Theo báo cáo kinh tế tháng 2 do Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm 2017. Trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động, câu hỏi đặt ra là liệu có dư địa cho việc ổn định lãi suất, và có thể giảm lãi suất cho vay? Cũng cần nhắc lại là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 1% và sẽ còn nâng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm 2017?
Trao đổi với một lãnh đạo NHTMCP, ông chia sẻ: Quyết định của Fed đã nằm trong dự đoán của giới phân tích cũng như các nhà đầu tư. Nên có thể thấy, thay vì tăng, đồng USD lại tụt giảm sau thông báo từ Fed. Và dường như dư luận đang hướng sự tập trung nhiều hơn tới mục tiêu hai lần tăng lãi suất nữa của Fed trong năm nay.
Về thị trường trong nước, hiện lãi suất tiền gửi ngoại tệ vẫn là 0%, và đã có ý kiến đề xuất NHNN nên điều chỉnh mức lãi suất này nhằm thu hút lượng ngoại tệ tốt hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Nhưng một trong những vấn đề quan trọng mà lâu nay chúng ta vẫn hướng đến là chống đô-la hóa và nâng cao giá trị VND.
Chia sẻ với phóng viên một chuyên gia cho rằng, cho đến nay, có quan niệm phải có lãi suất thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát mục tiêu), thì mới thu hút được người dân gửi tiền vào NH. Song trên thực tế, lãi suất phụ thuộc phần nhiều vào cung - cầu vốn trên thị trường, hay nói cách khác là thanh khoản.
“Khi thanh khoản thiếu hụt, điều tất yếu là các NH phải tìm cách huy động nguồn tiền để bù đắp. Theo đánh giá của tôi, hiện nay thanh khoản của các NH tương đối tốt. Tuy nhiên cũng nên cẩn trọng trong điều tiết để có thể lường đón những thách thức có thể diễn ra trong năm nay”, ông cho hay.
Một chuyên gia tài chính cũng nhận định, lãi suất ngoài phụ thuộc nhiều vào lạm phát và cung cầu về vốn, còn chịu tác động từ nợ công. Đường đi của lãi suất năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức và áp lực hơn so với năm 2016. Những rủi ro chính trị từ các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức trong năm nay cũng sẽ khiến những đồng tiền của châu lục này giảm giá so với USD.
Cùng với việc USD mạnh lên, các đồng tiền trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm sẽ có xu hướng phá giá đồng tiền, và khiến cho tỷ giá của VND khó duy trì ổn định như năm 2016, dự đoán tăng lên từ 2-4%. Nếu lãi suất VND không tăng thì dòng tiền tiết kiệm chảy sang kênh đầu tư khác là chuyện có thể nhìn thấy.
Ngay từ đầu năm, một số NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, DongA Bank, Viet Capital Bank... Dù NHNN cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất này không ảnh hưởng tới xu hướng chung của toàn thị trường, song tín hiệu này cũng cho thấy áp lực lên lãi suất cho vay đã nhen nhóm ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, có một rào cản lớn với các NH trong mục tiêu giảm lãi suất cho vay, đó là nợ xấu. Trích lập dự phòng rủi ro tăng cao khiến chi phí đầu vào đội lên thực sự là bài toán khó. Đi cùng với mục tiêu giảm lãi suất, thì cả nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống NH phải giải được bài toán xử lý nợ xấu hiệu quả. Xử lý nợ xấu cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được NHNN đề ra trong năm 2017.
Tất cả những yếu tố trong và ngoài nước hiện nay đều là những thách thức đặt ra với lãi suất. Các chuyên gia cho rằng, rất khó để có một kịch bản cụ thể cho lãi suất năm 2017. TS- LS Bùi Quang Tín khuyến nghị: với khách hàng vay, cần nắm được sơ bộ về tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang tác động đến lãi suất cho vay của NH.
Từ đó mới có thể thấu hiểu được việc duy trì mức lãi suất cho vay như hiện nay đã là thành công rất lớn của hệ thống NH. Bên cạnh đó, mức lãi suất huy động bình quân của hệ thống NH hiện nay rơi vào khoảng 4-4,5%, việc cho vay ngắn hạn ở mức từ 5-7% là hoàn toàn phù hợp. Mặt bằng lãi suất hiện nay được xem là đang ở mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
“Ngược lại, với người gửi tiền, ở nhiều NH có mức lãi suất huy động từ 7,5-8% ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Đây là mức lãi suất thực dương trong điều kiện lạm phát ở mức 5%. Như vậy, người gửi tiền vẫn còn dư từ 2,5-3% sau khi trừ đi lạm phát và vẫn đảm bảo giá trị của VND.
Ngoài ra, các NH phải chịu nhiều chi phí kinh doanh, hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro và margin lợi nhuận được xem là thấp nhất ở khu vực châu Á, nên các NH khó có thể tăng thêm lãi suất huy động vốn cho khách hàng. Do vậy, mức lãi suất tiền gửi và tiền vay hiện nay được cho là phù hợp để đảm bảo quyền lợi giữa NH và khách hàng” - ông Tín chia sẻ.