Thời gian qua, vấn đề lãi suất - tỷ giá là những biến số thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Diễn biến của các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng của thị trường, đồng thời có quan hệ chặt chẽ với tính ổn định của nền kinh tế. Bài viết xin tập trung phân tích và đưa ra một số nhận định từ góc độ chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) liên quan đến vấn đề này.
Diễn biến về lãi suất – tỷ giá nửa đầu năm 2015
Những tháng đầu năm 2015, tình hình lãi suất có nhiều xu hướng tích cực. Cuối năm 2014, lãi suất huy động giảm bình quân 0,11% từ 6,04%/năm xuống còn 5,93% và giữ nguyên trong cuộc khảo sát tháng 1/2015. Chênh lệch về biên độ lãi suất cho vay trung hạn giữa các ngân hàng là 1,6 % (dao động từ 9-10,6%) .
Cuối tháng 6/2015, lãi suất huy động không kỳ hạn tăng 0,06%/năm so với Quý 1/2015; lãi suất huy động bằng VND có kỳ hạn 1 tháng tối đa 5,1%/năm, tăng 0,13%; có kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 5,5%/năm, giảm 0,02%; có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tối đa 6,4%, giảm 0,06%; có kỳ hạn trên 12 tháng tối đa 8%/năm, tăng 0,07%. Lãi suất huy động USD vẫn giữ phổ biến ở mức 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,25% đối với tiền gửi của tổ chức. Lãi suất cho vay quý 2/2015 tương đối ổn định so với quý trước, lãi suất cho vay ngắn hạn không đổi so với quý trước, lãi suất cho vay trung hạn tăng 0,5% so với cuối quý 1/2015.
Đến nay, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá tăng từ 21.246 VND lên 21.458 VND. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá tăng 1% lên 21.673 VND và lần thứ ba là ngày 12/8 với biên độ tỷ giá tăng từ mức +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240VND/USD.
Nguyên nhân dẫn đến lần điều chỉnh thứ 3 này là do đồng Nhân dân tệ phá giá và mục tiêu chủ động dẫn dắt thị trường của NHNN để đón đầu các tác động bất lợi của việc Fed có thể tăng lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 1636/QĐ-NHNN ngày 18/8/2015 quy định về việc điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la, theo đó, biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được điều chỉnh tăng từ +/-2% lên +/-3%.
Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
…và một số tác động
Việc lãi suất và tỷ giá biến động thời gian qua không tránh khỏi những tổn thất cho doanh nghiệp, người gửi tiết kiệm và ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc neo tiền đồng theo USD, trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh do giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác. Với nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ gây bất lợi vì chúng ta nhập khẩu hàng hóa đa số trả bằng USD, mặt hàng nội địa trong nước cũng sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên.
Đối với người gửi tiền và ngân hàng, việc lãi suất tăng không nhiều so với tốc độ tăng giá của USD khiến tâm lý người gửi tiền lo ngại giữ tiền đồng và chuyển sang giữ tiền USD, vàng khiến các ngân hàng gặp khó khăn khi huy động vốn. Để giữ chân người gửi tiền, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, nhưng lãi suất cho vay không thể tăng do đi ngược với chủ trương của NHNN. Chính vì vậy, ngân hàng phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận (lãi suất huy động và lãi suất cho vay phải chênh lệch tối thiểu 2% ngân hàng mới đủ hòa vốn). Chưa kể khi người dân giữ vàng và USD phải đối mặt với rủi ro vàng hoặc USD giảm.
Các biện pháp ứng phó kịp thời
(i) Điều chỉnh tỷ giá, biên độ, lãi suất: Trước những biến động lớn trên thị trường, NHNN đã có những biện pháp xử lý như tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% ngày 12/8 và đến ngày 19/8, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1%, đồng thời nới rộng thêm biên độ lên +/-3%, qua đó giúp tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, đồng thời tạo sự ổn định cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tối 27/9, NHNN thông báo hạ trần lãi suất gửi USD với cá nhân từ 0,75%/năm xuống còn 0,25%/năm. Song song với việc hạ trần lãi suất tiền gửi USD với dân cư, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định tổ chức gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ này sẽ không còn được hưởng lãi kể từ 28/9. NHNN cho biết việc hạ trần lãi suất USD nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ và góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.
