Ngày 22/9/2004, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ Indonesia đã ban hành Luật BHTG Indonesia (Đạo luật số 24 năm 2004). Một năm sau đó, ngày 22/9/2005, LPS đã được thành lập và chính thức hoạt động.
Ban đầu, LPS chỉ có chức năng bảo lãnh và tích cực đóng góp vào duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau khi Luật P2SK (Luật phát triển và củng cố hệ thống tài chính) năm 2023 được ban hành, LPS đã đảm nhận thêm các quyền hạn và trách nhiệm mới liên quan đến triển khai chính sách BHTG trong phạm vi quyền hạn.
Giám đốc điều hành khiếu nại và xử lý ngân hàng - ông Suwandi cho biết, sau khi Luật tăng cường và phát triển hệ thống tài chính (UU P2SK) được thông qua, LPS được giao nhiệm vụ triển khai Chương trình bảo lãnh chính sách (PPP) để bảo vệ chủ hợp đồng, người được bảo hiểm hoặc người tham gia bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm có giấy phép kinh doanh bị thu hồi. Sau khi triển khai PPP, LPS sẽ có chức năng bảo lãnh các hợp đồng bảo hiểm và xử lý ngân hàng. PPP sẽ có hiệu lực sau 5 năm kể từ khi Luật P2SK được ban hành, tức là vào năm 2028.
Ngoài ra, trong Luật P2SK về bảo lãnh và xử lý ngân hàng, LPS cũng được trang bị thêm các công cụ xử lý khác như cơ chế thanh lý, hoặc biện pháp xử lý bằng cách bán tài sản do ngân hàng sở hữu để giải quyết các nghĩa vụ của ngân hàng. Một lựa chọn khác đó là Đầu tư vốn tạm thời (PMS) hoặc cấp vốn bổ sung cho ngân hàng bị thanh lý. Sau đó, mua và tiếp nhận; hoặc chuyển nhượng một phần/toàn bộ tài sản và/hoặc nợ của ngân hàng bị xử lý cho ngân hàng tiếp nhận. Cuối cùng, phương án chuyển nhượng tạm thời thông qua ngân hàng bắc cầu; hoặc chuyển nhượng một phần/toàn bộ tài sản và/hoặc nợ của ngân hàng bị xử lý cho ngân hàng trung gian, hoặc ngân hàng do LPS thành lập.
TH