Phí BHTG là nguồn cấp vốn chủ yếu cho quỹ BHTG
Việc cấp vốn trước khi xảy ra đổ vỡ (gọi tắt là cấp vốn trước) đòi hỏi các tổ chức BHTG tính và thu phí của các tổ chức tham gia BHTG. Nguồn thu từ phí được sử dụng để chi trả cho các chi phí hoạt độngvà tích lũy quỹ BHTG dùng để chi trả cho người gửi tiền khi các tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ. Chính các tổ chức tham gia BHTG chứ không phải là người nộp thuế phải đóng phí BHTGđể được hưởng lợi trực tiếp.
Lợi ích từ việc thu phí
Có nhiều lợi ích của việc thu phí BHTG, cụ thể như sau:
- Thu phí trước khi xảy ra đổ vỡ giúp tổ chức BHTG kiểm soát được những đòi hỏi về vốn quỹ, từ đó lập kế hoạch tốt hơn để đối phó kịp thời với những yêu cầu chi trả.
- Thu phí để tích lũy quỹ BHTG khi nền kinh tế ổn định sẽ tạo nên một “lớp đệm” chống lại những cú sốc do những giai đoạn kinh tế bất lợi gây ra, đồng thời tránh làm yếu thêm hệ thống tài chính ngân hàng khi gặp khó khăn (nếu như áp dụng cơ chế cấp vốn sau đổ vỡ), trong đó những tổ chức tài chính còn tồn tại sẽ phải gánh chịu những khoản phí lớn.
- Thu phí trước giúp phân bổ đều chi phí và rủi ro theo thời gian cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Đối với các ngân hàng, đây là khoản đóng góp thường xuyên nằm trongkế hoạch tài chính. Hệ thống này ưu việt hơn hệ thống cấp vốn sau thông qua việc các thành viên, kể cả tổ chức đổ vỡ, phải đóng góp cho Quỹ BHTG.
Chính vì vậy, các tổ chức BHTG nên thành lập quỹ được cấp vốn trước để có thể thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Theo kết quả khảo sát IADI, trong giai đoạn 2008 - 2014, tỉ lệ tổ chức có cơ chế cấp vốn trước đã tăng từ 83% lên gần 90%.
Trong trường hợp quỹ BHTG không đủ để thực hiện chức năng chi trả, tổ chức BHTG có thể huy động vốn từ các nguồn khác bên ngoài, phổ biến nhất vẫn là vay từ Chính phủ hoặc các nguồn tư nhân. Việc vay mượn chính phủ có thể làm nảy sinh rủi ro đạo đức, trong khi vay từ nguồn tư nhân có thể gây tác động tới thị trường. Dù bằng cách nào thì tổ chức BHTG cũng cần tính toán kỹ các phương án trả nợ và dự phòng rủi ro.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn khủng hoảng thời gian qua, một số biện pháp hỗ trợ được áp dụng tại một số quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ… bao gồm: các công cụ hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo nợ bán buôn, các chương trình tái cấp vốn,kế hoạch mua tài sản, đảm bảo tài sản. Đây làcác công cụ góp phần gia tăng niềm tin của người dân về khả năng xử lý khủng hoảng một cách linh hoạt của tổ chức BHTG.
Cơ sở tính phí BHTG
Việc tính phí BHTG đa dạng về hình thức ở các nước khác nhau, có thể là số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG, tổng số dư tiền gửi hoặc tổng tài sản. Hai dạng cơ sở tính phí phổ biến nhất là số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG và số dư tiền gửi thuộc phạm vi BHTG (loại tiền gửi được BHTG).
Theo khảo sát 2014 của IADI, có 58,8% thành viên sử dụng cơ sở số dư tiền gửi thuộc phạm vi BHTG, và 27,5% sử dụng cơ sở số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG. Có ý kiến cho rằng sử dụng cơ sở số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG có vẻ công bằng hơn, nhưng phức tạp hơn về mặt hành chính do còn tùy thuộc vào chất lượng số liệu và báo cáo nợ tại các ngân hàng. Các nước như Canada, Malaysia, Singapore, và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cơ sở tính phí là số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG. Mỹ đổi cơ sở tính phí từ tổng số dư tiền gửi trong nước thành tổng tài sản, theo yêu cầu của Đạo luật Dodd-Frank.
Mức phí đồng hạng áp dụng như nhau đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG chỉ phù hợp với giai đoạn đầu khi mới thành lập hệ thống BHTG, không có tác dụng khuyến khích các tổ chức giảm thiểu rủi ro hoạt động. Xu hướng hiện nay trên thế giới là áp dụng phí phân biệt theo rủi ro, tổ chức có rủi ro cao sẽ phải đóng nhiều phí hơn, có tác dụng khuyến khích các tổ chức tự cải thiện để được hưởng mức phí thấp hơn. Khảo sát năm 2014 của IADI cho thấy: 41 tổ chức (khoảng 40%) trong tổng số 102 tổ chức BHTG tham gia khảo sát đang áp dụng phí phân biệt theo rủi ro, 11 tổ chức áp dụng song song 2 hình thức đồng hạng và phân biệt. Theo khuyến cáo của IADI, muốn áp dụng phí phân biệt theo rủi ro cần đảm bảo có những điều kiện tối thiểu sau:
- Phương pháp đánh giá rủi ro của các tổ chức một cách chính xác, hợp lý và được chấp nhận.
- Khả năng tiếp cận thông tin chính xác và tin cậy phục vụ cho việc đánh giá rủi ro.
- Sử dụng cả yếu tố định lượng và định tính (kèm theo các kết quả xếp hạng giám sát) trong việc đánh giá rủi ro.
- Đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro được công khai, minh bạch cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG.
- Đảm bảo các xếp hạng rủi ro và các mức phí có sự phân biệt rõ ràng.
- Bảo mật thông tin về đánh giá rủi ro và xếp hạng liên quan tới từng ngân hàng.
Xây dựng quỹ mục tiêu hiệu quả
Về nguyên tắc, Quỹ BHTG phải đủ để chi trả cho những rủi ro phát sinh do thực hiện nghĩa vụ BHTG. Tuy nhiên, mức đủ của quỹ cần phù hợp với khả năng đóng góp của các tổ chức tham gia BHTG. Nhiều tổ chức BHTG xác định trước mức mục tiêu cho quỹ BHTG nhằm tích lũy vốn quỹ trong một thời gian cụ thể. Mức mục tiêu có thể là một con số xác định hoặc là một khoảng. Con số xác định thể hiện độ chắc chắn của quỹ BHTG nhưng lại ít linh hoạt và có thể khó đạt được xét theo quan điểm lý thuyết. Trong khi đó, một khoảng mục tiêu cho thấy sự linh hoạt theo danh mục rủi ro của các ngân hàng thành viên, và sự biến động liên tục của các điều kiện kinh tế vĩ mô.
Việc tính toán quy mô quỹ mục tiêu phải được căn cứ trên dữ liệu liên quan sẵn có và những tiêu chuẩn rõ ràng minh bạch cùng phương pháp hợp lý. Phương pháp đa dạng áp dụng tùy điều kiện từng hệ thống, quốc gia. Theo kết quả khảo sát của IADI năm 2011, một số tổ chức BHTG tính toán mức thiệt hại của quỹ BHTG bằng cách dự tính khả năng đổ vỡ của các tổ chức tham gia BHTG, thông qua các mô hình thống kê dựa theo dữ liệu lịch sử, dự báo đánh giá tín dụng, xếp hạng nội bộ, nhận định của chuyên gia, xếp hạng bên ngoài, hoặc sự kết hợp của các phương thức này với nhau.
Một phương thức mang tính phân tích chuyên sâu được áp dụng là phương pháp danh mục tín dụng, trong đó phải nghiên cứu danh mục những rủi ro tín dụng của từng ngân hàng thành viên, từ đó (i) xây dựng định mức dự phòng cho từng tổ chức thành viên trên cơ sở tính toán rủi ro tổn thất và khoảng tổn thất có thể xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định và (ii) thiết lập dự phòng bổ sung để chi trả cho những tổn thất ngoài dự kiến. Việc trích lập dự phòng và dự phòng bổ sung phải được tính toán trên cơ sở mô phỏng sử dụng các biến số xác suất vỡ nợ, tổn thất vỡ nợ (tỷ lệ tổn thất ròng sau khi đã tính giá trị thu hồi), và rủi ro vỡ nợ.
