Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho hộ dân, doanh nghiệp trên cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất; đồng thời bổ sung hoàn thiện một số cơ chế, chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tập trung nguồn vốn của hệ thống để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP với các giải pháp đột phá nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệpViệt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) luôn thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác từ 1-2%/năm (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 7%/năm); đồng thời chỉ đạo các TCTD trên cơ sở năng lực tài chính của mình thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường khả năng đánh giá khách hàng để xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; tiếp tục cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp;
Ngành Ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt Chương trình kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc để nắm bắt thông tin và kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 09/3/2016 chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các TCTD chủ động rà soát các khoản nợ vay của khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới để khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất; đồng thời căn cứ công bố thiệt hại do thiên tai trên diện rộng của UBND các tỉnh, thành phố để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh nợ, xóa nợ cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Ngoài ra, triển khai Chương trình tín dụng xanh theo nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo tiêu chí "xanh" bảo vệ môi trường, nông nghiệp xanh, du lịch xanh vùng ĐBSCL sẽ được các ngân hàng quan tâm xem xét, cấp tín dụng.
Bên cạnh các chính sách chung, NHNN đã phối hợp với các Bộ, Ngành tham mưu cho Chính phủ nhiều chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL như: Cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch rộ; Chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh không trả được nợ vay ngân hàng; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ; Chương trình cho vay thí điểm theo các mô hình liên kết, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp,...
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa các thủ tục cho vay, triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến địa bàn nông thôn như các dịch vụ thanh toán biên mậu, bảo lãnh vay vốn, mở thư tín dụng, nhờ thu,…nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp và ngân hàng.
Hoạt động ngân hàng tại ĐBSCL đạt những kết quả tích cực
Đến nay trên địa bàn 13 tỉnh vùng ĐBSCL, mạng lưới các TCTD liên tục được mở rộng, bao phủ hầu hết địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL gồm: 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, trên 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội, 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch của Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống 147 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Hoạt động ngân hàng của khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Huy động vốn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Đến ngày 30/6/2016, huy động vốn của cả vùng đạt khoảng 355.000 tỷ đồng, tăng 11,49% so với 31/12/2015. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 3,91% so với 31/12/2015, chiếm trên 8%/tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 61%, dư nợ trung dài hạn chiếm khoảng 39%. Tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL chiếm 2,85%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực.
Kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực ĐBSCL những năm gần đây liên tục tăng, đến 30/6/2016 đạt dư nợ khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48%/tổng dư nợ cho vay của khu vực, trong đó kết quả cho vay đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng như: (i) Kết quả cho vay đối với lĩnh vực thủy sản: Dư nợ cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại khu vực ĐBSCL ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 4,31% so với 31/12/2015. Cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đạt 87 con tàu (đóng mới 75 tàu và nâng cấp 12 tàu) với số tiền cam kết cho vay trên 585 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 444 tỷ đồng; (ii) Kết quả cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo: Dư nợ cho vay lúa gạo tại 13 tỉnh ĐBSCL ước đạt khoảng 27.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so 31/12/2015, chiếm khoảng 75%/tổng dư nợ cho vay lúa gạo toàn quốc; (iii) Kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ: Tại khu vực ĐBSCL có 10 doanh nghiệp trong tổng số 28 doanh nghiệp trên toàn quốc được liên Bộ (NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) lựa chọn tham gia chương trình thí điểm để thực hiện 10 dự án sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với số tiền các ngân hàng đã giải ngân cho vay đạt gần 5.424 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai chương trình, thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp có điều kiện hoàn thiện các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi nhuận cho cả hộ dân liên kết và doanh nghiệp đầu mối, điển hình như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang, mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An tỉnh An Giang, mô hình liên kết cánh đồng lớn của Công ty TNHH Trung An,...; (iv) Kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn: Đến nay đã có 3.028 khách hàng được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 141,7 tỷ đồng; 6.653 khách hàng được các TCTD cho vay mới ổn định sản xuất với số tiền là 168,5 tỷ đồng.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã và đang được các TCTD tích cực triển khai, 50 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã được tổ chức với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp cho doanh nghiệp như: tăng hạn mức tín dụng, cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất và cho vay mới để các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Kết quả là 5.450 doanh nghiệp đã được các ngân hàng cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 62.900 tỷ đồng thông qua các hình thức, trong đó cam kết cho vay mới đạt 57.000 tỷ đồng.
Không chỉ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngành ngân hàng cũng đã tích cực đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ của vùng. Các dự án khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ góp phần nâng cao tính ổn định, tin cậy cho hệ thống điện của cả nước đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng điện cho khu vực phía Nam và các tỉnh ĐBSCL.
Bên cạnh tín dụng thương mại, tín dụng chính sách của Nhà nước thời gian qua cũng góp phần tạo sinh kế cho người nghèo, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách vùng ĐBSCL tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 25.972 tỷ đồng, tăng 2,87% so với 31/12/2015, với hơn 2.065 ngàn khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng 0,75%/tổng dư nợ.