Mặc dù vậy, nhiều khi chỉ khởi nguồn bởi sự “đồn thổi” có thể làm cho hoạt động ngân hàng trở nên gián đoạn, gây thiệt hại tới nhiều đối tác và ảnh hưởng tới nhịp độ phát triển kinh tế. “Đột biến rút tiền gửi” là hiện tượng có thể minh chứng cho tình trạng này, đã từng diễn ra ở nhiều quốc gia, là kinh nghiệm quý báu có thể tham khảo.
Đột biến rút tiền gửi (ĐBRTG) có thể hiểu là một chuỗi các cuộc rút tiền mặt ồ ạt không mong đợi, xảy ra do sự giảm sút niềm tin đột ngột hoặc lo sợ của người gửi tiền rằng ngân hàng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền đóng cửa.
Trong nền kinh tế, ngân hàng là trung gian tài chính, là cầu nối giữa người đi vay và người cho vay. Với nghiệp vụ ngân hàng truyền thống, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng sử dụng số tiền đó để đầu tư, cho vay. Đổi lại, người gửi tiền được ngân hàng cam kết trả tiền gốc và lãi. Nếu niềm tin của người gửi tiền vào khả năng chi trả tiền gửi của ngân hàng bị suy giảm sẽ có thể dẫn đến tình trạng rút tiền từ ngân hàng nhiều hơn mức bình thường. Kinh doanh ngân hàng có tính đặc thù, phụ thuộc nhiều vào niềm tin của đối tác và tình hình kinh doanh của đối tác. Người vay tiền từ ngân hàng, do nguyên nhân khách quan gặp khó khăn, theo đó, trong chừng mực nhất định, ngân hàng có thể có khó khăn trong việc thu hồi nợ, nghiêm trọng hơn có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng. Những tác động/hậu quả của ĐBRTG có thể gây ra cho nhiều đối tác khác nhau trong nền kinh tế, tùy theo quy mô ĐBRTG trong phạm vi một ngân hàng hay lan truyền ra toàn hệ thống.
Đối với người gửi tiền
Người gửi tiền là người chịu thiệt trước tiên trong cuộc ĐBRTG. Do lo sợ bị mất tiền, họ sẽ rút tiền trước hạn mặc dù biết sẽ mất đi khoản lãi do chưa đến hạn. Ngoài ra, người gửi tiền còn phải chịu thiệt thòi và mất chi phí về thời gian khi thực hiện chuyển đổi tiền gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Tổn thất mà người gửi tiền phải chịu khi ngân hàng bị đóng cửa có thể cao hơn. Từ năm 1865 đến năm 1933 tại Mỹ, người gửi tiền bị tổn thất vào khoảng 0,21% tổng các khoản tiền gửi trung bình hàng năm. Đặc biệt, trong cuộc đại suy thoái ở Mỹ, tính riêng năm 1930 và 1933, năm có số lượng ngân hàng đổ vỡ nhiều nhất từ trước tới nay ở Mỹ, tỷ lệ tổn thất trung bình cho những người gửi tiền tại các ngân hàng bị đổ vỡ lên tới 28% và 15%. Đây là những tổn thất không đáng có và mỗi người gửi tiền có thể tránh được.
Đối với cổ đông/chủ sở hữu ngân hàng
ĐBRTG có thể làm sụt giảm giá trị tổng tài sản của ngân hàng. Đây là sự thiệt hại đối với chủ sở hữu, những người nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng. Ngoài ra, giá trị tài sản của ngân hàng còn bị suy giảm khi ngân hàng phải bán tháo các tài sản với giá thấp hơn giá thị trường để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng vọt của người gửi tiền. Những thông tin về ĐBRTG còn làm cho giá trị cổ phiếu của ngân hàng đó sụt giảm. Theo thống kê, tổng số tiền thiệt hại của các cổ đông cùng người gửi tiền và những người cho vay khác trong cuộc Đại khủng hoảng ở Mỹ dẫn đến ngưng trệ hoạt động ngân hàng do ĐBRTG khoảng 2,5 tỷ đôla.
Trong trường hợp ngân hàng bị đổ vỡ do ảnh hưởng của ĐBRTG, chủ sở hữu hay cổ đông của ngân hàng phải gánh chịu thiệt thòi khi họ là người cuối cùng trong trật tự ưu tiên thanh lý ngân hàng đổ vỡ.
Đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế
ĐBRTG tại một ngân hàng gây thiệt hại cho người gửi tiền và chủ sở hữu ngân hàng. Nếu có hiện tượng ĐBRTG lan truyền và đồng thời xảy ra tại nhiều ngân hàng có thể sẽ gây thiệt hại nhiều hơn. ĐBRTG có tính lan truyền nên dễ dẫn tới rủi ro hệ thống và gây thiệt hại cho nền kinh tế, hiện tượng này làm gián đoạn những dự án đầu tư có hiệu quả và tiêu dùng của xã hội. Khi người gửi tiền rút tiền ồ ạt, nguồn vốn cho hoạt động ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư có quan hệ với ngân hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng có thể phải bán tài sản để khôi phục tính thanh khoản của họ và chỉ có số ít ngân hàng có khả năng mua. Những khoản lỗ do bán tháo tài sản sẽ lớn và số lượng ngân hàng đổ vỡ có thể tiếp tục gia tăng.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã từng xuất hiện ĐBRTG cho thấy, hiệu ứng “số đông” xuất phát từ tin đồn có liên quan mật thiết tới việc xuất hiện ĐBRTG. Khi đã chứng kiến, chịu ảnh hưởng và cảm nhận được sự mất mát lớn lao từ ĐBRTG, nhiều người gửi tiền ngộ ra rằng, hiệu ứng “số đông” và ứng xử nóng vội của người gửi tiền sẽ làm cho tình huống khó khăn hơn, tổn thất đối với họ và ngân hàng có thể sẽ nhiều hơn.
Để phòng tránh sự mất mát không đáng xảy ra cho người gửi tiền, ngân hàng và nhiều đối tác có liên quan, bài viết xin đưa ra một số điểm cần quan tâm như sau:
Đối với người gửi tiền: Ngân hàng là tổ chức kinh tế, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, mang lại tiền lãi cho người gửi tiền, sự tiện lợi cho cộng đồng, cổ tức cho cổ đông, đóng góp cho xã hội bằng tiền thuế,…và rất nhiều lợi ích hữu hình và vô hình có thể kể đến. Kinh doanh ngân hàng chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, tình trạng ngân hàng có khó khăn theo chu kỳ là hoàn toàn bình thường. Mỗi người gửi tiền vừa là khách hàng nhưng cũng là nhà đầu tư tại ngân hàng cần tạo điều kiện để ngân hàng có thể giải quyết khó khăn theo trình tự và có biện pháp khắc phục khi ngân hàng gặp khó khăn. Theo đó, quyền lợi của các bên sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất, trong đó có quyền lợi người gửi tiền. Hành động ứng xử theo số đông sẽ dẫn đến thiệt hại đầu tiên thuộc về người gửi tiền. Do vậy, khi có thông tin thất thiệt về ngân hàng, người gửi tiền cần hết sức bình tĩnh, tránh những phản ứng theo cảm tính, có thể làm tình hình trở nên khó khăn hơn.
Đối với ngân hàng: Trong bối cảnh kinh doanh ngân hàng cạnh tranh ngày càng cao, để khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường, yếu tố rủi ro cần được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế có khó khăn, chấp nhận rủi ro cao đồng nghĩa với việc tạo áp lực trực tiếp tới thanh khoản của ngân hàng. Nhiều ngân hàng mặc dầu có truyền thống kinh doanh hiệu quả trong thời gian dài nhưng chỉ do khó khăn thanh khoản, ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro khác ở mức độ nghiêm trọng cao hơn. ĐBRTG là rủi ro hiện hữu, nhiều ngân hàng trên thế giới đã từng đối mặt. Nỗ lực hoạt động an toàn, hiệu quả, minh bạch thông tin, có giải pháp thích hợp kiểm soát thông tin, tổ chức tư vấn thông tin bảo vệ quyền lợi người gửi tiền một cách đầy đủ, và thường xuyên… là các hoạt động được khuyến nghị triển khai nhằm hạn chế khả năng phát sinh ĐBRTG. Kinh nghiệm thành công của các ngân hàng cho thấy, việc liên kết trong cộng đồng giúp giải quyết khó khăn một cách hiệu quả khi có ĐBRTG xảy ra.
Chính sách vĩ mô: Phổ cập những cơ chế và phương thức xử lý vấn đề thanh khoản giúp định hướng tư tưởng cho công chúng, giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu thông tin, gây hiểu lầm trong kinh doanh ngân hàng, có ý nghĩa và tác dụng đặc biệt. Mặt khác, nội dung và cơ chế đảm bảo cho người gửi tiền, trong đó có chính sách bảo hiểm tiền gửi, cần được phổ biến sâu rộng với phương thức tiện lợi, tạo điều kiện cho người dân yên tâm, tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tính minh bạch của thị trường và đối tác tham gia thị trường cần được xây dựng, củng cố và có cơ chế kiểm soát khả thi để đảm bảo tính chính xác của thông tin và hạn chế tình trạng mất cân xứng thông tin giữa các đối tác tham gia thị trường.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Tài liệu tham khảo
1. Heffernan S. (2005), Modern Banking, ISBN 0-470-09500-8, John Wiley & Sons Inc.,
2. Dwyer Jr. G. P., and Gilbert A. (1989), Bank Runs and Privative Remedies, Federal Reserve Bank of St.Louis
3. Kaufman G.G, (1988), Bank Runs: Causes, Benefits, and Costs, Cato Journal, Vol. 7, No.3, Cato Institue
4. Agénor P.R., Banking Crises: Causes, Effects, and Regulatory Responses, The World Bank