Về vấn đề lãi suất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là để lãi suất tự do thả nổi trên thị trường. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng. Theo quy định của dự luật, Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm công bố lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi.
Về thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, luật này quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và các biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Về góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù, luật này chỉ cho phép Ngân hàng Nhà nước góp vốn thành lập doanh nghiệp không nhằm mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận, mà nhằm thực thi một số chức năng, nhiệm vụ đặc thù của một ngân hàng Trung ương như thành lập nhà máy in tiền quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán quốc gia...Ngân hàng Nhà nước không tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác ngoài chức năng nhiệm vụ của mình. Về vấn đề quản lý Nhà nước về BHTG theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi): “Có ý kiến cho rằng cần quy định NHNN thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến của đại biểu, tuy nhiên trong thời gian trước mắt khi chưa có Luật bảo hiểm tiền gửi, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi sẽ do Chính phủ quy định, phân công cụ thể về thẩm quyền quản lý nhà nước của NHNN đối với lĩnh vực này; khi dự án Luật bảo hiềm tiền gửi được trình Quốc hội xem xét, thông qua (theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, thì dự án Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII) thì việc quản lý nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định của Luật. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh sửa như sau: Ngân hàng Nhà nước “thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi”. Nội dung này được quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi.