Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Xuân Thảo- Đại biểu quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Dưới góc nhìn của một nhà lập pháp, ông có thể cho biết tại sao nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh chính sách BHTG trong và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế?
TS. Đinh Xuân Thảo: Như chúng ta đã biết, BHTG là một công cụ tài chính được Nhà nước sử dụng để bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Trong trường hợp một ngân hàng bị đổ vỡ, tâm trạng của người dân rất hoang mang.
Nếu sự hoang mang này lan rộng trong cộng đồng có thể dẫn tới sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng vì người gửi tiền đua nhau đi rút tiền gửi. Để “điều trị” căn bệnh đó thì BHTG được ví như một “liều thuốc kháng sinh và vaccine” hiệu quả.
“Thuốc kháng sinh” dùng để chữa trị ngay tức khắc vì BHTG thực chi trả tiền gửi ngay cho người gửi tiền khi ngân hàng bị sụp đổ. BHTG là “Vaccine” phòng bệnh, vì có BHTG người dân yên tâm, và phòng tránh được hiện tượng rút tiền hàng loạt.
Các quốc gia họ điều chỉnh chính sách BHTG vì “thuốc kháng sinh” và “vaccine” không đủ liều thì không thể điều trị được bệnh. Ví dụ nếu hạn mức chi trả thấp thì sẽ không tạo được niềm tin cho công chúng.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia phải tuyên bố tăng hạn mức chi trả tiền gửi như hạn mức chi trả của Mỹ là 100.000 USD nhưng khi khủng hoảng kinh tế hạn mức đó được nâng lên 250.000 USD hoặc rất nhiều các quốc gia tuyên bố bảo hiểm 100% các khoản tiền gửi.
- Sự điều chỉnh chính sách BHTG của các quốc gia thường tập trung vào những điểm nhấn gì, thưa ông?
-TS. Đinh Xuân Thảo: Họ điều chỉnh nhiều vấn đề trong đó có 2 vấn đề cốt lõi nhất đó là nâng cao hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm và tăng tính độc lập cho tổ chức BHTG.
-Theo ông, tại sao cần phải tăng tính độc lập cho tổ chức BHTG và tăng như thế nào?
-TS. Đinh Xuân Thảo: Vì thực tế đã chứng minh, khi tổ chức BHTG độc lập thì hiệu qủa của chính sách BHTG được nâng lên thông qua việc người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn, và giảm thiểu chi phí cho ngân sách nhà nước trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng. Tính độc lập ở đây được hiểu là độc lập với hệ thống ngân hàng.
- Độc lập với hệ thống ngân hàng có nghĩa là như thế nào?
-TS. Đinh Xuân Thảo: Độc lập với hệ thống ngân hàng có nghĩa là hệ thống BHTG thông thường không nằm trong cơ quan nhận và quản lý tiền gửi, ngân hàng. Trong số hơn 100 quốc gia có hệ thống BHTG, hầu hết tổ chức BHTG là một tổ chức hoặc cơ quan độc lập, riêng biệt và không trực thuộc ngân hàng TW hoặc cơ quan giám sát ngân hàng.
Các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philipines, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia đều theo mô hình độc lập. Bangladesh, Kenya, Slovenia, Đảo Sip, Lào, Srilanka là những nước hệ thống BHTG thuộc ngân hàng TW.
- Là đại biểu quốc hội, ông có thể cho biết đánh giá của ông về chính sách bảo vệ người gửi tiền của nước ta hiện nay?
-TS. Đinh Xuân Thảo: BHTG mới thành lập được 10 năm, đã hình thành và phát triển hệ thống từ TW đến địa phương và đã có đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc bảo vệ người gửi tiền. Trong thực tế, BHTG VN đã thực hiện chi trả tiền gửi cho người gửi tiền ở một số Quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ, tạo niềm tin cho công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách về BHTG tại nước ta vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc bảo vệ người gửi tiền.
Cơ sở hạ tầng pháp lý điều chỉnh hoạt động này chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTGVN (chưa có Luật BHTG) và chưa đồng bộ với pháp luật điều chỉnh về hoạt động ngân hàng ( Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng).
Chính sách BHTG còn nhiều bất cập ví dụ như hạn mức chi trả tiền gửi còn thấp, chức năng, mô hình tổ chức BHTG, sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính chưa rõ ràng…
- Ông có đề xuất gì để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền?
-TS. Đinh Xuân Thảo: Chúng ta cần sửa đổi chính sách bảo vệ người gửi tiền cho phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế. Sự điều chỉnh này cần làm càng sớm càng tốt vì ở các nước chính sách BHTG được điều chỉnh ngay trong và sau khủng hoảng tài chính. Sự phản ứng chính sách đó là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn khách quan.
Trong thực tế, chúng ta cần nâng hạn mức chi trả tiền gửi, cần tạo một thiết chế để tổ chức BHTGVN độc lập với cơ quan quản lý tiền gửi và thể chế hóa bằng Luật BHTG để có hiệu lực pháp lý cao hơn đồng bộ với Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới vào tháng 5/2010. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.