Việt Nam sẽ giảm tỷ trọng sử dụng tiền mặt để thanh toán
Cuối năm 2016, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Ngày 25/9/2017, NHNN đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020, đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ. Các biện pháp tổng thể bao gồm tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán; áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi, trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chíp (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC, thanh toán qua QR Code...; sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác; Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến, như tiêu chuẩn thẻ chíp, 3D Secure, xác thực sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization,… phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán...
Quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã, đang và sẽ tạo ra sự thay đổi trong thói quen thanh toán của công chúng. Theo một kết quả khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện vào tháng 10/2016, 70% người tham gia khảo sát cho biết phương thức thanh toán điện tử được ưa chuộng hơn so với phương thức thanh toán truyền thống. Trong tổng số 500 người được khảo sát có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, 29% người tham gia lựa chọn việc mang tiền mặt trong người ít hơn 5 năm về trước, 59% giải thích nguyên nhân do việc sử dụng thẻ nhiều hơn và 56% lo lắng về tính an toàn khi mang theo tiền mặt. Cũng theo khảo sát này, mức độ tin dùng thanh toán điện tử tại Việt Nam trong năm 2016 đã tăng 24% so với năm 2015. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu hết các ngân hàng đã cải tiến, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và core banking, phát triển, tích hợp các hệ thống thanh toán.
Theo số liệu thống kê của ngân hàng Vietcombank, tổng số lượng giao dịch của các kênh thanh toán điện tử qua Mobile banking, Internet banking và SMS banking đã không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây, từ 34 triệu giao dịch năm 2015 tăng lên mức hơn 60 triệu năm 2016 (tương ứng 176% tăng trưởng). Riêng nửa đầu năm 2017, con số này đã đạt mức hơn 36 triệu giao dịch, bằng 60% tổng mức của cả năm 2016. Cùng với đó, giá trị giao dịch cũng tăng từ mức gần 270 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên mức gần 490 nghìn tỷ đồng năm 2016 và đạt gần 300 nghìn tỷ đồng cho riêng nửa đầu năm 2017. Tốc độ tăng trưởng về giá trị giao dịch trong 3 năm lại đây đều ở mức 150% mỗi năm. Còn theo NHNN, tính đến tháng 8/2017, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 11,45% tiếp tục có xu hướng giảm so với mức 14,02% năm 2010. Con số này sẽ càng tích cực hơn khi thanh toán bằng di động với nhiều tiện ích được xuất hiện và dự báo sẽ nhanh chóng thành xu hướng tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện lý tưởng thúc đẩy thanh toán di động. Việt Nam có nhiều lợi thế khi có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng Smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến nay tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016).
Thanh toán không dùng tiền mặt có thể làm thay đổi bảo hiểm tiền gửi như thế nào?
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không chỉ làm thay đổi thói quen chi tiêu của người Việt, mà còn thay đổi hệ thống ngân hàng. Việc thanh toán qua thẻ, qua chuyển khoản, séc hoặc các hình thức thanh toán điện tử sẽ khiến số lượng và tổng giá trị tài khoản thanh toán trong các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Các tài khoản thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG, về bản chất, vẫn được coi là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và nằm trong phạm vi BHTG.
Bên giải pháp thanh toán trực tiếp từ tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng, người tiêu dùng cũng có thể sử dụng tài khoản thanh toán tại các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Bản thân các nhà cung cấp này, để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, lại đặt tài khoản tại các ngân hàng. Trong quá trình gia tăng sử dụng các tài khoản điện tử phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức BHTG và các cơ quan giám sát ngân hàng cần chú ý nhiều hơn tới rủi ro tiền gửi bị sử dụng sai mục đích, bởi nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng, việc gián đoạn thanh toán không chỉ xảy ra với các cá nhân có tài khoản thanh toán tại ngân hàng này mà còn ảnh hưởng tới các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đang lưu trữ tài khoản của khách hàng. Tiền gửi tại ngân hàng sẽ được bảo hiểm tiền gửi theo quy định, nhưng tiền gửi trong tài khoản thanh toán của khách hàng tại các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lại thường không nằm trong phạm vi bảo hiểm.
