Tăng khả năng tiếp cận vốn cho người nghèo
Trải qua hơn 30 năm hoạt động, TCVM tại Việt Nam đã tiếp cận khách hàng là người nghèo trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa nhằm cung cấp những dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và năng lực của khách hàng, tăng cường sự tham gia và đóng góp của người nghèo trong các hoạt động kinh tế của đất nước, nâng cao vai trò và vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như cộng đồng, tăng cường năng lực cho các tổ chức đoàn thể là đối tác thực hiện các chương trình TCVM... Thực tế đã cho thấy, dịch vụ và sản phẩm TCVM phù hợp với khả năng và nhu cầu của người nghèo/người có thu nhập thấp giúp những đối tượng này có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính tránh trường hợp phải đi vay tín dụng “đen” với lãi suất cao khi mà bản thân các ngân hàng cũng không mặn mà với các khoản cho vay nhỏ lẻ, thời gian ngắn, chi phí cao nhưng tạo ra ít lợi nhuận. Ngoài cung cấp vốn, TCVM thực sự là kênh tài chính có ý nghĩa khi còn hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm làm ăn hiệu quả cho người nghèo. Điều này được chứng minh qua các con số thông kê khi tỷ lệ hộ nghèo được giảm từ 60% (năm 1990) xuống còn 4,5% (năm 2015) với khoảng 30 triệu người Việt thoát nghèo.
Hiện nay, hoạt động của các tổ chức TCVM có nhiều khác biệt khi một số tổ chức cung cấp cả dịch vụ tài chính (cho vay vi mô, huy động vốn, bảo hiểm vi mô) và dịch vụ phi tài chính nhưng cũng có tổ chức chỉ tập trung vào cho vay vi mô. Tùy vào điều kiện của mỗi tổ chức, mức độ cung cấp các dịch vụ phi tài chính khác nhau. Các tổ chức TCVM được chia thành 3 loại: tổ chức TCVM chính thức (do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động); tổ chức TCVM bán chính thức (do các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội cấp phép hoạt động); và các tổ chức TCVM phi chính thức (các hiệu cầm đồ, các tổ chức hụi họ tự nguyện...).Điểm đáng chú ý trong nội dung hoạt động của các tổ chức TCVM là các tổ chức TCVM bán chính thức không hoạt động theo Luật TCTD, do đó không được thực hiện đầy đủ các hoạt động như các tổ chức TCVM chính thức, đặc biệt là về huy động tiền gửi tự nguyện. Trên thực tế, các sản phẩm của tổ chức TCVM bán chính thức thường chỉ tập trung vào cho vay vi mô. Các hoạt động huy động tiết kiệm chủ yếu chỉ là tiết kiệm bắt buộc. Các hoạt động phi tài chính thường chỉ được triển khai tại một vài tổ chức có nhiều nguồn tài trợ đa dạng.
Phát triển TCVM còn nhiều khó khăn
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung hoạt động TCVM Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa mục đích tìm kiếm lợi nhuận và mục đích xã hội, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và quan trọng hơn là trở thành lực lượng đóng góp tích cực cho sự nghiệp giảm nghèo, giảm khoảng cách bất bình đẳng của các tầng lớp dân cư Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, hoạt động TCVM Việt Nam vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế. Thứ nhất, hoạt động TCVM mang nặng tính tự phát, hành lang pháp lý hoạt động còn nhiều “khoảng trống”, chưa thực sự có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn. Thứ hai, quy mô hoạt động của các tổ chức TCVM còn hạn chế, số lượng dịch vụ tài chính nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp. Điều này đã làm giảm đi tiềm năng phát triển khách hàng của các tổ chức này. Thứ ba, hoạt động tín dụng và tiết kiệm chủ yếu phân chia theo khu vực dẫn đến rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản tương đối cao. Bên cạnh đó, quản trị rủi ro và công bố thông tin còn yếu và chưa thực sự chuyên nghiệp. Những nhược điểm này có thể khiến cho hiệu quả hoạt động TCVM suy giảm, dẫn tới vai trò của ngành TCVM nói chung và các tổ chức TCVM nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, khi nhu cầu về dịch vụ tài chính ngày càng đa dạng phong phú về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng, áp lực cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức TCVM ngày càng mạnh mẽ, nếu không có chiến lược phát triển hoạt động của các tổ chức TCVM Việt Nam song hành cùng với các tổ chức tài chính khác trong hệ thống tài chính, ngành TCVM Việt Nam Việt Nam sẽ khó có thể đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Đánh giá về tính bền vững của hệ thống TCVM, PGS.TS Lê Văn Luyện – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận xét, chỉ số bền vững của các tổ chức TCVM tại Việt Nam đạt được là rất đáng suy nghĩ trong tổng thể thị trường tài chính hiện nay, các chỉ số đánh giá chưa được phản ánh đúng sự bền vững của các tổ chức. Ông Luyện chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu của các tổ chức TCVM còn hạn chế, quy mô tổ chức TCVM còn rất nhỏ và mức tín nhiệm chưa cao để thu hút được các đối tác lớn trong cho vay hoặc đầu tư dài hạn. Thêm vào đó, năng lực hoạt động của các tổ chức TCVM còn khiêm tốn, chất lượng nguồn nhân lực không cao, tính chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn rất hạn chế.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức TCVM
