Theo nội dung Quyết định, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX), QTDND, Hiệp hội QTDND Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có trách nhiệm thực hiện; đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Đảm bảo quy trình giám sát, thanh tra thống nhất hệ thống QTDND
Đối với nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối xây dựng để ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quản trị, điều hành, kiểm soát QTDND, NHHTX. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phép, tổ chức, hoạt động, quản trị, điều hành, kiểm soát, các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động đối với QTDND, phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát, thanh tra, đảm bảo quy trình giám sát, thanh tra thống nhất trong toàn hệ thống, mọi hoạt động của QTDND được giám sát thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện rủi ro, có biện pháp cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời mọi rủi ro, vi phạm, đồng thời làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra QTDND.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Quỹ Bảo toàn để sử dụng có hiệu quả, hỗ trợ QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường, đồng thời cho vay đặc biệt theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD số 17/2017/QH14…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát hệ thống QTDND, Thống đốc yêu cầu Vụ Pháp chế làm đầu mối phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nghiên cứu để NHNN trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG;
Thống đốc cũng yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra ở cấp Trung ương và địa phương về hoạt động cấp tín dụng, cấp giấy phép hoạt động, tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu của các QTDND, xử lý các QTDND yếu kém; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tổ chức hoạt động đối với QTDND, phát triển hợp tác xã, nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý, giám sát hệ thống QTDND thống nhất, kết nối các QTDND với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; đào tạo lại trình độ chuyên môn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thanh tra, giám sát và quản lý QTDND; rà soát, đánh giá, phân loại các QTDND; phương án xử lý tiền gửi theo quy định pháp luật; phương án phá sản đối với QTDND không có khả năng phục hồi vào thời điểm thích hợp…
Đối với các NHNN chi nhánh, Thống đốc chỉ đạo việc theo dõi các QTDND trên địa bàn trong việc triển khai Đề án; thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về hoạt động QTDND; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với hệ thống QTDND. Đặc biệt, thí điểm thực hiện thanh tra chéo đối với QTDND.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu
Đối với hệ thống QTDND, Thống đốc chỉ đạo tuân thủ các nguyên tắc của mô hình HTX, tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các thành viên; tiến tới chỉ huy động và cho vay đối với thành viên; thu hút thành viên mới đi kèm nâng cao chất lượng, tính liên kết giữa các thành viên…
Điều chỉnh địa bàn hoạt động của các QTDND theo hướng giới hạn trên địa bàn một xã, phường, thị trấn. QTDND ngành nghề hoạt động trên địa bàn theo hướng dẫn của NHNN.
Tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; sửa đổi, hoàn thiện quy chế nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay, đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích…; tăng cường kiểm soát việc huy động tiền gửi, chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu, tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro.
Tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc, thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng và các biện pháp khác theo quy định để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Hoàn thiện cơ chế, quy định nội bộ đặc biệt là các quy định về quản lý tiền vay và hoạt động huy động tiền gửi, tạo điều kiện cho thành viên tham gia quản lý và giám sát hoạt động của QTDND…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của QTDND và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc QTDND phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm, hoạt động của QTDND, lợi ích của việc tham gia QTDND và chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với QTDND đến cộng đồng dân cư để thu hút các thành viên mới.
Ngoài ra, tăng cường và nâng cao trách nhiệm về chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát…; quản lý, giáo dục đạo đức cán bộ, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động; đồng thời nâng cao năng lực tự chủ tài chính, tương xứng với các loại hình TCTD khác và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng cường vai trò của BHTGVN trong kiểm tra, giám sát và hỗ trợ QTDND
Đối với BHTGVN, Thống đốc chỉ đạo tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTG trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các TCTD được sửa đổi, bổ sung.
Thống đốc yêu cầu BHTGVN làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là thành viên QTDND.
Phối hợp với NHNN trong việc xây dựng Luật BHTG sửa đổi, bổ sung và các quy định có liên quan trong việc phát huy vai trò và sử dụng nguồn lực của BHTG để hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND.
Tăng cường vai trò của BHTG trong việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời đối với các QTDND theo quy định của Luật các TCTD đã được sửa đổi, bổ sung.
Về phía BHTGVN, triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng báo cáo một số nội dung: Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt; Phát huy và tăng cường vai trò giám sát, phân tích, đánh giá cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các QTDND thông qua các chức năng và hoạt động của BHTGVN hiện nay; Tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND; Nguồn tiền kết dư phí BHTG...
Đặc biệt, tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND được coi là nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Do đó, đối với công tác kiểm tra, BHTGVN sẽ ưu tiên tập trung vào nguồn nhân lực, công tác đào tạo trưởng đoàn kiểm tra, tích cực tham gia quá trình KSĐB các QTDND cũng như tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của NHNN đối với QTDND theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06/CT-TTg.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra để sớm đưa vào thực tiễn trong thời gian tới, hiện tại BHTGVN cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án "Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền"; phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách BHTG, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thành viên QTDND; đồng thời để người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách BHTG và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, BHTGVN sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với việc thực hiện Chỉ thị 06 cùng những đề xuất, kiến nghị để sớm báo cáo NHNN.