Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây
Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát những kết quả nổi bật đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4/2017, trong đó nêu rõ kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố). Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp, tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I). Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%; xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 15,4%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc tạm nhập tái xuất. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.
Ngành Ngân hàng hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn
Trước tình hình khó khăn của người chăn nuôi lợn trong tiêu thụ lợn thịt, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, tiếp tục cho vay mới,...để người dân duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng ngày, NHNN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này của ngành ngân hàng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn như công tác tổ chức sản xuất, công tác thị trường,...
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, số chính xác là 29.344 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp (DN) kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, hợp tác xã (HTX), mô hình liên kết. Như vậy, có thể nói việc chăn nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ đồng.
Ngay từ khi các DN, đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát, tập trung ở một số tỉnh có số lượng lớn như Đồng Nai. “Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng” – Phó Thống đốc cho hay.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Quan điểm của NHNN là sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm. Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay. Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc nào đó lại thiếu nên đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi càng lỗ”.
Theo NHNN, việc đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới là những giải pháp trong ngắn hạn mà ngành Ngân hàng thực hiện để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trả nợ cho người chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho ngành này cần: (i) Quy hoạch lại vùng nuôi và sản lượng nuôi phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch; Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có nguồn tiêu thụ ổn định, gia tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; (ii) Đẩy mạnh công tác chế biến sản phẩm từ thịt lợn góp phần tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi; (iii) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước trong khu vực cũng như thị trường xuất khẩu mới.
Sau chỉ đạo của NHNN, đã có 2 ngân hàng vào cuộc giải cứu ngành chăn nuôi lợn là LienVietPostBank và Kienlongbank. LienVietPostBank đã thống nhất về giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân trên cơ sở đề xuất của Ông Nguyễn Đức Hưởng – Cố vấn cao cấp của Ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã ký Chỉ thị chỉ đạo LienVietPostBank sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 01 năm.
Tại KienLongbank, từ ngày 10/5 tới, Kienlongbank xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi heo đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank thời gian qua. Dự kiến chương trình hỗ trợ diễn ra trong 3 tháng. Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.Đại diện Kienlongbank cho biết, chương trình hưởng ứng chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc chia sẻ khó khăn với ngành chăn nuôi trong nước, nhất là hộ chăn nuôi heo, khi giá heo hơi Việt Nam đột ngột giảm mạnh.