Tham luận về văn hóa số, luật gia Nguyễn Hoàng Mai - Giảng viên chính Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn cho rằng: Văn hóa số đang thách thức Công đoàn phải suy nghĩ lại về cách hoạt động, cách thức có thể thích nghi, và liệu "chủ nghĩa Công đoàn kĩ thuật số hay trực tuyến" có nên là xu hướng mới hay không? Những chia sẻ của luật gia Nguyễn Hoàng Mai là những gợi ý hữu ích để nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xây dựng văn hóa công sở của Công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Sự phát triển của khoa học công nghệ có những tác động không nhỏ đến hoạt động công đoàn. Công nghệ kĩ thuật số cho phép công đoàn phát triển các ứng dụng về công đoàn, ứng dụng của người lao động cũng như cơ sở dữ liệu của riêng tổ chức công đoàn mà các đoàn viên hoặc người lao động có thể truy cập được. Sự tương tác kĩ thuật số (một phần biểu hiện của văn hóa số) cũng có thể mang lại những lợi ích khác cho hoạt động công đoàn như giảm thiểu chi phí họp, chi phí in ấn gửi văn thư. Kèm theo đó, tốc độ trao đổi thông tin giữa nội bộ một tổ chức công đoàn, giữa các cấp công đoàn với nhau, giữa tổ chức công đoàn với tổ chức khác được nhanh chóng, kịp thời thông qua việc sử dụng tinh vi hơn các công nghệ kĩ thuật số hiện có. Những thuận lợi này cũng giúp các công đoàn có thể nâng cao năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, người lao động. Nếu trước đây, con đường duy nhất để phát triển đoàn viên là các cán bộ công đoàn phải tự mình đi về cơ sở, gặp gỡ, tương tác trực tiếp người lao động để tuyên truyền hoặc gửi các bản in giới thiệu về tổ chức thì nay đã có thể thông qua phần mềm, linh hoạt về thời gian, tiết kiệm về chi phí, trả lời được nhiều câu hỏi, thống kê nhanh chóng các thông tin cần tìm hiểu về người lao động.
Trong thời điểm này, các công đoàn đã bắt đầu áp dụng văn hóa số bằng việc sử dụng thư điện tử (email) để thông tin, tổ chức lấy ý kiến nhanh với các đơn vị có địa bàn hoạt động phân tán. Các công đoàn cũng đã đăng kí và sử dụng miền địa chỉ trên mạng (website) giới thiệu về tổ chức, hoạt động của mình, tạo các công cụ trên miền để giúp cán bộ công đoàn các cấp tra cứu hệ thống văn bản hướng dẫn, tìm kiếm các thông tin, theo dõi các hoạt động bằng thông tin hoặc thể hiện sinh động bằng clip. Các tổ chức công đoàn có thể tổ chức lấy ý kiến của người lao động thông qua việc điền thông tin trên các form google hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu online...
Việc áp dụng các công nghệ kĩ thuật số vào tổ chức và hoạt động của công đoàn đã thực sự phát triển, đặc biệt sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và những thay đổi liên quan trên thế giới. Khi người lao động, đoàn viên thực hiện làm việc từ xa do giãn cách xã hội và thực hiện các quy trình chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19, tổ chức và hoạt động của nhiều công đoàn trên thế giới, trong đó có Công đoàn Việt Nam, đã phải chủ động thích nghi và triển khai nhiều mạng lưới thông tin, làm việc online, thông tin online, giải quyết vấn đề online... nhằm vừa đảm bảo kết nối vừa đáp ứng sự kiểm soát lây lan và tác động của Covid-19. Trong tình huống đặc biệt này, người lao động và tổ chức đại diện của mình đã thông qua Internet và các hệ thống có thể truy cập trực tuyến để tương tác và vận hành các chức năng hằng ngày của công đoàn.
Trong điều kiện “văn hóa số”, các công đoàn đều có riêng cho mình cách khai thác công nghệ kĩ thuật số hằng ngày nhằm tổ chức các hoạt động: Họp, lấy ý kiến, trao đổi, nghiên cứu, thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, đào tạo và tập huấn, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia các chương trình. Nhiều hội nhóm trên các kênh thông tin xã hội được sử dụng và ghi nhận đáp ứng yêu cầu của bối cảnh giãn cách, làm việc từ xa, các phương thức tương tác nếu trước đây là trực tiếp thường được đánh giá bằng thái độ, lời nói, bằng cử chỉ... thì nay được thay thế bằng các tương tác như: Thả tim vào thông báo...
Văn hóa số đang thách thức các công đoàn phải suy nghĩ lại về cách họ hoạt động, cách thức họ có thể thích nghi và liệu “chủ nghĩa công đoàn kĩ thuật số hay trực tuyến” có nên là xu hướng mới hay không. Việc tăng cường truy cập vào phương tiện truyền thông xã hội cả trong và ngoài nơi làm việc ngày càng thành hoạt động “bình thường”, có nghĩa là, công đoàn không thể bỏ qua xu hướng ngày càng tăng này. Quan trọng hơn là làm thế nào để duy trì được văn hóa của những thay đổi do số hóa gia tăng dưới hình thức cải tiến hoặc bổ sung cho công đoàn mà vẫn đồng thời duy trì các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của tổ chức nhằm có thể thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách hiệu quả.
