Theo quy định hiện hành, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tại một TCTGBHTG tối đa là 50 triệu đồng. Quy định này đã được áp dụng từ năm 2005. Tại thời điểm quy định này bắt đầu có hiệu lực, mức bảo hiểm này được đánh giá là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế trong nước cũng như thế giới đã có quá nhiều thay đổi, lạm phát gia tăng, thu nhập bình quân của người dân cũng tăng lên đáng kể.
Do đó, trong thời gian qua, rất nhiều các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã đưa ra kiến nghị nâng hạn mức chi trả BHTG. Tuy nhiên, xét nhiều lý do, cho tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ nâng hạn mức chi trả BHTG lên 75 triệu đồng.
Nhiều lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và các Lãnh đạo Ngân hàng thương mại (NHTM) cùng một số lãnh đạo QTDND trên địa bàn cho rằng việc Chính phủ quyết định nâng hạn mức chi trả BHTG là một điều rất đáng mừng, góp phần tăng niềm tin công chúng vào hoạt động tài chính ngân hàng. Theo thông lệ quốc tế, hạn mức chi trả tối thiểu bằng 02 lần GDP bình quân đầu người. Hiện thu nhập bình quân của người dân Việt Nam đã hơn 2.000 USD.
Một số người gửi tiền tại các Ngân hàng Thương mại và QTDND cho rằng họ không mong muốn ngân hàng đổ vỡ để được chi trả tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, một mức trả tiền bảo hiểm cao hơn mức 50 triệu hiện hành là điều nhiều người cho là cần thiết.
Ở nước ta hiện nay quy định hạn mức chi trả tiền bảo hiểm thể hiện chính sách của Nhà nước, được xây dựng trong từng thời kỳ và việc xác định hạn mức cần đảm bảo đồng thời 2 nguyên tắc:
i) Hạn mức cần đủ cao để duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng;
ii) Hạn mức cần đủ thấp để những người gửi tiền quy mô lớn không chủ quan với các hoạt động ngân hàng thiếu an toàn và rủi ro, qua đó kiểm soát và giảm thiểu rủi ro đạo đức, tránh tình trạng mạo hiểm trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Mức chi trả BHTG được xây dựng dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng có 02 tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua. Một là, phải hướng đến bảo vệ số đông người gửi tiền, những người thiếu thông tin về hoạt động của ngân hàng. Hai là, mức tiền bảo hiểm được so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người, thường gấp 2-3 lần mức thu nhập bình quân đầu người. Rõ ràng, việc tăng hạn mức chi trả BHTG là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính của BHTGVN hiện chưa thể cho phép áp dụng một hạn mức chi trả cao. Tổng tài sản của DIV đến cuối tháng 02/2017 đạt hơn 33.000 tỉ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả đạt 23.200 tỉ đồng. Số tiền này không lớn nếu so với quy mô huy động vốn của các ngân hàng hiện nay. Do vậy, song hành với việc nâng hạn mức chi trả, cần có lộ trình nâng cao năng lực tài chính và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Bên cạnh đó, vai trò của BHTG không chỉ đơn thuần là trả tiền cho người gửi tiền sau khi ngân hàng bị đổ vỡ. Quan trọng hơn là BHTGVN tăng cường giám sát, chấn chỉnh được các TCTD trước khi lâm vào tình trạng đổ vỡ. Điều đó đánh dấu bước chuyển từ mô hình chi trả (Pay-box) sang mô hình giảm thiểu rủi ro (Risk-Minimiser) của tổ chức tham gia BHTG, gắn liền với việc xây dựng và áp dụng cơ chế phí dựa trên mức độ rủi ro của TCTD. Thực tế việc chuyển đổi này đòi hỏi thời gian nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài (như BHTG Mỹ mất gần 60 năm để chuyển đổi từ cách tính phí đồng hạng sang cách tính phí theo rủi ro).
Còn theo ý kiến các chuyên gia Ngân hàng, về lâu về dài, để BHTGVN hoạt động hiệu quả và có một mức chi trả phù hợp hơn – góp phần tăng niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng thì nên có sự tham gia của cả Nhà nước, tức là tổ chức BHTG sẽ nhận được một phần phí đóng góp của các tổ chức tài chính và một phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Lê Thị Khánh Hòa – Phòng Tổng hợp Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ & Tây Nguyên