Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Malaysia (PIDM) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia nhằm chia sẻ và trao đổi quan điểm trong việc quản lý, xử lý tổ chức tài chính đổ vỡ và ứng phó với khủng hoảng. Hội nghị có sự tham dự của 300 lãnh đạo quản lý cấp cao từ các tổ chức tài chính của Malaysia.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch xử lý đổ vỡ trong điều kiện kinh doanh bình thường (thời điểm thuận lợi) để xử lý một cách bài bản nhằm giảm thiểu chi phí, gián đoạn trong kinh doanh và quản lý hiệu quả các tổ chức thành viên gặp vấn đề.
Ông Rafiz Azuan Abdullah, Giám đốc điều hành của PIDM cho biết, việc các tổ chức tài chính đổ vỡ trong quá khứ và gần đây đặt ra sự cần thiết lập kế hoạch chiến lược ứng phó khủng hoảng. PIDM - với tư cách là cơ quan xử lý, đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết nhanh chóng các vụ đổ vỡ liên quan đến tổ chức thành viên và bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, thời điểm xử lý khủng hoảng và việc xây dựng kế hoạch phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng cũng là một thách thức lớn. Khi có sự chuẩn bị trước, việc lập kế hoạch xử lý đổ vỡ giúp cơ quan xử lý lựa chọn các giải pháp như thành lập ngân hàng bắc cầu, tái cấp vốn, tái cơ cấu v.v
PIDM đã công bố loạt 25 nghiên cứu điển hình, cung cấp những thông tin có giá trị từ kinh nghiệm toàn cầu trong xử lý khủng hoảng khi các ngân hàng và công ty bảo hiểm gặp vấn đề. Các nghiên cứu nêu bật bối cảnh và yếu tố rủi ro góp phần dẫn đến sự đổ vỡ các tổ chức tài chính cũng như những bài học quan trọng rút ra, bao gồm trường hợp gần đây của Ngân hàng Silicon Valley ở Mỹ, các ngân hàng khác ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu. Ngoài ra, nghiên cứu trường hợp xử lý đổ vỡ dưới dạng sách điện tử (ebook) được giới thiệu tới công chúng trên trang web của PIDM.
Bằng cách đưa ra các chiến lược quản lý khủng hoảng, lập kế hoạch xử lý đổ vỡ cho từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh riêng, PIDM nâng cao khả năng thực hiện các hành động quyết đoán và giảm thiểu rủi ro lây lan sang hệ sinh thái tài chính. Với tư cách là cơ quan xử lý đổ vỡ, PIDM hợp tác với Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính để hình thành Mạng an toàn tài chính vững mạnh. Vào tháng 9/2023, PIDM đã ban hành Hướng dẫn lập kế hoạch xử lý đổ vỡ cho các tổ chức tham gia BHTG, trong đó nêu rõ mục tiêu, cách tiếp cận và yêu cầu đối với việc lập kế hoạch xử lý đổ vỡ.