Trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắcnày, mặc dù xuất phát điểm tài chính của QTDND là rất nhỏ nhưng hoạt động của hệ thống này đã tồn tại, phát triển tốt, ngày càng thu hút đông đảo thành viên và nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, vai trò của hệ thống QTDND đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn là yếu tố quyết định sự tồn tại, hoạt động ngày càng hiệu quả của các QTDND. Từ năm 1993 đến nay, hệ thống QTDND đã mở rộng với tổng số trên 1.100 quỹ, chiếm 90% tại các vùng nông thôn, gồm khoảng 1,5 triệu hội viên và tổng dư nợ cho vay khoảng 1 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND cũng còn tồn tại một số hạn chế: i) Mục tiêu hoạt động, các nguyên tắc cơ bản về tự nguyện, tự trợ giúp, tự quản lý và chịu trách nhiệm chưa được quán triệt và phát huy ở tất cả các QTDND. ii) Các nội dung liên kết trong hệ thống QTDND còn lỏng lẻo, chưa phát huy được sức mạnh và hiệu quả; iii) Một số QTDND còn bộc lộ yếu kém, vi phạm các chỉ tiêu về an toàn và chất lượng hoạt động như:vốn tự có thấp dẫn đến một số QTDND chưa đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; một số QTDND chất lượng tín dụng chưa cao do chưa làm tốt công tác thẩm định khi cho vay và kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay; lợi nhuận tăng trưởng thấp và chưa thực sự bền vững; iv) Trình độ cán bộ và bộ máy điều hành của QTDND còn hạn chế, nhiều cán bộ nghiệp vụ chưa được đào tạo bài bản; v) Vốn tự có, trang thiết bị kỹ thuật, quy mô hoạt động, tiềm lực tài chính của các QTDND còn hạn chế ảnh hưởng đến khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh với các TCTD trên thị trường.
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của QTDND, công tác giám sát của các cơ quan chức năng đối với hệ thống này là một yêu cầu tất yếu, trong đó có vai trò quan trọng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đối với hệ thống này, bài viết xin nêu một số ý kiến xung quanh nguyên tắc, mục tiêu, phương pháp tiếp cận, mô hình giám sát từ xa và hoạt động kiểm tra tại chỗ QTDND để BHTGVN tham khảo trong quá trình triển khai chính sách BHTG trong thời gian tới.
Về nguyên tắc
Hoạt động giám sát cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản do Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng phát hành, trong đó có hướng dẫn cách áp dụng “Những nguyên tắc cơ bản trong giám sát hoạt động tài chính vi mô” - năm 2010. Theo đó, hoạt động giám sát cần chú trọng các nguyên tắc sau: (i) Các tổ chức huy động tiền gửi từ công chúng cần phải được quản lý, giám sát tùy theo loại hình và quy mô hoạt động; (ii) Việc giám sát tài chính vi mô nên cân đối giữa những rủi ro với những chi phí và lợi ích của tài chính vi mô; (iii) Cán bộ giám sát cần phải có kiến thức chuyên môn về những rủi ro của tài chính vi mô; (iv) Các kỹ thuật giám sát cần phải được điều chỉnh phù hợp với các rủi ro của tài chính vi mô, tập trung vào tín dụng vi mô; (v) Các cán bộ giám sát cần phải ý thức được các vấn đề quản trị điều hành có khả năng xảy ra với những tổ chức hoạt động tài chính vi mô (các vấn đề đặc biệt với các QTDND, nơi rất nhiều các cán bộ được bầu chọn); (vi) Các cán bộ giám sát phải ý thức được các rủi ro hoạt động.
Về mục tiêu
Giám sát hoạt động của hệ thống QTDND cần phải được kết hợp chặt chẽ giữa Giám sát từ xa và Kiểm tra tại chỗ. Xác định rõ mục tiêu: (i) Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; (ii) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của TCTD; (iii) Duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng; (iv) Bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; (v) Góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Phương pháp tiếp cận
Để giám sát hiệu quả, phương pháp tiếp cận cần căn cứ vào rủi ro, khác với trước kia chủ yếu dựa trên việc tuân thủ, đảm bảo không có vi phạm luật hay các quy định khác. Tiếp cận trên cơ sở rủi ro tập trung vào các hoạt động và biện pháp quản lý rủi ro về khả năng thanh toán của một tổ chức tài chính và cách thức quản lýcác rủi ro này. Trong quá trình vận hành, các QTDND thường đối mặt với 04 loại rủi ro chính: Rủi ro tín dụng (rủi ro vỡ nợ, sự kiện tín dụng); Rủi ro hoạt động (rủi ro đạo đức, quy trình nội bộ, hệ thống, con người không đầy đủ, vận hành chưa đúng…); Rủi ro thanh khoản (về vốn hoặc thị trường); Rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, chứng khoán, hàng hóa…); trong đó tập trung chủ yếu vào . các loại rủi ro sau:
(1)Rủi ro tín dụng: Xảy ra khi những khoản vay không được hoàn trả đầy đủ và đúng hạn. Rủi ro này quan trọng với QTDND bởi danh mục cho vay thường là tài sản lớn nhất của tổ chức vàcần được giám sát chặt chẽ.
(2) Rủi ro thanh khoản: Là khi một QTDND không đủ khả năng chi trả tiền mặt để đáp ứng những nghĩa vụ khi đến hạn, bao gồm cả các cam kết mở rộng tín dụng cho các thành viên, điều này cũng rất quan trọng vì cam kết nới thêm tín dụng nếu các khoản vay hiện tại được thanh toán đúng hạn.
(3) Rủi ro hoạt động: Xảy ra khi một QTDND thua lỗ do yếu kém trong hệ thống nội bộ và quản lý. Theo số liệu thống kê của BHTGVN, nhiều QTDND bị giải thể là do rủi ro đạo đức, cụ thể là cán bộ lãnh đạo, điều hành của quỹ vi phạm pháp luật. Trong số 38 QTDND BHTGVN đã thực hiện chi trả, có hơn 1/3 số quỹ có cán bộ vi phạm pháp luật và nguyên tắc, chế độ cho vay như: cho vay sai đối tượng, sai mục đích, cho vay đảo nợ, cho vay ưu đãi, cho vay vượt giới hạn cho phép đối với cán bộ chủ chốt của QTDND…Nghiêm trọng hơn, tại một số Quỹ, cán bộ quản lý lợi dụng cương vị công tác để tham ô, chiếm đoạt tài sản hay dùng vốn cho vay phục vụ mục đích cá nhân. Vì vậy, hoạt động giám sát của BHTGVN cần tập trung hơn vào các vấn đề quản trị điều hành và quy trình nội bộ của QTDND nhằm nâng cao hiệu quả trong giám sát các tổ chức tài chính vi mô như mô hình tổ chức này.