(ii) Dự trữ và cung ứng đủ nhu cầu ngoại tệ: NHNN cũng không ngừng mua ngoại tệ và cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp để bình ổn tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra, điều hành chính sách dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích giữa tất cả các ngành.
(iii) Kiểm soát lạm phát: Lạm phát là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền đồng. Hiện nay, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát cơ bản ở mức 2%- 3%. Đây là mức lạm phát cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.
(iv) Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền: Sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, biên độ, lãi suất; NHNN luôn triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền để ổn định tâm lý người dân trước những thay đổi về chính sách, qua đó giúp tránh tình trạng người dân do mất niềm tin vào đồng nội tệ, dẫn đến rút tiền đồng chuyển sang găm giữ USD...
Đối với NHTM
Để tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền đồng đầu cơ sang giữ USD, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để người gửi tiền yên tâm gửi tiền đồng vào ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã đưa ra một số sản phẩm tiền gửi có quà tặng, tăng thêm lãi suất thỏa thuận, qua đó góp phần trấn an tâm lý người gửi tiền.
Chính sách BHTG và vấn đề thay đổi lãi suất, tỷ giá
Khi lãi suất ổn định, tỷ giá VND/USD tăng, tâm lý người gửi tiền có xu hướng chuyển đổi tiền tiết kiệm sang USD hoặc vàng vì sợ tiền đồng mất giá. Nhưng nếu so sánh việc đầu tư vào USD với gửi tiết kiệm bằng VND trong ngắn hạn, rõ ràng tiết kiệm VND an toàn hơn.
Khi người dân mua và gửi USD được lãi suất 0,25%/năm và thêm 3% tăng tỷ giá tối đa được 3,25%/năm, cộng thêm yếu tố lạm phát 2%-3% thì cũng chỉ ở mức 5,25%-6,25%. Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ngắn hạn khoảng 5%/năm đến 6,1%/năm tùy kỳ hạn và tùy chính sách của từng ngân hàng thì lãi suất có thể tăng từ giờ đến cuối năm.
Theo chuyên gia
kinh tế Nguyễn Minh Phong, lãi suất tiền gửi của ngân hàng hiện vẫn cao hơn lạm phát nhiều lần (lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,83%) và cao hơn mức mất giá của tiền đồng hiện nay nên đã cân bằng được lợi ích của người dân đang gửi đồng Việt Nam hay nói cách khác, lãi suất tiết kiệm vẫn đang đủ bù mất giá VND. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là tiền gửi tiền kiệm bằng Việt Nam đồng luôn được bảo hiểm với hạn mức được quy định theo Luật BHTG, còn ngoại tệ và vàng không được bảo hiểm khi xảy ra sự cố tại tổ chức tín dụng.
Hiện nay, NHNN đang có những điều chỉnh về chính sách tiền tệ phù hợp và kịp thời để ứng phó với những biến động trên thị trường tài chính. Trong bối cảnh này, người gửi tiền cần thận trọng và tin tưởng vào những quyết sách của NHNN, tránh chạy theo tâm lý đám đông để không bị tổn thương bởi những diễn biến phức tạp trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
(1) Triển vọng lãi suất nửa cuối năm 2015 – TS. Nguyễn Minh Phong và Nguyễn Trần Minh Trí –Tạp chí Ngân hàng số 16- tháng 8/2015.
(2) Báo cáo giám sát ngân hàng của BHTGVN
(7) http://www.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/gui-tien-tiet-kiem-van-lai-tot-truoc-bien-dong-ty-gia-c161a733974.html