Đấu tranh tự phê bình và phê bình theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem đấu tranh tự phê bình và phê bình là để tránh cái dở, bài trừ cái xấu chứ không phải để khích bác, nói xấu trù dập nhau, mà cốt yếu là để học cái tốt, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ; phê bình và tự phê bình là để trị thói hư tật xấu để con người được hoàn thiện hơn, dân chủ trong Đảng được phát huy, kỷ luật nghiêm minh hơn, cán bộ, đảng viên có nhận thức cao hơn và luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc với tinh thần trách nhiệm hơn, gắn kết các tổ chức đoàn kết thống nhất ý chí lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn, tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân đạt hiệu quả cao.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có đời sống vật chất tinh thần lành mạnh, trước hết, phải là người có tư tưởng, lập trường kiên định vững vàng trước mọi cám giỗ thử thách, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ái quốc, nói đi đôi với làm, luôn chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Là người biết lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng, biết tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng nhân dân, có ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình cao, tác phong giản dị, lối sống văn minh lịch sự.
Mục đích của việc tự phê bình và phê bình chính là để gột rửa những thói hư tật xấu và trong di chúc của Người đã chỉ rõ việc thực hiện đấu tranh tự phê bình và phê bình đúng quy luật, chính là một trong những cách tốt nhất được sử dụng, nhằm mục tiêu củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, từ đó nó sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Tự phê bình được hiểu chính là việc bản thân mình tự soi lại mình, tự sửa, tự mình nhận ra những khuyết điểm sâu sắc nhất; thật thà mạnh dạn đứng lên nhận khuyết điểm của bản thân mình trước mọi người, trước tổ chức đơn vị để anh em bạn bè, tổ chức đơn vị giúp đỡ sửa chữa tồn tại khuyết điểm đạt hiệu quả nhất.
Đấu tranh phê bình chính là việc mọi người, tập thể tổ chức đơn vị nêu lên những tồn tại khuyết điểm của người có khuyết điểm trong tổ chức đoàn thể, đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng với mục tiêu để cùng nhau phát huy tối đa ưu điểm, khắc phục tồn tại khuyết điểm hiệu quả.
Thực tiễn công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình tại Đảng bộ Chi nhánh và một số kiến nghị, đề xuất
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình, thời gian qua, Đảng bộ Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ luôn nỗ lực để triển khai quyết liệt công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ Chi nhánh.
Hiện Đảng bộ Chi nhánh có 47 đảng viên, chiếm 57% tổng số cán bộ viên chức (trong đó: đảng viên nữ 22 đồng chí, Đảng viên nam 25 đồng chí). Đến nay, Đảng bộ chi nhánh đã cơ bản hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; hẳng năm 100% cán bộ đảng viên thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, các nghị quyết của Đảng ủy Khối DNTW và Đảng ủy BHTGVN; 100% đảng viên luôn giữ mối liên hệ tốt và rất tốt với cấp ủy, chính quyền nơi cư trú.
Công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên; đấu tranh tự phê bình và phê bình cấp ủy hằng năm thực hiện đúng theo hướng dẫn của Trung ương, chỉ đạo của Đảng ủy Khối và Đảng bộ BHTGVN, gắn với tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII; thực hiện công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cuối năm cùng với công tác thi đua khen thưởng... đảm bảo quy định đúng theo hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên ban hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nguyên tắc đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Chi nhánh còn có hạn chế như: việc tự phê bình và phê bình chủ yếu thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc cấp thiết thường xuyên, còn mang tính hình thức, còn một số Đảng viên chưa coi trọng công tác phê bình và tự phê bình, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ; bắt nguồn từ tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao".
Để nâng cao nguyên tắc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên đúng theo chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thời đại ngày nay; sinh hoạt của Đảng bộ, Chi bộ và của cán bộ, đảng viên Chi nhánh cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, các cấp ủy đảng cần phải thật sự thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là phê bình và tự phê bình việc làm sai trái vi phạm pháp luật chứ không thực hiện phê bình về con người; thống nhất tư tưởng, nhận thức, tinh thần đồng thuận cao trong cấp ủy, đó là nâng cao đấu tranh tự phê bình và phê bình với mục tiêu đúng đắn, để giúp cá nhân, tập thể nâng cao giác ngộ cách mạng, nhận thức của người cộng sản chân chính để tự nhận ra khuyết điểm, hạn chế tồn tại.
Nâng cao đấu tranh tự phê bình và phê bình là chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí và đơn vị mình để tìm và đưa ra các biện pháp tối ưu, để từ đó tiến hành khắc phục sửa chữa, chứ không phải lợi dụng đấu tranh tự phê bình và phê bình để bôi nhọ, khích bác, hạ bệ lẫn nhau. Trước hết cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu biết sâu rộng, đầy đủ, sâu sắc nguyên tắc, nội dung ý nghĩa của việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong đơn vị, trong tổ chức Đảng; giúp đỡ cán bộ, đảng viên nâng cao lý luận chính trị, tư tưởng kiên định vững vàng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;
Hai là, cán bộ đảng viên phải gương mẫu tự giác trong tự học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị, thấm nhuần đạo đức cách mạng chân chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc vai trò, nội dung, nguyên tắc, quy luật đấu tranh tự phê bình và phê bình đúng theo từng đối tượng, từng cấp độ phù hợp; đồng thời phải xác định được mục tiêu, nội dung đúng, lựa chọn trúng nội dung phù hợp, đưa ra hình thức và phương pháp đat tình, thấu lý để tiến hành thực hiện đạt hiệu quả cao nhất;
Cần duy trì thường xuyên, liên tục, có nền nếp việc thực hiện nâng cao đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của đơn vị và tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt Bí thư - người đứng đầu tổ chức đơn vị, tổ chức Đảng phải giữ vững vai trò tiên phong tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nâng cao đánh giá đúng chất lượng cán bộ đảng viên mình phụ trách.
Trong sinh hoạt Đảng về đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí, phải gương mẫu đi đầu và tạo đà cho cán bộ đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tự giác gương mẫu, nghiêm túc nâng cao ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình trong đánh giá chất lượng cán bộ đảng viên hàng năm, để hoàn thành xuất săc nhiệm vụ được giao góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và cơ quan đơn vị theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đề cao trách nhiệm báo cáo và giải trình để từ đó sẽ có thể tạo ra một bầu không khí thật sự dân chủ trong tổ chức sinh hoạt. Tiến hành đồng bộ tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng cùng với việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta.
Chi bộ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, hạch sách, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức đoàn thể, đơn vị, chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và là trung tâm đoàn kết, nơi giải tỏa tâm tư nguyện vọng và cùng nhau thi đua tiến bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Bốn là, Chi bộ, Đảng bộ phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành, vận dụng, thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng. Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để cán bộ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ, ngăn chặn và phòng chống biểu hiện tiêu cực, tham ô lãng phí, tư tưởng "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Cần kiên quyết xử lý thích đáng và triệt để các đối tượng xấu, tha hóa biến chất “mượn gió bẻ măng” lợi dụng phê bình với mục đích vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù nhằm thõa mạn chủ nghĩa cá nhân.
Loại bỏ và kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng phê bình để đấu đá, khích bác, chê bai lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đoàn thể và các tổ chức Đảng. Thực hiện tốt các quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo, thông tin phản ánh liên quan đến những tập thể, cá nhân có hành vi biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tổ chức Đảng cần phải kịp thời làm rõ các thông tin phản ánh của người dân trong khiếu nại về cơ chế chính sách, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng xấu đến tổ chức đảng và phải giải quyết rốt ráo hiệu quả với phương châm công tâm, minh bạch, rõ ràng đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.