Mô hình giám sát từ xa kết hợp CAMEL và PEARL
Mỗi quốc gia đều thực hiện giám sát từ xa hoạt động của các ngân hàng thông qua việc áp dụng các chỉ số CAMELS, trong đó tiêu biểu phải kể đến Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Liên Bang Mỹ (FDIC). Các chỉ tiêu giám sát bao gồm: Capital (vốn); Assets (Tài sản); Management (quản trị); Earnings (lợi nhuận); Liquidity (thanh khoản). So với phương pháp giám sát tuân thủ, mô hình CAMELS có sự đổi mới và phát triển cao hơn, nhưng tuy nhiên vẫn đảm bảo tính kế thừa từ những nội dung, cách thức tổ chức và thói quen giám sát của từng quốc gia. Do vậy, CAMELS được đánh giá là mô hình phù hợp với mức độ phát triển của hệ thống ngân hàng tại các nước đang phát triển như Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, mô hình PEARLS được thiết kế để giám sát hiệu quả hoạt động tài chính cho riêng đối với các tổ chức nhận tiền gửi, đặc biệt là các tổ chức tài chính có quy mô nhỏ. Đây là công cụ cần thiết cho các cơ quan quản lý sử dụng để đánh giá, cảnh báo và xếp hạng các tổ chức tài chính thành viên. PEARLS sử dụng một bộ các chỉ tiêu tài chính và các tiêu chuẩn đánh giá có mối liên quan chặt chẽ với nhau, khi xem xét chỉ tiêu này, phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của chỉ tiêu khác và ngược lại. Việc giám sát theo PEARLS chủ yếu trên bảng cân đối kế toán, vì vậy, PEARLS rất thuận lợi cho việc khai thác số liệu đầu vào và phù hợp với tình hình khai thác thông tin báo cáo từ các tổ chức tài chính tại Việt Nam, trong đó bao gồm: P - Chỉ tiêu đảm bảo an toàn; A - Chất lượng tài sản có; R - Chỉ tiêu thu nhập và chi phí; L - Chỉ tiêu thanh khoản; S - Dấu hiệu của sự tăng trưởng.
Hiện nay, BHTGVN kết hợp sử dụng 02 mô hình này trong hoạt động giám sát từ xa tổ chức tham gia BHTG là hệ thống QTDND và TCTD phi ngân hàng. Có thể thấy, PEARLS và CAMELS có những yếu tố, chỉ tiêu giám sát khác nhau. Nếu PEARLS hoàn toàn sử dụng các chỉ tiêu định lượng, thì CAMELS sử dụng cả chỉ tiêu định tính (M-quản lý). PEARLS chủ yếu dựa trên cơ sở số liệu từ bảng cân đối tài khoản kế toán, còn CAMELS sử dụng dữ liệu là báo cáo thống kê từ các tổ chức tài chính thành viên. Ngoài ra, PEARLS còn đo lường chỉ tiêu tăng trưởng (S). CAMELS là phương pháp giám sát chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc kết hợp 02 mô hình này với nhautrong hoạt động giám sát các tổ chức tài chính có quy mô nhỏ như hệ thống QTDND là phù hợp, nhằm đánh giá, xếp hạng tổ chức tham gia BHTG trong thời gian tới.
Cùng với mô hình giám sát nói trên, khi tiến hành phân tích tài chính của QTDND, cán bộ giám sát cần chú ý đến các chỉ tiêu: (i) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), được quy định tại Quyết định 1328/2005/QĐ-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND cơ sở; (ii) Danh mục cho vay chịu rủi ro (PAR), phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, được quy định tại các Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN, Thông tư 14/2014/TT-NHNN; (iii) Các chỉ số đo lường hiệu quả kinh doanh: Hệ số lợi nhuận trên tài sản (ROA), thông lệ tốt ở mức trên 2%, Hệ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), thông lệ tốt ở mức trên 5%; (iv) Tỷ lệ thanh khoản với các hệ số chủ yếu: Hệ số 1 = Tổng lượng tiền mặt hiện có/Tổng lượng tiền gửi, đo lường tỷ lệ tiền mặt hiện có có đủ đáp ứng nếu như người gửi tiền muốn rút, tỷ lệ này thông lệ tốt ở mức trên 15%; Hệ số 2 = (Tiền mặt + tài sản ngắn hạn)/Tổng số khoản phải trả ngắn hạn, đo lường liệu tổ chức có đủ tài sản có tính thanh khoản để thanh toán những khoản phải trả ngắn hạn không, tỷ lệ này theo thông lệ tốt là trên 1; Hệ số 3 = Cho vay/Tiền gửi huy động, đo lường liệu tổ chức có giữ được một tỷ lệ cân bằng giữa các khoản vay và khoản tiền gửi không, thông lệ tốt là dưới 80%.
Đồng thời, có 02 kỹ thuật phân tích cán bộ giám sát cần quan tâm: Phân tích tham số, tức là so sánh các thông tin tài chính của một kỳ với các thông tin tương đương của kỳ trước và tính toán mức độ (độ lớn) của những thay đổi tính theo tỷ lệ %: Ví dụ đơn vị có tổng dư nợ tăng 5%, nhưng nợ xấu tăng 20%, có thể nói đơn vị đang gặp vấn đề về chất lượng tín dụng, cần phải xem xét kỹ lưỡng danh mục khoản vay; Phân tích xu hướng là xem xét tình hình tài chính hoặc các tỷ lệ thay đổi trong một vài kỳ, liệu tăng hay giảm.
Kiểm tra tại chỗ
Theo Luật BHTG, hiện tại BHTGVN chỉ kiểm tra QTDND đối với phí BHTG và các quy định khác về BHTG. Tuy nhiên, để công tác giám sát QTDND thực sự hiệu quả, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Hoạt động kiểm tra tại chỗ của BHTGVN tại QTDND cần được coi là độc lập, hỗ trợ cho giám sát từ xa đạt hiệu quả và phải được triển khai trên cả hai loại hình: Kiểm tra toàn diện và Kiểm tra chuyên đề. Kiểm tra toàn diện các hoạt động của QTDND, để đánh giá năng lực quản lý, xác định rõ tình hình tài chính của tổ chức; hoặc kiểm tra chuyên đề nhằm phản ứng với các vấn đề được phát hiện trong quá trình giám sát từ xa. Mục tiêu của hoạt động kiểm tra tại chỗ nhằm: Bổ sung khía cạnh định tính vào phân tích định lượng được thực hiện từ xa; Xác nhận mức độ tuân thủ đối với các quy định liên quan; Thẩm định mức độ tin cậy của các báo cáo nộp lên phục vụ cho mục đích giám sát từ xa; Đánh giá khả năng quản lý rủi ro của tổ chức, đặc biệt là khả năng nhận dạng, đo lường, kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng đến tổ chức; Xác nhận khả năng tồn tại và điều kiện về mặt tài chính của tổ chức; Kiểm tra danh mục cho vay và tính lành mạnh trong quản lý danh mục cho vay; Đánh giá hiệu quả của việc kiểm soát và kiểm toán nội bộ, khả năng phát hiện gian lận, lừa đảo trong hoạt động của QTDND.
Xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận rủi ro trong hoạt động giám sát cũng như lựa chọn mô hình giám sát từ xa và phải đảm bảo có sự kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của BHTGVN đối với QTDND. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này, rất cần sự quan tâm của NHNN Việt Nam trong quá trình nghiên cứu ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn hoạt động BHTG, nhất là đối với hoạt động giám sát (bao gồm giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ) để hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, thực hiện tốt nhất mục tiêu hoạt động của BHTGVN theo Luật BHTG. Về phía BHTGVN, cần điều chỉnh mô hình giám sát phù hợp với các văn bản hiện hành về hoạt động của hệ thống QTDND, chú trọng theo phương pháp tiếp cận rủi ro. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai phần mềm giám sát thống nhất cho toàn hệ thống; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, kiểm tra, tập trung vào kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, yêu cầu nắm bắt và hiểu biết các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, đào tạo cho cán bộ nghiệp vụ các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng như tuân thủ các yêu cầu về quy tắc thận trọng, bảo mật trong quá trình kiểm tra tại chỗ.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 19/6/2012;
- Các Nghị định, Thông tư của Chính phủ về BHTG;
- Tài liệu đào tạo “Giám sát các QTDND” - TS. Trần Thị Thanh Tú - Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội - Tháng 12.2014;
- Thông tin trên các website: www.sbv.gov.vn; www.vnba.org.vn; www. div.gov.vn.