Theo Luật BHTG, tổ chức tham gia BHTG và tổ chức BHTG có trách nhiệm tuyên truyền và thông tin đầy đủ cho người dân về quyền lợi, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh nhất để hưởng các quyền lợi về BHTG. Điều 11 khoản 3 Luật BHTG quy định người gửi tiền có quyền “Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG”.
Những vấn đề người gửi tiền thường quan tâm trong chính sách BHTG là thông tin về việc tổ chức huy động tiền gửi tham gia BHTG và thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, mà cụ thể là loại tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức trả tiền bảo hiểm. Những thông tin này cần được phổ biến công khai, minh bạch tới người gửi tiền.
Thông tin về tổ chức huy động tiền gửi đã tham gia BHTG
Có nhiều hình thức thông tin, tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người gửi tiền có thể tiếp cận những thông tin này một cách dễ dàng và cập nhật nhất. Ngoài việc tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, báo chí, truyền hình, website…, việc thông báo một tổ chức có tham gia BHTG hay không cần được niêm yết, quảng cáo tại chính tổ chức tham gia BHTG đó.
Điều 15 Luật BHTG “Tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”. Bằng cách này, người gửi tiền có thể tiếp cận trực tiếp thông tin tổ chức huy động tiền gửi mà họ dự định gửi tiền có tham gia BHTG hay không.
Thông tin về tiền gửi được bảo hiểm
Thông tin về tiền gửi được bảo hiểm gồm 2 nội dung: (i) Loại tiền gửi được bảo hiểm, và (ii) hạn mức trả tiền bảo hiểm. Nhiều tài liệu được công bố cho thấy quy định về tiền gửi được bảo hiểm cần được thống nhất với những quy định về tiền gửi được sử dụng trong Luật và các quy định của Ngân hàng. Quy định rõ ràng, chính xác về tiền gửi được bảo hiểm sẽ tránh được sự không nhất quán và những xung đột tiềm tàng có thể xảy ra khi có một tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa. Cả tổ chức tham gia BHTG và tổ chức BHTG có trách nhiệm thông tin tới công chúng, đặc biệt là người gửi tiền về loại tiền gửi nào được bảo hiểm và hạn mức trả tiền bảo hiểm. Người gửi tiền có quyền được biết để yêu cầu bảo vệ lợi ích của họ khi có sự kiện đóng cửa ngân hàng. Đồng thời, việc quy định rõ hai nội dung này cũng nhằm kiểm soát tốt hơn rủi ro đạo đức có thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng và BHTG
(i) Loại tiền gửi được bảo hiểm
Không phải một tổ chức đã tham gia BHTG thì tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng tại tổ chức này đều được bảo hiểm. Vì vậy, ngoài việc thông tin tới công chúng rằng tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia BHTG, một trong những nội dung thông tin mà người gửi tiền cần được biết là thông tin về loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi nào không được bảo hiểm. Công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng khi biết tiền gửi của họ được bảo hiểm sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn hình thức gửi tiền thay vì đầu tư vào một kênh sinh lời khác trên thị trường.
Việc xác định loại tiền gửi nào được bảo hiểm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng và tiến trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhằm phản ánh mục tiêu chính sách BHTG, hầu hết các quốc gia đều quy định rõ loại tiền gửi nào không được bảo hiểm và loại tiền gửi nào được bảo hiểm. Quy định này hết sức quan trọng và cần thiết vì nó liên quan trực tiếp đến việc xác định người gửi tiền mà chính sách BHTG sẽ bảo vệ trực tiếp qua việc trả tiền bảo hiểm và tính phí BHTG.
Hầu hết các tổ chức BHTG trên thế giới hiện nay đều bảo hiểm cho đồng nội tệ, không bảo hiểm cho ngoại tệ và vàng. Pháp lệnh về ngoại hối cũng quy định người Việt Nam dùng đồng Việt Nam trên đất nước Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới đều có quy định phải sử dụng đồng tiền bản địa. Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang bị đô la hóa và vàng hóa. Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền đồng là góp phần chống đô la hóa.
Điều 18 Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng” trừ những trường hợp được liệt kê cụ thể trong Nghị định. Theo quan điểm chung về BHTG trên thế giới và nhằm phòng ngừa các rủi ro đạo đức, Luật BHTG đã quy định không bảo hiểm cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định hoạt động kinh doanh của tổ chức nhận tiền gửi.
Theo lập luận trên, để thông tin này tới khách hàng một cách đơn giản, hiệu quả và chính xác nhất, nghiên cứu của Garcia (1999) và các nhà nghiên cứu về BHTG tại Mỹ đã khuyến nghị các tổ chức tham gia BHTG nên đóng dấu trên các ấn chỉ, công cụ huy động tiền gửi với nội dung tiền gửi được bảo hiểm theo quy định hoặc ngược lại [2]. Điều này nhằm giúp khách hàng xác định một cách chính xác nhất loại tiền gửi, hình thức gửi tiền của mình có được bảo hiểm hay không. Ở Việt Nam, một số ngân hàng cũng đã thông báo về nội dung này qua hình thức đóng dấu trên Sổ tiền gửi của khách hàng.
(ii) Hạn mức trả tiền bảo hiểm
Trả tiền bảo hiểm là việc thực hiện cam kết thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm tiền gốc và tiền lãi theo một mức độ nhất định của tổ chức BHTG cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm, tuỳ thuộc vào quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của mỗi hệ thống BHTG. Trả tiền bảo hiểm là sự khẳng định dễ nhận biết nhất về quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là vấn đề cốt lõi của hoạt động BHTG. Hạn mức trả tiền bảo hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau: Thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người; quy mô quỹ BHTG… Hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình ổn định kinh tế - xã hội. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là một trong những nội dung cần công khai tới người gửi tiền. Người gửi tiền cần được thông tin chính xác, đầy đủ thông tin về hạn mức trả tiền bảo hiểm, để yêu cầu bảo vệ khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là 50 triệu VNĐ, được điều chỉnh năm 2005 từ mức 30 triệu khi thành lập hệ thống BHTG tại Việt Nam năm 2000. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm xây dựng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2005 và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu tổ chức tham gia BHTG bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức trả tiền bảo hiểm trên thế giới vào khoảng 3-12 lần GDP bình quân. Theo Luật BHTG 2012, hạn mức này do Thủ tưởng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ [3].
Ngoài ra, việc trả tiền bảo hiểm kịp thời, thuận tiện cho người gửi tiền sẽ giúp người gửi tiền an tâm, tin tưởng vào hệ thống ngân hàng nói chung, giảm thiểu rủi ro khủng hoảng hệ thống. Luật BHTG cũng quy định: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG”[3].
BHTG là một chính sách để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Chính vì vậy, thông tin tới người gửi tiền về các quyền lợi bảo hiểm là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính tiền tệ có nhiều biến động như hiện nay.
TS. Lê Việt Nga
Tài liệu tham khảo:
[1] FDIC, Household Survey on Deposit Insurance Awareness, 2001, Survey Report
[2] Garcia G. (2000), Deposit Insurance and Crisis Management
[3] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi.
[4] Vũ Minh Trà, 11/11/2011, Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam, http://pgbankresearch.wordpress.com
[6] www.div.gov.vn
[7] www.fdic.gov
[8] www.cdic.gov.tw