Cụ thể, Quyết định nêu trên đã Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (sau đây gọi chung là thoái vốn) giai đoạn 2022 – 2025. Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt theo chủ trương, kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn sớm hơn lộ trình được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định nêu rõ, đối với trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo khung hoặc/và không thực hiện được trong giai đoạn 2022 - 2023 do nguyên nhân chủ quan, đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước có cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Nhà máy In tiền Quốc gia (NBPP), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp tục duy trì sở hữu 100% vốn nhà nước trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, Quyết định 527/QĐ-TTG ngày 1/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Bảo hiểm tiền gửi – Một lĩnh vực đặc thù
Có thể thấy, 03 doanh nghiệp, tổ chức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đại diện chủ sở hữu nhà nước tiếp tục được duy trì sở hữu 100% trong giai đoạn 2022-2025 đều là các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, có tính chất phục vụ mục tiêu chính sách công. Nhà máy In tiền Quốc gia (NBPP) là doanh nghiệp công ích, sản xuất hàng hóa đặc biệt; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước duy nhất được giao trực tiếp triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam.
BHTG là loại hình bảo hiểm đặc thù, khác biệt hoàn toàn với các loại hình bảo hiểm thương mại. Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Các tổ chức tham gia BHTG ở đây được hiểu là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Trên thế giới, chính sách BHTG thường được coi là một lĩnh vực chính sách công, trước hết là hướng tới bảo vệ người gửi tiền quy mô vừa và nhỏ - đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Bên cạnh đó, chính sách BHTG cũng góp phần ổn định hệ thống các TCTD, tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính. Chính sách BHTG còn góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính từ ngân sách và giảm tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ. Chính vì vậy, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, các tổ chức BHTG đều hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và là các tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Tại Việt Nam, hoạt động BHTG không được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mà căn cứ trên luật chuyên ngành là Luật BHTG, được ban hành năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền qua những nghiệp vụ nào?
Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam với tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam (DIV) được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 07/7/2000. Đây là tổ chức được giao làm đầu mối triển khai hoạt động BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật BHTG, BHTGVN theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm. BHTGVN tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.
Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật. Sau đó, tổ chức này sẽ tiếp tục tham gia quản lý, thanh lý tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ và thu hồi chi phí tương ứng với số tiền đã chi trả BHTG. BHTGVN cũng tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, BHTGVN đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để gia tăng năng lực tài chính, đảm bảo khả năng chi trả khi phát sinh nghĩa vụ.
Có thể nói, ngoài nghiệp vụ chi trả BHTG được thực hiện khi tổ chức tín dụng tham gia BHTG bị xác định là mất khả năng chi trả hoặc phá sản được coi là biện pháp trực tiếp nhằm bảo vệ người gửi tiền, các nghiệp vụ khác của BHTGVN như kiểm tra, giám sát, thu phí BHTG, đầu tư, phát triển nguồn vốn, hỗ trợ phương án phục hồi tổ chức tín dụng gặp vấn đề… đều gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đặc biệt, các nghiệp vụ khi BHTGVN tham gia kiểm soát đặc biệt, đánh giá phương án phục hồi, cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của tổ chức tín dụng hỗ trợ… chính là các biện pháp củng cố hệ thống các tổ chức tín dụng, giảm nguy cơ đổ vỡ và tác động dây chuyền, qua đó, tránh tình huống thiệt hại có thể xảy ra đối với người gửi tiền.
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tài chính nhà nước đặc biệt này đã tích lũy và phát triển tổng quy mô nguồn vốn đạt gần 93 nghìn tỷ đồng, là nguồn lực tài chính vững mạnh để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Như vậy, trên cơ sở Luật BHTG, trong thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. /.