7%/năm,…
Với những thuận lợi đó, ngành ngân hàng tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động tiếp cận, đón đầu những cơ hội mới, phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, hiện nay đã có 32 đầu mối các ngân hàng (NHNN, 10 NHTM nhà nước, 17 NHTMCP, 1 NHCSXH, 1 NH HTX, 1 NH 100% vốn nước ngoài, 1 NHPT), 26 QTDND cơ sở và 1 Tổ chức tài chính vi mô thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hoạt động tín dụng hàng năm đều tăng trưởng cao cả về nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay, tăng trưởng bình quân luôn cao hơn so với mức tăng trưởng chung toàn ngành trong cả nước; Đến nay, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 65.000 tỷ đồng, tăng 300 lần và tổng dư nợ cho vay đạt 50.000 tỷ đồng, tăng gần 200 lần so với đầu năm 1997 khi tái lập tỉnh Bắc Ninh; Sau 20 năm tái lập tỉnh, hoạt động ngân hàng đã phát huy hiệu quả, trong đó các QTDND từng bước được nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu hợp lý nguồn vốn, tỷ trọng cho vay và các lĩnh vực chiếm ưu thế, nâng cao chất lượng công tác quản trị, điều hành, nhất là việc xử lý nợ xấu được giải quyết hiệu quả. Có được kết quả như vậy, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các TCTD, Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Ninh (NHNN tỉnh) khẳng định và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ (Chi nhánh) trong việc góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hiệu quả của công tác phối hợp giám sát, kiểm tra và xử lý, tháo gỡ khó khăn cho QTDND, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Chi nhánh định kỳ giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn tỉnh, thường xuyên trao đổi thông tin với NHNN tỉnh về tình hình hoạt động của các QTDND. Qua đây, NHNN tỉnh có thêm một kênh thông tin khách quan, quan trọng, hữu ích phục vụ việc chỉ đạo, quản lý phù hợp cũng như chấn chỉnh, cảnh báo kịp thời đối với các QTDND trong phạm vi quản lý.
Thứ hai, hàng năm, Chi nhánh phối kết hợp với NHNN tỉnh nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra trực tiếp các QTDND đảm bảo phù hợp, tránh chồng chéo gây phiền hà đối với đơn vị được kiểm tra, đồng thời chia sẻ thông tin với Thanh tra NHNN trong công tác kiểm tra, giám sát. Sau mỗi đợt kiểm tra, Chi nhánh đều gửi về NHNN tỉnh kết luận kiểm tra đối với các đơn vị, trong đó đánh giá đầy đủ việc thực thi các quyết định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN tỉnh xử lý khi cần thiết. Đặc biệt năm 2015, qua kết quả giám sát, quản lý các QTDND trên địa bàn, khi phát hiện đơn vị có vấn đề trong hoạt động, NHNN tỉnh đã đề nghị Chi nhánh tham gia cùng NHNN kiểm tra toàn diện để đánh giá chính xác về tình hình hoạt động của đơn vị này, từ đó giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có phương án xử lý hiệu quả và từng bước khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động QTDND.
Thứ ba, đối với QTDND có dấu hiệu lâm vào tình trạng khó khăn như: bất ổn về tổ chức cán bộ, có hiện tượng khách hàng đến rút tiền hàng loạt…, lãnh đạo và cán bộ Chi nhánh đã kịp thời có mặt tại QTDND để động viên, kiểm tra, nắm bắt tình hình, tuyên truyền về chính sách BHTG tạo niềm tin cho người gửi tiền, qua đó hạn chế, chấm dứt hiện tượng rút tiền trước hạn, đồng thời lập phương án sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho QTDND khi cần thiết; Mặt khác, Chi nhánh phối hợp với NHNN tỉnh theo dõi, giúp đỡ QTDND nhanh chóng khắc phục tình hình và ổn định hoạt động trở lại.
Thứ tư, công tác hỗ trợ các QTDND trong việc truyền nhận thông tin báo cáo qua đường truyền Internet của Chi nhánh đã giúp cho hệ thống QTDND tiết kiệm được chi phí, đảm bảo thời gian và thuận tiện trong tra soát số liệu . . .
Tóm lại, có thể nói sự phối hợp giữa NHNN tỉnh và Chi nhánh đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần vào mục tiêu chung là duy trì sự ổn định, bảo đảm an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, khẳng định được vai trò của BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong thời gian tới, để việc phối hợp giữa NHNN tỉnh và Chi nhánh ngày càng hiệu quả hơn, bài viết xin đưa ra một số ý kiến như sau:
1. Từ tháng 9/2005, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa cho mỗi khách hàng đã được nâng lên là 50 triệu đồng, nhưng đến nay hạn mức này không còn phù hợp, rất thấp so với những khách hàng có số tiền gửi hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng trở lên. Vì vậy, cần nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ đó tăng niềm tin của người gửi tiền đối với QTDND, đồng thời góp phần hỗ trợ và đảm bảo an toàn lành mạnh TCTD.
2. Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật về phí bảo hiểm, về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa NHNN và BHTGVN.
3. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Chi nhánh và NHNN tỉnh nhằm tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý QTDND, tạo điều kiện cho các QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.