Đồng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II (tăng 5,78%); tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tỷ giá ổn định; thanh khoản hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định, một số TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lãi suất cho vay liệu có giảm trong những tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đầu năm 2016, khi tín dụng tăng nhanh và cầu trong nước tăng trưởng lại, lạm phát có xu hướng tăng thì câu chuyện điều hành lãi suất vẫn là vấn đề rất khó khăn. Trên thực tế, những tháng đầu năm, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, dẫn đến việc rất khó giảm lãi suất cho vay. Chính vì thế, vào tháng 4 - 5, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ, trong đó yêu cầu NHNN chỉ đạo, tổ chức điều hành nhằm phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo hướng điều tiết hợp lý lượng vốn khả dụng của hệ thống, cho phép dư thừa thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp. Theo đó, nếu các TCTD gặp khó khăn về thanh khoản sẽ có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, tránh việc cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1”.
Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong 9 tháng đầu năm 2016, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều tiết chủ yếu thông qua thị trường mở, tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; thực hiện mua ngoại tệ khi thuận lợi, duy trì dư thừa thanh khoản hệ thống nhằm tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD; hỗ trợ cho NSNN phát hành thành công trái phiếu chính phủ với chi phí hợp lý. Khi cần thiết, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn để hỗ trợ ổn định tỷ giá, kiểm soát tốc độ tiền tệ và không chủ quan với lạm phát. Tuy nhiên, việc phát hành được tính toán để không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành lãi suất và vẫn tạo điều kiện cho phát hành TPCP.
Sau động thái giảm lãi suất huy động tại các TCTD qui mô lớn vừa qua, thị trường tiếp tục chờ đợi đợt giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm. Theo Phó Thống đốc, để giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 04 - xuyên suốt với Chỉ thị 01, chỉ đạo các TCTD cân đối, sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trên thực tế, một số NHTM đã giảm lãi suất cho vay cho một số đối tượng với thời hạn cụ thể. Cầu tín dụng đến cuối năm cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm và NHNN đang theo dõi rất sát diễn biến của lạm phát để có thể điều hành hiệu quả. Gần đây, một số NHTM lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. “Đây là cơ sở tốt để các TCTD giảm lãi suất cho vay” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trước nhiều ý kiến cho rằng phương án dùng NSNN để xử lý một phần nợ xấu trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) là không khả thi, gây áp lực lớn tới nợ công, nhất là trong bối cảnh NSNN đang bội chi, Người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Vấn đề báo chí nêu chỉ là nội dung dự thảo sơ bộ trong quá trình soạn thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP. Thời gian qua, trong điều kiện NSNN còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp NSNN mà thông qua các biện pháp như: trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập VAMC để mua nợ xấu của các TCTD bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, TCTD sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của NHNN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Để giải quyết căn bản nợ xấu, NHNN đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả.