Điểm chung của Chiến lược tài chính toàn diện và Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi
Khái niệm tài chính toàn diện được định nghĩa trên nhiều khía cạnh khác nhau. Ngân hàng Thế giới (WB, 2018) định nghĩa: tài chính toàn diện là khả năng các cá nhân và doanh nghiệp truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Theo Leyshon & Thrift (1996), tài chính toàn diện là quá trình các nhóm xã hội, cá nhân nghèo và thiệt thòi được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Tuy có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tài chính toàn diện nhưng hầu hết các nghiên cứu đều có sự thống nhất về mục tiêu của tài chính toàn diện. Hannig và Jansen (2010) và Garcia (2016) đều có cùng quan điểm về mục tiêu của tài chính toàn diện, đó là: thu hút các cá nhân và nhóm tổ chức xã hội không sử dụng dịch vụ ngân hàng tham gia vào hệ thống tài chính chính thức, nơi họ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính bao gồm tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, v.v.
Liên Hợp quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt được 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhóm G20 xác định tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển của mình. Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là 1 trong 3 trụ cột cho tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực. Đến nay, có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Tại Việt Nam, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng (TCTD); số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ bao trùm đến tất cả người dân, đặc biệt là các đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đối tượng là người dân thường gặp khó khăn, người nghèo hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và cũng là khu vực tạo công ăn việc làm rất lớn cho người dân hay phụ nữ - đối tượng vừa quản lý chi tiêu cho gia đình, vừa là người đi vay vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh cho cuộc sống. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Qua đó, Chiến lược hướng đến thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác. Đây cũng là đối tượng tuyên truyền mà trọng tâm chính sách BHTG hướng đến.
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của BHTGVN có nêu rõ tổ chức BHTG tích cực phối hợp với Vụ Truyền thông NHNN và các đơn vị báo chí truyền thông triển khai tuyên truyền chính sách BHTG cũng như Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chính sách BHTG cũng như sứ mệnh của tổ chức BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính trong nền kinh tế. Khi người gửi tiền có kiến thức và niềm tin vào các tổ chức tài chính, sẽ thúc đẩy các giao dịch tài chính và khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm.
Như vậy, Chiến lược tài chính toàn diện và Chiến lược phát triển BHTG có điểm chung là đều hướng tới bảo vệ tất cả người dân, đặc biệt là số đông người gửi tiền ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, chính sách BHTG và tổ chức BHTGVN có những đóng góp trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.
Vai trò của BHTGVN góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI, 2014), tổ chức BHTG bảo vệ quyền lợi người gửi tiền qua bốn nghiệp vụ chính: Thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng, giám sát và kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả. Như vậy, tổ chức BHTG góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện bằng cách củng cố niềm tin của người gửi tiền vào tổ chức tài chính và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng, qua đó khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu về vai trò của tổ chức BHTG trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện (IADI, 2013) cho thấy mối liên hệ giữa hai yếu tố này chỉ ở mức gián tiếp. [NTTHB1]
Bảo hiểm tiền gửi và Tài chính toàn diện – Nguyên tắc BHTG hiệu quả, IADI, 2014
Thông tin tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến người sử dụng tài chính liên quan đến tài chính toàn diện bao gồm: kiến thức về các sản phẩm tài chính và niềm tin. Thiếu niềm tin sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu các quốc gia không giám sát chặt chẽ hoặc không quản lý tốt đối với tổ chức tài chính, hoặc chưa có hoặc chưa đầy đủ thông tin qua các chương trình bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Nâng cao nhận thức công chúng là một trong bốn nghiệp vụ chính của tổ chức BHTG (IADI, 2014) nhằm bảo vệ người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, đồng thời nâng cao hiểu biết về quyền lợi bảo hiểm của người gửi tiền, khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Theo đó, BHTGVN đã xây dựng và đang triển khai Đề án truyền thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể làthực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG qua nhiều kênh, phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức người gửi tiền.
Thời gian qua, BHTGVN luôn tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng, cụ thể: BHTGVN tích cực phổ biến thông tin chính thống về chính sách, quy định mới về tài chính – ngân hàng nói chung cũng như về chính sách và hoạt động của tổ chức BHTG trong nước và quốc tế nói riêng qua một loạt các kênh như: trang thông tin điện tử BHTGVN div.gov.vn, Bản tin BHTG; các kênh thông tấn, báo chí uy tín như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Tạp chí của Hiệp hội Ngân hàng), Tạp chí Tài chính, Báo Công thương, Báo Đầu tư, v.v.; tuyên truyền thông qua hệ thống Bưu điện Việt Nam v.v. Đặc biệt, Chi nhánh BHTGVN các khu vực thường xuyên tổ chức các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG ở nhiều điểm tại nhiều tỉnh/ thành phố trên cả nước. Những sự kiện tuyên truyền này hướng tới đối tượng là người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân, cán bộ tại các tổ chức tham gia BHTG, sinh viên tại trường đại học - những người sử dụng dịch vụ tài chính, người gửi tiền tương lai.
Giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ
BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền qua việc triển khai các nghiệp vụ chuyên môn BHTG như: giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Tính đến nay, BHTGVN đã tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ với nỗ lực đóng góp vào thành tích chung ngành Ngân hàng. Hiện nay, BHTGVN bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG [NTTHB2] (bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô). BHTGVN cùng các Chi nhánh trên cả nước tiếp tục thực hiện giám sát thường xuyên 100%, kiểm tra định kỳ tổ chức tham gia BHTG theo kế hoạch của BHTGVN và của NHNN giao, tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Tham gia kiểm soát đặc biệt
Về khuôn khổ pháp lý, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (2022) đề cập đến tăng cường sự tham gia của BHTGVN trong xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như nghiên cứu, đề xuất các biện pháp xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Gần đây nhất, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định rõ hơn về nhiệm vụ, vai trò của BHTGVN tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD, làm cơ sở để BHTGVN góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Cụ thể, BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi của 2 biện pháp cơ cấu lại QTDND được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi và phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp; cho vay đặc biệt theo quy định của pháp luật về BHTG trong cả trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị rút tiền hàng loạt.
Chi trả
Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG của BHTGVN đối với tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN sẽ thực hiện nghiệp vụ chi trả BHTG cho người gửi tiền được bảo hiểm. Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tài chính đó. Theo thống kê của BHTGVN, hạn mức 125 triệu đồng có thể bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% cá nhân người gửi tiền tại thời điểm hạn mức này có hiệu lực (năm 2021). Tuy nhiên, mới đây, Luật Các TCTD năm 2024 có cập nhật hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD (do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Nhờ vậy, quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo vệ tốt hơn, qua đó người gửi tiền chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Hiện nay, thời hạn chi trả tiền BHTG tối đa là 60 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Xuất phát từ thực tiễn và năng lực hiện tại, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra mục tiêu phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030, người gửi tiền luôn được đảm bảo quyền lợi một cách nhanh chóng, chính xác.
Có thể nói, BHTGVN đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách BHTG, triển khai đồng bộ các phương pháp nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.
BHTGVN tập trung nguồn lực góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện
BHTGVN phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ban, ngành liên quan nhằm triển khai hiệu quả tài chính toàn diện trong mối tương quan với các chính sách về tài chính - ngân hàng và BHTG.
Bên cạnh đó, BHTGVN đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là Luật BHTG sửa đổi sắp tới nhằm đáp ứng sự đổi mới của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân.
BHTGVN đã và đang chủ động nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG; tích cực thay đổi, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và các kênh tuyên truyền tới đối tượng phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các tổ chức nhận tiền gửi quy mô nhỏ, ở vùng sâu vùng xa như QTDND, tổ chức tài chính vi mô để tổ chức thêm nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người gửi tiền và người dân địa phương. Đặc biệt, chú trọng triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền định kỳ thông qua điều tra, khảo sát.
Cùng với đó, BHTGVN tiếp tục tích cực chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và thông lệ quốc tế trong việc điều chỉnh hạn mức chi trả, nghiên cứu về loại tiền gửi được bảo hiểm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường tài chính, ngân hàng.
TS. Phạm Bảo Khánh
– Thành viên Hội đồng quản trị BHTGVN
Tài liệu tham khảo:
Luật Bảo hiểm tiền gửi (2012);
IADI (2014). Core principles for effective deposit insurance systems;
Leyshon, Andrew & Thrift, Nigel. (1996). Financial Exclusion and the Shifting Boundaries of the Financial System. Environment and Planning A. 28;
Hannig, A., and S. Jansen. 2010. Financial Inclusion and Financial Stability: Current Policy Issues. ADBI Working Paper, pages 259;
M J Roa Garcia, 2016. "Can financial inclusion and financial stability go hand in hand?," Economic Issues Journal Articles, Economic Issues, vol. 21(2), pages 81-103, September;
Morgan, P. J., Y. Zhang, and D. Kydyrbayev. 2018. Overview of Financial Inclusion, Regulation, Financial Literacy, and Education in Central Asia and South Caucasus. ADBI Working Paper 878. Tokyo: Asian Development Bank Institute. Available: https://www.adb.org/publications/financial-inclusion-regulation-literacy-education-central-asia-south-caucasus