Sự phức tạp giao thoa với sự thiếu hụt công nghệ kĩ thuật số ở một số vùng, miền và ngày càng phi chính thức hóa, những khoảng trống và cơ hội cho các tổ chức của người lao động có thể khác biệt khi năng lực tận dụng công nghệ kĩ thuật số ở các cấp độ hoạt động là khác nhau. Công đoàn cần nghiên cứu kĩ và có chiến lược cụ thể trong khuyến nghị về cách tận dụng công nghệ kĩ thuật số để huy động đoàn viên tham gia hoạt động.
Để triển khai văn hóa số trong hoạt động công đoàn, các tổ chức công đoàn cần:
Đầu tiên, các tổ chức công đoàn cần quan tâm chuẩn bị về con người đáp ứng chuẩn nhất định để có thể vận dụng văn hóa số trong hoạt động công đoàn. Cụ thể: Chuẩn bị con người hay lực lượng đáp ứng yêu cầu của áp dụng văn hóa số bao gồm các “cán bộ công đoàn số”, nếu áp dụng theo các tiêu chuẩn về “công dân số” thì có thể áp dụng tương tự, ví dụ như cán bộ công đoàn cần có khả năng truy cập các nguồn thông tin số; có khả năng giao tiếp trong môi trường số; có kĩ năng số cơ bản; biết trao đổi thông tin hoạt động trên mạng; có chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; có khả năng tự bảo vệ thể chất và tâm lí trước các ảnh hưởng từ môi trường số; thực thi quyền và trách nhiệm của bản thân trong môi trường số; có thể định danh và xác thực dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trong môi trường số. Như vậy, cần thiết phải xây dựng văn bản cụ thể hóa các yêu cầu chuẩn mực nói trên thì cán bộ công đoàn mới có thể trở thành cán bộ số trong môi trường văn hóa số.
Thứ hai, các tổ chức công đoàn cần xác định rõ kế hoạch về việc đầu tư cho một hệ thống hạ tầng đủ tốt để đảm bảo quá trình vận hành văn hóa số trong hoạt động công đoàn để có thể đầu tư cho một hệ thống hạ tầng đủ tốt, có tài chính và các quy định cụ thể làm chuẩn mực cho việc bảo đảm dữ liệu và phương thức áp dụng tương tác, giao tiếp ứng xử trên nền tảng số. Điều này cần thiết phải trao đổi, thống nhất không chỉ tại phạm vi công đoàn cơ sở mà cần phải có sự đồng bộ của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, những thông tin dữ liệu cần được kiểm soát nguồn nhập và nguồn phát, vậy nên việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng lại không chỉ liên quan đến cơ sở, nền tảng, dữ liệu... mà còn liên quan đến việc quản lí các cơ sở, nền tảng, dữ liệu... kèm theo đó là việc xây dựng Bộ quy chuẩn quản lí nội bộ đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lí nhà nước về hạ tầng dữ liệu số. Công đoàn ở Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, vì vậy, các thông tin dữ liệu sẽ cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, cấp cơ sở cần đảm bảo việc quản lí của cấp trên cơ sở. Điều này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ của toàn hệ thống nội bộ công đoàn và các đối tác có liên quan để thực thi văn hóa số có hiệu quả.
Thứ ba, công đoàn cần tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và phía người sử dụng lao động cùng phối hợp thích nghi văn hóa số trong hoạt động, cần xây dựng chiến lược thể hiện rõ lộ trình hoàn thiện văn hóa số trong hoạt động của mình để xây dựng văn hóa số, bước đầu tiên cần thực hiện đó là xác định những giá trị văn hóa số cần có của tổ chức công đoàn. Tuy mỗi công đoàn đã có những giá trị văn hóa đặc trưng và khác nhau, nhưng mỗi công đoàn trong bối cảnh áp dụng văn hóa số cần đánh giá được các hành vi của từng cá nhân trong tổ chức sẽ thay đổi và thể hiện theo đúng những gì tổ chức công đoàn kì vọng.
Về phía chuyên môn, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã có Bộ Quy tắc ứng xử thể hiện việc triển khai văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, vì vậy việc hình thành thêm văn hóa số của công đoàn cần có sự tương thích, tích hợp một số các chiến lược tương đồng với chiến lược của phía chuyên môn trong quản lí về văn hóa số.
Việc xây dựng chiến lược của nội bộ tổ chức không đồng hành cùng chiến lược của các tổ chức khác có thể gây ra những xung đột không mong đợi, làm cho quan hệ lao động mất hài hòa, thiếu ổn định. Vì vậy, việc áp dụng chiến lược nào cần có sự cân nhắc, trong trường hợp cần thiết nên có thí điểm thực hiện và đánh giá thực tiễn, qua đó rút ra các giá trị đạt được để hình thành chiến lược văn hóa số phù hợp và hiệu quả nhất trong hoạt động công đoàn.
Việc vận dụng văn hóa số tại Công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, môi trường làm việc của từng đơn vị cũng như toàn hệ thống; đảm bảo cho các mối quan hệ hài hòa, giúp cho đoàn viện và người lao động luôn cảm thấy vui tươi, đoàn kết để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành một thương hiệu của BHTGVN./.
Hiếu Ngân