Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế nhằm hướng tín dụng vào nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó, trong kết quả chung của tín dụng “tam nông”, cho vay hộ luôn chiếm tỷ trọng cao với hàng triệu khách hàng (hộ nông dân và doanh nghiệp) được tiếp cận vốn, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (TCTD) (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 12/2016 đạt 996.610 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, cuối tháng 1/2017 ước đạt 1.005.000 tỷ đồng, tăng 0,84% so với cuối năm 2016. Bình quân trong 5 năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%.
Các biện pháp thực tiễn để phát triển nông nghiệp nông thôn
Ngày 9/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2015 và thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010. Nghị định quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn và chưa bao gồm chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây được xem là bước đột phá nhằm khuyến khích các TCTD đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong năm 2016, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị định 55 của Chính phủ góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đầu năm 2016, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp xử lý khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do lũ lụt ở miền núi phía Bắc, hạn mặn vùng ĐBSCL, mưa lũ tại các tỉnh Duyên hải miền Trung,... như: miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ (khoanh nợ, xóa nợ) cho khách hàng và cho vay mới, để khách hàng tiếp tục ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất. Đến nay, các ngân hàng đã xử lý khó khăn cho khoảng 22.775 khách hàng, với số tiền khoảng 750 tỷ đồng.
Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 14 – nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành
Việc triển khai chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ đối với các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và mô hình liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (Nghị quyết 14) đã bước đầu giúp hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau gần 2 năm triển khai, các ngân hàng đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.
Đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ (được tổ chức ngày 24/03/2016), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho hay, các chính sách hỗ trợ tín dụng được triển khai theo Nghị quyết 14 đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản suất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với Nghị định số 41, Nghị định số 55, Nghị quyết số 14 là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những kết quả mà chương trình cho vay thí điểm đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là hướng đi đúng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Tăng cường nguồn lực tín dụng hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp nông thôn
Mới đây, tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam và tại Lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành gói tín dụng khoảng 100 ngàn tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, NHNN rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích.
Để triển khai được chương trình tín dụng này, cần phải có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về đối tượng được hưởng chính sách, phạm vi của chương trình, tiêu chí xác định chương trình dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu chí xây dựng nông nghiệp sạch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để các ngân hàng triển khai cho vay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN khuyến khích các NHTM tham gia cho vay và sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ NHTM thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hỗ trợ nguồn vốn đối với các ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn, có chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Gần đây, các Ngân hàng thương mại cổ phần như ABBank, VietABank, LienVietPostBank đã mạnh dạn rót vốn cho nông nghiệp thông qua các dự án lớn. Ví dụ: ABBank đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi trung dài hạn trong khuôn khổ tài trợ của Dự án VNSAT của WB, trị giá 301 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Hay VietA Bank tài trợ trên 2000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao cuối năm 2016. LienVietPostBank cũng đang cho vay trông cây mắc ca với lãi suất 9%/năm với nhiều điều kiện ưu đãi. Đầu tháng 3/2016, Vietcombank dành 10.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh các chương trình tín dụng nông nghiệp nói trên, trong năm 2016, ngành Ngân hàng còn tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, vùng có thủy hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung. Ngoài ra, các TCTD tiếp tục cho vay đối với một số ngành chủ đạo trong nông nghiệp như cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản, tái canh cây cà phê, tín dụng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...
Đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nguồn vốn ngân hàng cho phát triển nông nghiệp nông thôn
Thực tế, hàng loạt chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng đã góp phần cho tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và tín dụng cho hộ gia đình nông thôn nói riêng phát triển. Quy trình, nghiệp vụ cho vay trong việc tiếp cận khách hàng, thẩm định rủi ro, giải ngân và giám sát mục đích sử dụng vốn, thu nợ được hoàn thiện, xử lý nhanh chóng. Tỷ lệ nợ xấu cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung luôn ở mức thấp hơn 3% theo yêu cầu của NHNN và thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn còn một số hạn chế như: Thứ nhất, nguồn vốn cung ứng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn tập trung chủ yếu ở một số ngân hàng có chức năng đặc thù phát triển nông nghiệp nông thôn (Agribank), thực hiện vai trò chính sách xã hội (NHCSXH) hoặc do các tổ chức Tài chính Vi mô nhỏ lẻ cung ứng. Quá trình cấp tín dụng nhiều lúc còn mang tính hỗ trợ tạm thời theo hướng trợ cấp chính sách hơn là phát huy vai trò thực sự của dòng vốn tín dụng đúng nghĩa. Thứ hai là, khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các biến động bất thường từ thị trường nông sản hay các yếu tố bất khả kháng như thiên tai. Điều này làm giảm động lực cung ứng vốn cho hộ gia đình nông thôn từ hệ thống cung ứng tín dụng đồng thời làm hạn chế hiệu quả từ nguồn tín dụng hiện tại đang được cung ứng. Thứ ba, tại các khu vực nông thôn hiện nay, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa phát huy được lợi thế theo quy mô, chưa ứng dụng nhiều công nghệ cao và tiến bộ khoa học nhiều vào sản xuất, còn thiếu tính quy hoạch vùng nông sản mang tầm quốc gia và khu vực...
Chính vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả tín dụng ngân hàng với phát triển nông nghiệp nông thôn như:
Một là, tăng cường khả năng cấp tín dụng của các tổ chức cung ứng tín dụng hộ gia đình nông thôn, cần có biện pháp nhằm khai thác triệt để và phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn vốn ưu đãi;
Hai là, giảm thiểu rủi ro đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Chính phủ nên lập quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân và giao cho ngân hàng nắm giữ, phối hợp với các tổ, nhóm nông dân đại diện để giải ngân. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục để nông dân trong các tổ nhóm có bảo lãnh trực tiếp mở tài khoản nhận vốn vay, thanh toán gốc và lãi, gửi tiền tại ngân hàng. Đây là cơ sở để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các TCTD;
Ba là, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của các hộ gia đình nông thôn, cần có cơ chế tạo nên sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ giữa bốn nhà, hình thành nên những chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các vùng kinh tế chuyên canh nhằm hướng tới một nền nông nghiệp được chuyên môn hóa cao...
Mục tiêu của Nghị quyết 26 nêu rõ: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
PV
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ đối với các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và mô hình liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu;
- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định 67/2014/NĐ - CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển ngành thủy sản;
- Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ;
- Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67;
Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 89 của Chính phủ.