Thông tin cập nhật về hoạt động của VAMC cho hay, tuy đã mua nợ xấu từ 42 tổ chức song đến hiện nay, có một ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu “gửi” tại VAMC nên số tổ chức tín dụng đang nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC là 41, với lũy kế tổng giá mua 205.659 tỉ đồng trên tổng dư nợ gốc 233.685 tỉ đồng (xem chi tiết trong bảng dưới).
Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Cụ thể trong đó: tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỉ đồng, chiếm 62%; tài sản trên đất trị giá 31.308 tỉ đồng, chiếm 7,2%; giấy tờ có giá trị giá 12.902 tỉ đồng, chiếm 3%; máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỉ đồng, chiếm 5,1%; phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỉ đồng, chiếm 4,2%; quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỉ đồng, chiếm 2,7%; quyền phát sinh tài sản 34.805 tỉ đồng, chiếm 8,0%; các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỉ đồng, chiếm 7,8%.
Công ty cho biết đã thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và đã từng bước triển khai các công việc cụ thể như đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các tổ chức tín dụng để thống nhất phương án triển khai. Song do còn nhiều vướng mắc việc mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Thời gian qua, sau khi bàn bạc với các tổ chức tín dụng bán nợ về các biện pháp xử lý dự kiến đối với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, VAMC đã phân loại nợ đã mua theo các biện pháp xử lý nợ.
Các biện pháp đã và sẽ được thực hiện thời gian tới gồm: cơ cấu lại nợ (bao gồm việc điều chỉnh lãi suất theo dư nợ gốc của khoản nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo dư nợ gốc, miễn giảm lãi; bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm; khởi kiện tại tòa; đôn đốc, thu hồi nợ.
Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 50.165 tỉ đồng, bao gồm cả việc thu từ bán nợ và bán tài sản đảm bảo.