Sáp nhập, hợp nhất, mua lại là một trong những giải pháp quan trọng đối với công tác tái cơ cấu. Giải pháp này được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích thực hiện. Theo đó, trong thời gian qua, hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các TCTD diễn ra mạnh mẽ, an toàn không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và các nguyên tắc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém.
Đối với các NHTMCP yếu kém được phát hiện qua thanh tra, giám sát năm 2011, 2012 (NHTMCP Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Tiên Phong, Nam Việt, Phương Tây, Dầu Khí Toàn Cầu, Đại Tín, Nhà Hà Nội), NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án cơ cấu lại các NHTMCP nói trên, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về cơ cấu lại đối với từng ngân hàng để phối hợp trong quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Các phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên được xây dựng và triển khai theo hướng khuyến khích sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, huy động tối đa nguồn lực của xã hội và không trực tiếp sử dụng tiền của ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, trong đó ưu tiên áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và triệt để thu hồi tiền, tài sản của các ngân hàng.
Thực tế, làn sóng M&A ngân hàng sôi động nhất phải kể đến giai đoạn 2013 - 2015, khi đó quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng là chủ trương lớn nhằm giúp các TCTD nhanh chóng lớn mạnh, loại bỏ dần những TCTD yếu kém. Khi đó, không ít thương vụ M&A sớm hoàn tất như: Thương vụ DaiABank - HDBank; MDB - MaritimeBank, MHB - BIDV, Southern Bank - Sacombank; Habubank - SHB; Westernbank - PVFC. Trong đó, 03 NHTMCP Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa đã được hợp nhất thành NHTMCP Sài Gòn; NHTMCP Tiên Phong và NHTMCP Nam Việt thực hiện phương án tự củng cố, chấn chỉnh toàn diện với sự tham gia của các nhà đầu tư mới có đủ năng lực tài chính và khả năng quản trị; hợp nhất NHTMCP Phương Tây (Western Bank) với Tổng Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí thành NHTMCP Đại Chúng; sáp nhập NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...NHNN cũng đã chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành việc sáp nhập MHB vào BIDV và NHTMCP Phát triển Mêkông (MDB) vào NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank), NHTMCP Phương Nam (SouthernBank) vào NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), đang hoàn tất quá trình sáp nhập NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào NHTMCP Vietinbank. Ngoài ra, NHNN đã chính thức chấp thuận việc NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua lại Công ty tài chính Hóa chất, NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank) mua lại Công ty tài chính Dệt may...
Đối với một số NHTMCP yếu kém không có khả năng tự cơ cấu lại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi, trên cơ sở phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, NHNN đã áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc thông qua mua lại với giá 0 đồng và chỉ đạo NHTMNN tham gia quản trị, điều hành, cụ thể là các ngân hàng: NH Xây dựng, NH Đại Dương, NH Dầu khí toàn cầu.
Sau khi được NHNN mua lại, NHTMCP yếu kém được chuyển thành ngân hàng 100% vốn của NHNN và được quản trị, điều hành bởi những cán bộ có năng lực, trình độ của NHTMNN (Vietinbank tham gia tái cơ cấu NH Dầu khí toàn cầu, Đại Dương; Vietcombank tham gia tái cơ cấu NH Xây dựng). Nhờ sự hỗ trợ của NHNN, cơ quan chức năng và NHTMNN, tổ chức và hoạt động của 03 ngân hàng này từng bước ổn định hơn, tồn tại, yếu kém, vi phạm bước đầu được chấn chỉnh, xử lý.
Theo Cơ quan Thanh tra, sau khi sáp nhập, hợp nhất,TCTD phải triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống quản trị, điều hành, bộ máy tổ chức, màng lưới kênh phân phối, chấn chỉnh, củng cố hoạt động kinh doanh, xử lý những tồn tại, yếu kém về tài chính, hoạt động. Đến nay, về cơ bản các TCTD sau sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoạt động an toàn, ổn định và có hiệu quả hơn. Có thể thấy, hầu hết các NHTMCP sau khi được mua bán sáp nhập đang phục hồi khá tốt, đã xử lý được một bước nợ xấu, tài sản không sinh lời, huy động vốn tăng khá, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng trở lại (Sài Gòn, Tiên Phong, Sài Gòn - Hà Nội, Nam Việt), bắt đầu kinh doanh có lãi, thực hiện tăng vốn điều lệ, khắc phục được nhiều vi phạm, tồn tại, yếu kém và hoàn trả NHNN đầy đủ các khoản cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, điều hành (tất cả các ngân hàng đều thay đổi Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban điều hành), tái cấu trúc chiến lược kinh doanh theo hướng an toàn, lành mạnh hơn.
Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu các NH sau mua bán và sáp nhập nhưng rõ ràng việc M&A ngân hàng không chỉ mang lại lợi thế cho các nhà băng về mở rộng mạng lưới giao dịch; mà còn là cơ hội tăng trưởng thần tốc về quy mô, tổng tài sản, vốn điều lệ, số lượng khách hàng, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực mạnh hơn đồng thời tiết kiệm về thời gian và chi phí... Chẳng hạn, nếu giao dịch sáp nhập PG Bank với VietinBank được hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống mạng lưới của VietinBank gồm hơn 7.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ ngân hàng trải khắp cả nước, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh của VietinBank so với Agribank và đưa ngân hàng này vươn lên sở hữu mạng lưới giao dịch lớn thứ 2 toàn quốc.
Ghi nhận những nỗ lực này, các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín đã đánh giá việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số ngân hàng yếu kém, và trong vài trường hợp là những ngân hàng yếu nhất trong hệ thống ngân hàng; một số tổ chức tài chính quốc tế cũng có nhận định lạc quan khi cho rằng niềm tin của nhà đầu tư đang phục hồi trở lại sau khi các ngân hàng yếu kém nhất được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường, tôn trọng sự tự nguyện, lợi ích của TCTD để tiếp tục góp phần xử lý các TCTD yếu kém, và hình thành các TCTD có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có đủ năng lực tài chính, quản trị tham gia đầu tư và tái cơ cấu các TCTD Việt Nam; giảm dần tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở một số NHTMNN theo quy định của pháp luật; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD.