Báo cáo của WB nhận định, viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vẫn tích cực mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh.
Dự kiến các nước trong khu vực duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% trong năm nay; 5,0% năm 2017 và 5,1% năm 2018; còn các nước đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm nay và 5,7% giai đoạn 2017-2018. Báo cáo khuyến nghị các nước tập trung giải quyết các tồn tại nhằm giảm duy trì tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong trung hạn. Ví dụ: giảm yếu kém hạ tầng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy hòa nhập tài chính…
Báo cáo cũng phân tích toàn diện viễn cảnh các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh thách thức toàn cầu, trong đó gồm có các yếu tố như tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, viễn cảnh không mấy sáng sủa tại hầu hết các nước đang phát triển và thương mại toàn cầu trì trệ. Báo cáo dự đoán cầu nội địa trong toàn khu vực vẫn mạnh. Giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức thấp sẽ có lợi cho các nước nhập khẩu và giúp lạm phát kiềm chế ở mức thấp tại hầu hết các nước trong khu vực.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế đang trong quá trình tái điều chỉnh theo hướng tăng tiêu dùng và dịch vụ, dịch chuyển sang các hoạt động tạo nhiều giá trị gia tăng hơn, đồng thời cắt giảm năng lực công nghiệp dư thừa. Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm soát chặt chẽ thị trường lao động hơn để tăng thu nhập và chi dùng cá nhân. Trong khi đó, tăng trưởng của Philippin dự kiến ở mức 6,4% trong năm nay.
Tại Việt Nam, tăng trưởng sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017. Tại Indonesia, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ 4,5% năm 2015 lên 5,5% năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập. Nhưng Malaysia sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 4,2% trong năm 2016 từ mức 5,0% năm ngoái do mức cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm trên qui mô toàn cầu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên báo cáo tình kinh tế vĩ mô tháng 7 năm nay của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, trong nước thì sản xuất nông nghiệp gặp khó, giá nguyên vật liệu tăng cao, Việt Nam vẫn duy trì hiệu quả tăng trưởng tốt, có thể đạt 6% hoặc cao hơn một chút vào cuối năm nay.
Liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích khu vực sản xuất kinh doanh qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia ngân hàng Thế giới cảnh báo một số rủi ro Việt Nam có thể gặp phải.
Ông Alwaleed Alatabani, Trưởng nhóm Tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng tín dụng đã lên tới 18% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Để giải quyết những quan ngại gia tăng về tác động của tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng và chất lượng khoản vay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm giảm các rủi ro mang tính hệ thống. Ông Alwaleed Alatabani cũng khuyến cáo, bài học từ tăng trưởng tín dụng liên quan tới bong bong tài sản những năm trước đây đòi hỏi Việt Nam cần có những biện pháp hiệu quả hơn nhằm kiểm soát vấn đề này.
Trong báo cáo kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, WB cũng đề cập một số thách thức của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có vấn đề mất cân đối tài khóa. Theo đó, thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015 và làm cho nợ công tăng lên 62,2% GDP, tăng gần 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và tiến gần tới mức trần 65%. Tuy nhiên, viễn cảnh trong trung hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. Thâm hụt tài khóa cao trong năm nay nhưng sau đó có thể giảm nhờ các kế hoạch thắt chặt tài khóa.