TS. Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng, NHNN - Cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng và BHTGVN có vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
NHNN cũng đang đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo đảm an sinh tốt hơn cho người gửi tiền, từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội. Nếu có một chính sách BHTG tốt, hoàn thiện, đáp ứng được nguyện vọng của người dân sẽ góp phần thúc đẩy người dân tham gia các hoạt động ngân hàng chính thức, cụ thể là gửi tiền ở những tổ chức nhận tiền gửi có Nhà nước bảo hiểm tiền gửi để được pháp luật bảo vệ. Bảo hiểm tiền gửi Viêt Nam cũng phối hợp với NHNN tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng, BHTG…đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”; xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức. BHTGVN còn có Cẩm nang về bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền... Những tiện ích đó cần được truyền thông rộng rãi, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Ngành Ngân hàng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động ngân hàng như huy động, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; BHTG; quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, sớm đưa việc sửa đổi bổ sung Luật BHTG vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội để tăng cường bảo vệ người gửi tiền, qua đó khuyến khích người dân quan tâm, tham gia vào hoạt động tiền gửi chính thức.
TS. Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động đặc thù, tổ chức duy nhất triển khai hoạt động BHTG tại Việt Nam, hoạt động phi lợi nhuận vì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Đây được xem là mục tiêu chính, trọng yếu của các tổ chức BHTG tiên tiến.
Cơ sở pháp lý hiện tại đã qui định vị trí độc lập tương đối và khả năng đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách của BHTGVN. Để Luật BHTG tiếp tục đi vào cuộc sống và có hiệu quả thực thi, Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, cần cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền, biện pháp trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, theo đúng nguyên tắc thị trường, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống. Đặc biệt, những sửa đổi, bổ sung này cần theo hướng: Bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cần nghiên cứu để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém nhằm sử dụng chính sách BHTG như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền; cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để BHTGVN có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Đến nay đã hơn 10 năm người gửi tiền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình kể từ khi Luât BHTG có hiệu lực. Mặc dù chưa phải chính thức chịu trách nhiệm thanh toán cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ, phá sản các ngân hàng, song BHTGVN đã chi trả tiền BHTG cho những người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể, phá sản. Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được đảm bảo kịp thời, tạo niềm tin cho người gửi tiền tại các QTDND nói riêng và các tổ chức TCTD nói chung.
Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng sau 10 năm triển khai Luật BHTG, song đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, thể hiện ở một số điểm như: Luật BHTG quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về các kênh đầu tư; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...; Luật BHTG chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời so với Luật Các TCTD năm 2017; Các cơ chế chính sách pháp luật liên quan chưa đồng bộ và không thống nhất …
Vì vậy, BHTGVN nên theo dõi, tham gia góp ý đầy đủ, trách nhiệm vào Luật Các TCTD sửa đổi để khi dự thảo Luật này được Quốc hội thông qua sẽ tạo đòn bẩy cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Đây cũng là yêu cầu khách quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BHTG để phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, cũng như tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực BHTG.
TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế
BHTGVN là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro, ngăn ngừa khủng hoảng, bảo vệ người gửi tiền và giảm gánh nặng xử lý đổ vỡ cho ngân sách quốc gia. Trong tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, với xu hướng gia tăng vốn đầu tư gián tiếp, vay nợ nước ngoài và tự do hóa tài chính, mở cửa sâu các dịch vụ tài chính ngân hàng; tăng sức ép cải thiện hiệu quả, chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các định chế trong nước; sự thay đổi quy mô, cấu trúc luồng vốn đầu tư quốc tế và sự cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia… thì yêu cầu BHTGVN thể hiện vai trò, năng lực, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi BHTGVN cần có chiến lược và lộ trình thích hợp nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao với tư cách là một định chế tài chính đặc biệt của Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Các đơn vị thuộc NHNN, trong đó có BHTGVN cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy định pháp luật có liên quan theo hướng bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; bổ sung chức năng nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém.
BHTGVN cần nâng cao năng lực tài chính và quản trị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và hội nhập quốc tế của BHTGVN, góp phần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được quy định trong Luật BHTG và các nhiệm vụ được bổ sung trong giai đoạn mới, cũng như những định hướng trong trung và dài hạn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại và phát triển các TCTD thời gian tới.
TX