Tuy đã hoàn tất Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 hay còn gọi là Đề án 254 với những kết quả khá khả quan, nhưng theo thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống NH vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức mới, cần một Đề án tái cơ cấu dài hạn.
Vì sao hệ thống NH lại cần thêm một cuộc “đại phẫu” nữa, thưa ông?
Trong bối cảnh tuy kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực, nhưng khó có thể đạt 6,7%, theo kế hoạch mà dự báo đạt khoảng 6%. Nguyên nhân chính là do sự suy giảm nguồn cung, đặc biệt nông nghiệp, khai khoáng. Đồng thời cũng có những suy giảm từ phía cầu, chủ yếu sức mua và đầu tư đang rất yếu. Cụ thể tổng doanh số bán lẻ suy giảm, dự báo năm nay ở mức 8% sau khi trừ lạm phát, trong khi năm ngoái đạt 10%.
Nhập khẩu cũng đã giảm 9 tháng liên tiếp. Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phát triển DN như cải cách thủ tục hành chính, thay đổi các điều kiện đầu tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì lãi suất ở mức thấp, khuyến khích DN khởi nghiệp… nhưng kết quả còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu trì trệ do tổng cầu suy giảm chủ yếu các nước BRICS như Trung Quốc, Brazil, Nga…
Đứng trước bối cảnh kinh tế như vậy, hệ thống NH cũng không tránh khỏi gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 10,5% xấp xỉ năm ngoái, tuy nhiên, tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên chưa nhiều mà tăng chủ yếu trong khu vực xây dựng… Và nợ xấu của các NHTM còn rất lớn đã tác động xấu đến nền tảng tài chính của các NHTM. Biểu hiện qua các chỉ tiêu tài chính như là ROA, ROE của nhiều NH giảm. Chưa kể trong tỷ suất lợi nhuận của các NH còn một số lượng lớn lãi dự thu.
Tình trạng tài chính của các NHTM đã cản trở đáng kể tiến trình tái cơ cấu hệ thống NH. Đặc biệt tái cơ cấu về quản trị, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Do đó, khả năng tăng vốn tự có, lành mạnh hoá nền tảng tài chính trong ngắn hạn của các NH gặp khó khăn rất lớn. Vì vậy, chương trình tái cơ cấu cần phải có những thay đổi phù hợp với bối cảnh kinh tế. Đặc biệt là để phù hợp với nguồn lực tài chính ngân sách và các NHTM hiện nay.
Vậy theo ông cần phải làm thế nào để giúp chặng đường TCC còn nhiều chông gai này bớt trở ngại?
Chương trình tái cơ cấu trong giai đoạn mới cần phải dựa trên 4 trụ cột chủ yếu. Một là tập trung xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc các NHTM tự xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình NH sẽ không thể giải quyết được số nợ xấu này. NHNN, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ cần phải tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ cho các NHTM một cách dài hạn. Cụ thể: xử lý lãi dự thu bằng cách cho hoàn nhập lãi dự thu trong nhiều năm, rà soát lại các nhóm nợ để có cơ chế xử lý thích hợp, tạo cơ chế mua bán nợ theo giá thị trường, giải toả nhanh nợ xấu hiện đang nằm ở VAMC cũng như ở các AMC của NHTM.
Trong bối cảnh thị trường mua bán nợ như hiện nay, theo tôi phải mạnh dạn mở cửa thị trường cho các DN và các NH, quỹ đầu tư tài chính của nước ngoài qua các giải pháp tăng room đầu tư, bán nợ kể cả bán DNNN, tài sản công để tạo thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Hiện tại, các NĐT nước ngoài khá quan tâm đến các khoản nợ xấu của NH, DN nhưng vấn đề thủ tục rườm rà đang là rào cản đối với các NĐT. Còn vấn đề về giá tùy theo thỏa thuận hai bên, thuận mua vừa bán.
Thứ hai xử lý dứt điểm những NH mua 0 đồng. Có thể nói, dù là mua hay không mua, các NH 0 đồng đều là một tổn thất tài chính lớn. Tuy nhiên, việc mua lại giữ được lòng tin của thị trường trong ngắn hạn. Vì vậy, không thể tiếp tục kéo dài tổn thất tài chính đối với 3 NH 0 đồng mà cần phải xử lý dứt điểm bằng hai cách: một là sáp nhập, hai là bán lại cho các NH khác kể cả NH nước ngoài theo nguyên tắc thị trường. Và với mục tiêu đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính chứ không vì các lợi ích tài chính đơn thuần.
Để xử lý các NH này Chính phủ ưu tiên bán cho các NĐT và cần có thái độ dứt khoát về giá cả, thủ tục, tránh đặt ra các điều kiện làm nản lòng các NĐT. Không thể buộc NĐT phải bù đắp những tổn thất tài chính do những yếu kém trong quá khứ của những NH này.
Thứ ba, việc tái cơ cấu quản trị và quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế cần phải được tính toán cân nhắc, có lộ trình phù hợp với năng lực tài chính và năng lực quản lý của hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay để hạn chế tạo thêm bất ổn cho hệ thống. Kể cả đầu tư phát triển công nghệ, và áp dụng các sản phẩm mới, dịch vụ mới, trong khi năng lực quản lý và giám sát còn rất hạn chế. Những rủi ro gần đây trong hệ thống công nghệ thông tin đã tạo ra tâm lý lo ngại cho các khách hàng của NH về sự an toàn tiền gửi và tiền thanh toán tại các NHTM.
Thứ tư, duy trì ổn định thanh khoản trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt các chỉ tiêu về an toàn thanh khoản trong cho vay trung, dài hạn, cho vay bất động sản, trạng thái ngoại hối. Vận dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường liên ngân hàng làm cơ sở ổn định thanh khoản của hệ thống. Cuối cùng là sự đồng thuận chính trị trong việc tái cấu trúc hệ thống NH đang là một trở ngại lớn cho việc gỡ bỏ các rào cản và khung pháp lý để xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ.
Đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề có hay không việc phải ban hành cơ chế đặc thù cho VAMC để xử lý triệt để nợ xấu. Quan điểm của ông?
Đúng là hiện tại Quốc hội cũng như Chính phủ vẫn còn có tiếng nói chưa nhất quán trong việc tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho chương trình tái cấu trúc hệ thống NH mà cụ thể hơn là cơ chế đặc thù cho VAMC do chưa nhìn nhận đầy đủ việc tái cấu trúc hệ thống NH là vấn đề sống còn của nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Ở đây, không còn là vấn đề nợ xấu giữa DN và NH nữa, mà là lòng tin của người gửi tiền. Không có lòng tin này thì hệ thống NH sụp đổ và các mục tiêu kinh tế vĩ mô sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng, cái giá phải trả có thể rất lớn mà hàng chục năm sau mới khắc phục được.
Xin cảm ơn ông!