Tỷ lệ quỹ mục tiêu tại một số quốc gia
Tên nước
|
Tỷ lệ quỹ mục tiêu
|
Argentina
|
0,5% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Brazil
|
2,0% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Canada
|
1% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Hồng Kông
|
0,25% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Indonesia
|
2,5% số dư tiền gửi thuộc phạm vi BHTG
|
Jamaica
|
8 đến 10% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Jordan
|
3% số dư tiền gửi thuộc phạm vi BHTG
|
Hàn Quốc
|
Các ngân hàng, công ty đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm phi nhân thọ: 0,825% tới 1% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Malaysia
|
0,6% tới 0,9% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Philippines
|
5% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG dự tính
|
Singapore
|
0,3% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Đài Loan
|
2,0% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Mỹ
|
2,0% số dư tiền gửi trong hạn mức BHTG
|
Nguồn: Khảo sát 2013 do Tổng công ty BHTG Malaysia tiến hành
Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ mục tiêu trong một khung thời gian hợp lý, quá dài sẽ ảnh hưởng tới lòng tin vào hệ thống BHTG, quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới năng lực tài chính của các tổ chức tham gia BHTG. Theo đó, cần cân nhắc các yếu tố sau: tốc độ tăng trưởng tiền gửi nằm trong hạn mức bảo hiểm, mức phí BHTG mà các tổ chức tham gia BHTG phải đóng, mức thặng dư ròng sẽ được tích lũy hàng năm. Trong số này, mức phí BHTG là yếu tố quan trọng nhất.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Tại Việt Nam, từ trước tới nay vẫn áp dụng cơ chế cấp vốn trước cho quỹ BHTG thông qua hình thức thu phí đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, trải qua hơn 15 năm hoạt động, hệ thống BHTG nước ta vẫn áp dụng cơ chế thu phí đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG, điều này không thực sự tạo được công bằng giữa các tổ chức với các mức rủi ro khác nhau. Đồng thời, việc thu phí và hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi dù diễn ra đúng quy định và hiệu quả nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển của hệ thống các tổ chức tham gia BHTG. Tính đến cuối năm 2014, tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chỉ tương đương 0,83% tổng số dư tiền gửi thuộc phạm vi BHTG, một con số khá khiêm tốn so với chức năng bảo vệ người gửi tiền đã được quy định trong Luật. Tại thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ này là 0,77% - rất thấp so với các nước khác trong khu vực (xem bảng trên).
Luật BHTG ra đời năm 2012 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG tại Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan, ban, ngành cùng BHTGVN đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp cho việc nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế phí BHTG theo rủi ro và thiết lập quỹ mục tiêu trình Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét, phê duyệt; phối hợp thực hiện trong một lộ trình tổng thể dài hạn vì một hệ thống tài chính an toàn, lành mạnh và minh bạch hơn.
Trên cơ sở kinh nghiệm của các tổ chức BHTG và trên những nghiên cứu học thuật, IADI khuyến nghị các tổ chức BHTG thực hiện theo hướng dẫn của Bộ nguyên tắc cơ bản về vấn đề cấp vốn trước như sau:
- Các tổ chức BHTG cần áp dụng cơ chế cấp vốn trước nhằm tạo năng lực tài chính sẵn sàng thực thi nhiệm vụ khi cần.
- Cần xác định tỷ lệ quỹ mục tiêu phù hợp trên cơ sở những mục tiêu rõ ràng và hợp lý theo quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức.
- Thiết lậpkhung thời gian hợp lý để đạt được mức quỹ BHTG mục tiêu.
- Không nên duy trì cố định mức quỹ BHTG cấp vốn trước mà cần rà soát định kỳ, cập nhật các phương thức, mô hình nhằm xác định mức đủ vốn.
- Cấp vốn hỗ trợ thanh khoản (cấp vốn trong trường hợp tổ chức BHTG không đủ năng lực tài chính để thực hiện nghiệp vụ của mình) là cơ chế rất quan trọng cần được quy định trong luật, phải đảm bảo mức đủ vốn cũng như khung thời gian để tổ chức BHTG thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và kịp thời.
- Mục tiêu và chiến lược quản lý vốn cần phải được quy định rõ ràng và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG. Việc quản lý cần đảm bảo bảo toàn vốn và được sử dụng ngay khi cần thiết cho hoạt động thường ngày của tổ chức BHTG cũng như nghiệp vụ chi trả và xử lý.
- Đối với một hệ thống bảo hiểm hợp nhất có nhiều quỹ BHTG riêng biệt, cần xác định mục tiêu của mỗi quỹ một cách rõ ràng, đồng thời có phương pháp phân bổ chi tiêu và thu nhập hợp lý và công bằng cho các quỹ riêng biệt này.
- Quỹ BHTG có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc quy định của pháp luật, bao gồm việc chi trả BHTG cho người gửi tiền cũng như hỗ trợ tái cấp vốn cho các tổ chức tham gia BHTG.
|
Lê Hoàng
Tài liệu tham khảo
IADI, Enhanced guidance for effective deposit insurance systems: Ex-ante funding (guidance paper), 2015
IADI, Core principles for effective deposit insurance systems (revised), 2014
FSB, Thematic review on deposit insurance systems, 2012
IADI, General guidance for developing differential premium systems (guidance paper), 2011
IADI, Funding of deposit insurance systems (guidance paper), 2009