Theo đó, năm 2010 Luật Dodd Frank đã được ban hành nhằm điều chỉnh các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính. Luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên mạng an toàn tài chính; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tài chính và tăng cường vai trò của FDIC trong hoạt động giám sát, xử lý và cho phép FDIC tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt từ Bộ tài chính. Đạo luật Dodd-Frank ra đời được coi là bước cải cách thị trường tài chính sâu rộng nhất được triển khai kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, vì nó bao quát và điều chỉnh hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo nguyên tắc thị trường (không sử dụng tiền thuế của người dân để xử lý tổ chức tài chính) và bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nói chung và người gửi tiền nói riêng… Đạo luật đã đề cập và điều chỉnh đến hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính tại Mỹ, bao gồm cấu trúc hệ thống giám sát, mối quan hệ của các cơ quan giám sát, các trung gian tài chính, sản phẩm dịch vụ tài chính và bảo vệ người gửi tiền, người sử dụng dịch vụ tài chính…với những điểm đáng chú ý như sau: Thành lập Văn phòng bảo vệ tài chính tiêu dùng (CFPB) nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng; Thành lập Hội đồng giám sát ổn định tài chính (FSOC) nhằm tăng cường giám sát và giải quyết vấn đề rủi ro hệ thống đối với khu vực tài chính-ngân hàng; Tăng cường quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng và lĩnh vực giám sát; Đảm bảo tính minh bạch và hạn chế rủi ro đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh; Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tài chính-tín dụng đối với an toàn hệ thống; Đồng thời, đặt ra các điều khoản cho phép thực hiện phá sản với bất kỳ tổ chức tài chính-ngân hàng nào. Ngoài ra, Đạo luật này còn có các quy định liên quan đến hoạt động của các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, vấn đề lương thưởng của Ban lãnh đạo định chế tài chính, tăng cường năng lực của Ủy ban giao dịch chứng khoán và các cơ quan đảm bảo an toàn tài chính khác. Đặc biệt, Luật Dood Frank tăng cường vai trò và quyền hạn cho Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC). Cụ thể, mở rộng thẩm quyền của FDIC trong việc xử lý các công ty tài chính có khả năng tác động đến ổn định hệ thống (bao gồm công ty sở hữu ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng như các công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán, các quĩ phòng hộ). FDIC được tiếp cận với hạn mức tín dụng đặc biệt từ Bộ tài chính Mỹ; đồng thời bỏ quy định giới hạn Quỹ bảo hiểm tiền gửi ở mức tối đa 1,5% số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tăng cường vai trò giám sát của FDIC. Đồng thời, Đạo luật phân chia trách nhiệm giám sát rõ ràng: Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC): giám sát các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm cấp bang, tập đoàn ngân hàng tổng hợp cấp bang có tổng tài sản dưới 50 tỷ USD. Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC): giám sát các ngân hàng cấp quốc gia và tổ chức tiết kiệm liên bang, công ty sở hữu 2 đối tượng trên có tổng tài sản dưới 50 tỷ USD. Cục Dự trữ liên bang (FED): giám sát các tập đoàn ngân hàng tổng hợp với tổng tài sản trên 50 tỷ USD.
Đối với Indonesia họ đã ban hành Luật Mạng an toàn tài chính ( hay còn gọi là Luật về ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng) để thiết lập khung khổ pháp lý trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Luật quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn cũng như mối quan hệ của từng tổ chức, cá nhân trong mạng an toàn tài chính: Mối quan hệ, sự phối hợp giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính nhằm giám sát và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính; Các vấn đề trong việc xử lý khủng hoảng hệ thống tài chính; Các vấn đề trong việc xử lý khủng hoảng hệ thống ngân hàng... Mạng an toàn tài chính của Indonesia hiện nay gồm 4 tổ chức, đó là NHTW Indonesia, Bộ Tài chính, Cơ quan dịch vụ tài chính (OJK) và Tổng công ty BHTG Indonesia. Khung khổ pháp lý cho mạng an toàn tài chính Indonesia bao gồm rất nhiều Luật liên quan như: Luật Cơ quan dịch vụ tài chính OJK, Luật Ngân hàng, Luật bảo hiểm, Luật thị trường vốn, Luật NHTW Indonesia, Luật Bảo hiểm tiền gửi và đặc biệt là Luật ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng hệ thống tài chính (PPKSK). Nội dung chính của Luật này điều chỉnh các vấn đề sau: (i) mối quan hệ, sự phối hợp giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính nhằm giám sát và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, (ii) các vấn đề trong việc xử lý khủng hoảng hệ thống tài chính, (iii) các vấn đề trong việc xử lý khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Theo đó, Luật tập trung vào 5 yếu tố sau: tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức; tập trung ngăn ngừa khủng hoảng hệ thống tài chính; thực hiện phương thức hỗ trợ Bail-in (chi phí để đối phó với khủng hoảng tài chính do TCTD và đối tác giao dịch gánh chịu) thay vì thực hiện phương thức hỗ trợ Bail-out (xử lý khủng hoảng bằng nguồn vốn ngân sách); đưa ra quy trình xử lý thanh khoản và các vấn đề có thể giải quyết được một cách toàn diện hơn; Tăng cường vai trò của Tổng thống trong xử lý khủng hoảng. Ngoài ra, năm 2016, Ủy ban ổn định hệ thống tài chính đã được thành lập hoạt động dựa trên Luật PPKSK nhằm duy trì mối quan hệ và sự phối hợp giữa bốn thành viên trong mạng an toàn tài chính. Ủy ban họp thường kỳ 3 tháng/ lần hoặc khi có đề nghị của thành viên ủy ban. Kinh nghiệm xử lý của Indonesia: Tổng công ty BHTG Indonesia được phép thực hiện 3 phương pháp xử lý sau: Mua lại và tiếp nhận (P&A), Ngân hàng bắc cầu và hỗ trợ tài chính, cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho các TCTD thiếu thanh khoản. Ngoài ra để xử lý các vấn đề ngân hàng mà đe dọa nền kinh tế quốc gia trong suốt cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính, Tổng thống Indonesia đã khởi động Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng dựa trên đề xuất của Ủy ban ổn định hệ thống tài chính và được thực hiện bởi Tổng công ty BHTG Indonesia. Vì vậy, Tổng công ty BHTG Indonesia được trang bị quyền hạn đầy đủ hơn trong việc xử lý ngân hàng như quyền được thực hiện phương thức hỗ trợ bail-in. Nguồn vốn cho việc thực hiện chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bao gồm từ 4 nguồn: (i) cổ đông của ngân hàng hoặc chuyển đổi một số loại nợ sang hình thức vốn (ii) từ quá trình bán tài sản hoặc các khoản nợ của ngân hàng bị xử lý; (iii) các khoản đóng góp của ngành ngân hàng; (iv) các khoản vay của Tổng công ty BHTG Indonesia từ các tổ chức khác./.