Giá USD ngân hàng được điều chỉnh giảm những ngày qua
Sau khi FED tăng lãi suất USD, trái ngược với sự lên giá của đồng USD, tỷ giá VND/USD tại thị trường trong nước lại có xu hướng điều chỉnh giảm. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cũng giảm từ 22.262 VND/USD (áp dụng cho ngày 15/3) xuống 22.254 VND/USD (áp dụng cho ngày 20/3). Giá bán USD tại ngân hàng Vietcombank cũng giảm mạnh từ 22.860 VND/USD (cuối phiên giao dịch ngày 15/3) xuống 22.820 VND/USD (cuối phiên giao dịch ngày 20/3). Những diễn biến của tỷ giá trong nước được cho là bám khá sát diễn biến thị trường thế giới khi đồng USD cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đến cuối tuần qua (25/3), giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, ACB và DongABank đang cùng niêm yết USD ở mức 22.750-22.820 đồng, trong đó, BIDV giảm 5 đồng, ACB và DongABank cùng giảm 10 đồng ở cả hai chiều còn Vietcombank không điều chỉnh tỷ giá so với mức khảo sát sáng qua. Vietinbank cũng giảm 5 đồng ở cả hai chiều, xuống 22.745-22.815 đồng. Tỷ giá tại Eximbank đang là 22.740-22.820 đồng, giảm 10 đồng ở cả hai chiều trong khi Techcombank không điều chỉnh tỷ giá, vẫn ở mức 22.740-22.840 đồng.
Sự "bình thản" của thị trường trong nước trước quyết định tăng lãi suất đồng USD của Fed cho thấy cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM), doanh nghiệp (DN) dường như có sẵn các “kịch bản” ứng phó.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thực chất tác động của việc Fed tăng lãi suất vừa rồi sẽ không diễn ra ngay lập tức vì thị trường đã tính toán trước, đồng thời kỳ vọng một mức tăng cao hơn.
Theo ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng Giám đốc VICO kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn VLC), bản thân DN đã chú ý nhiều hơn tới vấn đề quản trị rủi ro từ trước nên nếu tỷ giá biến động cũng không có nhiều tác động ngay lập tức tới DN. Bởi khi đó, DN có thể sử dụng nguồn ngoại tệ của chính mình để chi trả.
Một số thách thức trong điều hành tỷ giá thời gian tới
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Hồng Hải, thông điệp của Fed cũng cho thấy việc tăng lãi suất USD có thể chưa kết thúc. Ðiều này cho thấy khả năng khá lớn cho việc giá USD biến động theo xu hướng đi lên trong tương lai. Từ đó, tạo một áp lực không nhỏ lên chính sách duy trì ổn định tỷ giá mà NHNN định hướng ngay từ đầu năm.
Bên cạnh áp lực đến từ việc đồng USD tăng giá, theo một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, tỷ giá VND/USD còn chịu áp lực khá lớn bởi lạm phát. Cụ thể, xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, cùng giá nhiều hàng hóa dịch vụ quan trọng trong nước cũng đang trong lộ trình tăng giá như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt,… Ngoài ra, một số yếu tố khác như nhập siêu quay trở lại, dòng kiều hối có dấu hiệu sụt giảm, dòng vốn đầu tư, ngoại tệ của Việt Nam có thể chịu tác động nhất định khi TPP không diễn ra,… Tất cả đều khiến cho mục tiêu giữ ổn định tỷ giá của NHNN gặp nhiều khó khăn.
Lý do được các chuyên gia đưa ra là nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến tối thiểu 3 lần trong năm 2017), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại. "Khi kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo không bị mất lợi thế cạnh tranh", ông Hải nói.
Một điểm đáng quan tâm khác, theo một vị chuyên gia kinh tế tại TP HCM, là khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
Đặc biệt, trong bối cảnh lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam năm 2016 có sự sụt giảm và không đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do lãi suất USD bên ngoài đã hấp dẫn hơn (lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì 0%). Trong một thập kỷ qua, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng, là nguồn ngoại tệ được so sánh với cả vốn FDI và ODA.
Cần kiểm soát tác động của biến động tỷ giá tới xuất nhập khẩu
Trong khi đó, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại cho rằng, rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu. Đây mới là điều cần kiểm soát.
Chung quan điểm, vị chuyên gia kinh tế tại TP HCM cũng nhìn nhận, nhà đầu tư trực tiếp chủ yếu quan tâm tới lợi thế dài hạn của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và các lợi thế so sánh của Việt Nam với các khu vực khác, cũng như chiến lược lâu dài toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền bị rút ra.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận đồng USD tăng giá trong dài hạn là khá rõ ràng bởi các thành viên của Fed đã thống nhất lộ trình tăng lãi suất, tuy rằng mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào "sức khoẻ" của nền kinh tế Mỹ. Và với lộ trình này, việc lựa chọn một kịch bản dài hơi để ứng phó với sự lên giá của đồng USD cũng không hề dễ dàng đối với các DN, nhất là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nếu kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu thì cần phải chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để bảo đảm chúng ta không bị mất lợi thế cạnh tranh.
Giảm sức ép lên tỷ giá
Có thể thấy, sức ép từ thị trường thế giới cũng như trong nước đang tạo nhiều áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Hóa giải những áp lực này là điều không hề dễ dàng khi NHNN đang "gánh" trên vai nhiệm vụ khá nặng nề: Vừa phải duy trì tỷ giá giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa không làm giảm năng lực cạnh tranh của xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, dù không dễ dàng nhưng nếu khéo léo trong điều hành, tỷ giá vẫn giữ được sự ổn định trong tầm kiểm soát của NHNN. Muốn vậy, NHNN cần có thông điệp chính sách ổn định. Các công cụ chính sách tiền tệ cần sử dụng linh hoạt hơn, không cố bằng mọi cách giữ tỷ giá ổn định quá mức mà vẫn bảo đảm năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… Tất cả điều này sẽ tạo niềm tin tốt cho các thành viên tham gia thị trường, từ người dân, ngân hàng đến nhà đầu tư. Sự đồng lòng bao giờ cũng giúp nhà điều hành chính sách vượt khó dễ dàng hơn.
Sự điều hành trong chính sách tỷ giá thời gian qua của NHNN đã phần nào giúp các DN yên tâm, khi đã có những hành động kịp thời để can thiệp, như lên tiếng định hướng thị trường, linh hoạt điều tiết nguồn tiền và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Ðặc biệt, có thời điểm cơ quan này đã đưa ra động thái can thiệp cụ thể hơn, sẵn sàng bán ra USD để can thiệp với mức giá thấp hơn trần biên độ tới 50 VND/USD. Kết hợp với việc công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hằng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, từ đó giảm áp lực tăng tỷ giá. Tuy nhiên, trước những yếu tố không thuận lợi từ diễn biến kinh tế-chính trị trên thế giới cũng như kinh tế trong nước đang khiến cho những dự báo về biến động tỷ giá ngày càng trở nên khó đoán định.
Bên cạnh sự chủ động trong điều hành chính sách của NHNN, một yếu tố không kém phần quan trọng giúp các DN tránh được những "cú sốc" liên quan đến tỷ giá chính là sự chủ động, nhạy bén của bản thân các DN. Theo các chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường với sự hội nhập sâu, rộng như hiện nay, đòi hỏi các DN phải chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. DN cần có thêm kiến thức về tài chính tiền tệ để có kế hoạch kịp thời ứng phó, cũng như đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.