Những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm, đầu tư nhiều biện pháp kể cả sửa đổi chính sách và luật pháp nằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức TCVM hoạt động hiệu quả và an toàn hơn. Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã khắc phục bất cập cơ bản của Luật 1997. Trong đó, thay đổi quan trọng của Luật 2010 là chính thức công nhận tổ chức TCVM là một trong các loại hình TCTD. Đây được xem là một bước tiến dài, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định các tổ chức TCVM.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định và hướng dẫn chi tiết “Tổ chức TCVM phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM”. Như vậy, giống như các TCTD khác, quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức TCVM này đều được bảo vệ như nhau giúp tổ chức này có thêm lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp sản phẩm tiết kiệm thuận lợi để huy động và mở rộng quy mô nguồn vốn.
Việc chính thức tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng sẽ hỗ trợ cho tổ chức TCVM trong công tác tuyên truyền, vận động để tổ chức, cá nhân hiểu biết thêm về hoạt động hỗ trợ người nghèo. Không những vậy, tham gia bảo hiểm tiền gửi còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của chính đơn vị nói riêng và cho cả hệ thống các TCTD nói chung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cùng NHNN thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015- 2016 là “nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng” cũng như mục tiêu đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Một ví dụ điển hình có thể nhắc tới là hai tổ chức TYM vàM7-MFI. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay, hoạt động tài chính ngân hàng có nhiều biến động, mặc dù nhiều TCTD làm ăn thua lỗ, nợ quá hạn cao, thậm chí một số tổ chức bị sáp nhập, mua lại nhưng hai tổ chức này đều có kết quả tài chính khả quan với tỷ lệ nợ xấu gần như bằng không. Điều này phần nào minh chứng được những tác động tích cực từ chính sách bảo hiểm tiền gửi tới các đơn vị.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thực trạng hoạt động TCVM thời gian qua đang đặt ra những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức phát triển có hệ thống, hiệu quả và bền vững, qua đó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của các tổ chức Tài chính vi mô đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam” do Học viện Ngân hàng tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất các giải pháp góp phần giải quyết tình trạng này.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, cụ thể: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật các TCTD; Ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hoạt động TCVM; Có chính sách thuế, phí hỗ trợ phát triển hoạt động TCVM… Nhóm giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nhóm giải pháp thứ ba được chuyên gia Vũ Đình Ánh nhắc đến: Nâng cao năng lực của các tổ chức TCVM đã được NHNN cấp phép thông qua việc triển khai các chương trình đào nâng cao năng lực quản trị, điều hành cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò và hiệu quả của hoạt động TCVM.
TS. Phí Trọng Hiển – Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (NHNN) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, tổ chức phi chính phủ khi tham gia thành lập tổ chức TCVM chính thức nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia, tăng tính cạnh trạnh, mang lại sự đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ TCVM tới khách hàng nghèo, thu nhập thấp. Tuy nhiên, để tránh các nhà đầu tư sử dụng tổ chức TCVM như là một kênh đầu tư chạy theo lợi nhuận có thể cân nhắc đến quy định giới hạn mức lợi nhuận hoặc cam kết về trách nhiện xã hội và sự đóng góp cho cộng đồng.
Phòng TTTT
Tài liệu tham khảo:
- Kỷ yếu khoa học quốc gia “Vai trò của các tổ chức Tài chính vi mô đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam
- Website: http://div.gov.vn; http://tapchitaichinh.vn