Không mất tiền ngay cả khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 11 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) ra đời vào thời điểm sự đổ vỡ hệ thống hợp tác xã những năm 1990 còn đè nặng lên tâm lý người dân. Phần lớn người gửi tiền không còn muốn đến với những tổ chức tín dụng vì tiền thân của nó đã gây cho họ sự mất mát về niềm tin quá lớn. Sự xuất hiện của Bảo hiểm tiền gửi lúc đó làm xóa đi hết những nghi ngại trước đây, giúp bà con cảm thấy công sức và sự giành giụm của mình bỏ ra chẳng phải lo một ngày nào đó bị mất trắng.
Tiền gửi đương nhiên được bảo vệ
Làm thế nào để tiền gửi được bảo đảm?
Hầu hết những khoản tiền gửi vào các tổ chức tham gia BHTG bằng đồng Việt Nam thì khoản tiền gửi đó đương nhiên đã được bảo hiểm.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước; ngân hàng thương mại cổ phần; ngân hàng liên doanh; chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính; quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức nhận tiền gửi khác theo quy định của Pháp luật phải tham gia bảo hiểm tiền gửi một cách bắt buộc. Người gửi tiền cũng không phải băn khoăn tra cứu hay mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm xem đâu là tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Điều đó được dễ dàng nhận biết qua Chứng nhận BHTG và Nội dung của việc BHTG được niêm yết công khai ở nơi dễ quan sát tại quầy giao dịch của mỗi tổ chức tín dụng.
Ai là người đóng phí BHTG?
Tuy được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách BHTG nhưng khác với các loại hình bảo hiểm thông thường khác, người gửi tiền không phải đóng phí..Trách nhiệm nộp phí BHTG thuộc các tổ chức tham gia BHTG theo tỷ lệ 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm .Nguồn thu phí này sẽ được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ - Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật.
Vốn hoạt động của BHTGVN bao gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, vốn vay khi được Thủ tướng cho phép, vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước(nếu có), vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định do Nhà nước cấp(nếu có), vốn khác, các khoản chênh lệnh do đánh giá lại tài sản, các loại Quỹ (quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm, quỹ đầu tư phát triển).
Khi TCTD đổ vỡ, làm thế nào để nhận được tiền bảo hiểm?
Khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản hoặc giải thể, tổ chức tham gia BHTG sẽ đứng ra chi trả số tiền bảo hiểm cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của mỗi khách hàng tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 50 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Nếu khoản tiền gửi lớn hơn mức 50 triệu đồng sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tổ chức tham gia BHTG bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Người đến nhận tiền, bên cạnh việc có tên trong danh sách được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt (thường là hầu hết số người gửi có tài khoản tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi) phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp các khoản tiền được bảo hiểm do tổ chức tham gia BHTG phát hành và chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực và đầy đủ giấy tờ theo hướng dẫn của Bảo hiểm tiền gửi.
Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã thực hiện chi trả tiền gửi cho hơn gần 2000 người gửi tiền với số tiền gần 20 tỷ đồng ở một số Quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ nằm rải rác các tỉnh thành phố nước. Chi trả kịp thời đáp ứng được sự mong đợi của người gửi tiền nhất là trong việc giải tỏa tâm lý bất an mà không kéo tới rút tiền hàng loạt từ đó chặn đứng nguy cơ lan truyền.
BHTGVN thay mặt người dân giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia BHTG
Ngoài ra, bên cạnh những chức năng kể trên còn phải kể đến một chức năng mà ít người gửi tiền biết đến, đó là chức năng giám sát, kiểm tra. Việc giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện những vi phạm về an toàn và những dấu hiệu suy giảm trong hoạt động để tổ chức tham gia BHTG có những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính - ngân hàng.
Vai trò của BHTGVN là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Hiện nay, BHTGVN đang thực hiện việc bảo vệ cho hơn 10 triệu người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Người gửi tiền – trên thực tế, không phải ai cũng có đầy đủ những thông tin chính xác về tổ chức tín dụng. Và cũng thực tế, họ không có khả năng giám sát được hoạt động của các ngân hàng. Vì thế, BHTGVN với chức năng bảo vệ người gửi tiền sẽ thay mặt họ đứng ra giám sát hoạt động ngân hàng.
BHTGVN có vai trò và trách nhiệm giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG để góp phần hạn chế tối đa tổn thất cho xã hội.Nếu phát hiện tổ chức tham gia BHTG vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, DIV có quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG phải có biện pháp khắc phục ngay tình trạng vi phạm đó, báo cáo với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ tài chính để có biện pháp phối hợp theo dõi, xử lý, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, chính sách về BHTG qua thực tiễn kiểm nghiệm đã đi vào cuộc sống, trở thành định chế tài chính quan trọng của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo niềm tin cho công chúng đối với hệ thống ngân hàng tài chính quốc gia.
Tổ chức tín dụng đổ vỡ - người dân có mất tiền gửi?
Khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, liệu tiền gửi của dân có bị mất khi tổ chức tín dụng đó bị đổ vỡ? Người dân phải làm gì để tiền gửi của mình được bảo đảm? Tổ chức nào thay mặt người dân giám sát, kiểm tra thường xuyên hoạt động ngân hàng? Đó là những câu hỏi thường xuyên đặt ra với rất nhiều người gửi tiền. Bài viết này sẽ đưa ra những thông tin khái quát nhất về những quan tâm đó.