Tại Hoa Kỳ, Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC) bảo hiểm gián tiếp cho các tài khoản thanh toán trả trước, bao gồm thẻ trả trước (prepaid card), tiền trong tài khoản điện tử được phát hành trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Các tài khoản này phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như: phải là dịch vụ thanh toán linh hoạt (open loop); các khoản tiền phải được đảm bảo bằng một số tiền đặt cọc tại các tổ chức tham gia BHTG; chủ các tài khoản tiền thanh toán điện tử phải là chủ sở hữu chính của các khoản tiền, chứ không phải do các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lập ra thay mặt khách hàng; hồ sơ cập nhật về danh tính chủ tài khoản và số dư tiền gửi phải được lưu trữ đầy đủ. Đáng chú ý, các khoản thanh toán của Chính phủ Liên bang, chẳng hạn như hoàn thuế và các khoản thanh toán an sinh xã hội, chỉ có thể được gửi trực tiếp vào các tài khoản trả trước đáp ứng các yêu cầu của FDIC.
Tại Columbia, theo Luật Phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện (Luật 1734) năm 2014, một hình thức trung gian tài chính mới được thiết lập: các tổ chức chuyên biệt về tiền gửi điện tử và thanh toán. Các tổ chức này, được gọi tắt là SEDPE, được coi là tổ chức có nhận tiền gửi và đặt dưới sự giám sát của Cơ quan giám sát tài chính, cũng như các khoản tiền gửi được bảo hiểm bởi tổ chức BHTG tương tự như tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Mặt khác, các SEDPE cung cấp dịch vụ đặt cọc và giao dịch hạn chế, không được phép cung cấp dịch vụ tín dụng, do đó phải tuân theo một khuôn khổ pháp lý với các yêu cầu ít khắt khe hơn so với các ngân hàng.
Tại Ấn Độ, Luật sửa đổi Luật thanh toán và hệ thống thanh toán năm 2007 có hiệu lực từ tháng 06/2015 quy định các khoản tiền của khách hàng được bảo vệ nếu tổ chức phát hành các công cụ thanh toán trả trước bị mất khả năng thanh toán. Để bảo vệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã quy định rằng, các khaonr tiền chưa thanh toán phải được lưu giữ trong một tài khoản được chỉ định (tài khoản ủy thác) được đặt tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền này được miễn trừ khỏi quyền hạn của bên thanh lý trong trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc ngân hàng phá sản để đảm bảo bảo vệ khách hàng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Luật Hệ thống thanh toán yêu cầu các khoản tiền mà tổ chức thanh toán điện tử nhận được từ khách hàng phải lưu giữ trong các tài khoản quỹ ủy thác cụ thể tại ngân hàng được cấp phép. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử bị mất khả năng chi trả, Luật quy định, khoản tiền gửi trong tài khoản ủy thác phải được sử dụng để bồi thường cho khách hàng đối với bất kỳ thiệt hại phát sinh và để thực hiện nghĩa vụ nợ, bất kể các ưu tiên được đưa ra bởi các luật khác.
Như vậy, một số quốc gia đã có quy định bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử thông qua cơ chế bảo hiểm tiền gửi hoặc thông qua các quy định khác. Đây cũng là điều cơ quan chức năng cần cân nhắc để đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng các dịch vụ này, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Mặt khác, khi người dân đã hình thành thói quen thanh toán mới, tiện lợi hơn, quá trình thanh toán và thay đổi số dư tài khoản sẽ diễn ra rất nhanh và liên tục. Điều này có thể gây những khó khăn nhất định đối với việc theo dõi, lưu trữ dữ liệu về tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm. Tổ chức BHTG một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc đều đã đặt ra những yêu cầu về lưu giữ, thống kê dữ liệu tiền gửi theo một quy chuẩn chặt chẽ, rõ ràng, qua đó, khi tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền có thể sớm được chi trả bảo hiểm.
Cuối cùng, về việc chi trả, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thanh toán điện tử, tổ chức BHTG cũng cần cân nhắc về việc trả tiền bảo hiểm thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc ủy thác ngân hàng thực hiện chi trả. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 cũng nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu, trả lương thu nhập qua tài khoản. Việc chi trả bảo hiểm tiền gửi cũng nên thực hiện theo xu hướng này. Như vậy, thời gian thực hiện chi trả có thể được rút ngắn, số tiền chi trả được kiểm soát rõ ràng, tránh sai sót, cả người gửi tiền và tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro về việc chi thiếu, chi thừa, đồng thời, những khoản tiền bảo hiểm, sau khi được chi trả có thể tiếp tục nằm trong hệ thống ngân hàng./.