Ông Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thời gian qua, BHTGVN có nhiều đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động, đóng góp tích cực vào kết quả chung của ngành Ngân hàng, đặc biệt là trong công tác cơ cấu lại và xử lý QTDND yếu kém thông qua việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06/CTTTg ngày 12/3/2019 của TTCP và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
BHTGVN đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN và các cơ quan liên quan thống nhất định hướng về một số chính sách trọng tâm trong đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG. Các mặt công tác khác như: quản trị, điều hành, kiểm tra, giám sát, quy trình nghiệp vụ, tài chính, kế toán, thông tin tuyên truyền, công tác
cán bộ, đào tạo, đoàn thể…. tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và đạt nhiều kết quả tích cực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để BHTGVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Trong thời gian tới, BHTGVN phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào một số trọng tâm như: Nghiên cứu, phối hợp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong tái cơ cấu, xử lý các TCTD gặp khó khăn; Phối hợp tích cực với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các QTDND yếu kém và thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN trong việc kiểm tra QTDND; Triển khai Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đổi mới và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo, điều hành v.v.
PGS, TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Nếu như bảo hiểm thương mại kinh doanh với mục đích sinh lợi, thì BHTGVN hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đối với BHTG tại Việt Nam, người gửi tiền là bên được bảo vệ, song trách nhiệm đóng phí thuộc về các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi.
BHTGVN cần hướng tới là xây dựng, gìn giữ niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng thông qua nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách BHTG. Đặc biệt, truyền thống chính sách BHTG nên tập trung vào các giải pháp như: giữ được vai trò chủ đạo trong truyền thông chính sách; góp phần tạo sự đồng thuận xã hội; lấy người dân làm trung tâm; tận dụng triệt để ưu thế truyền thông trong thời đại Cách mạng 4.0 và chú trọng đào tạo đội ngũ làm truyền thông chính sách.
TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng
Xu thế hội nhập về kinh tế cùng với xu hướng áp dụng các sản phẩm được phát triển trên nền tảng công nghệ cao, hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của BHTGVN. Trong bối cảnh đó, BHTGVN càng thể hiện rõ là một kênh quan trọng giúp Chính phủ giám sát rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD và an ninh tài chính quốc gia.
BHTGVN luôn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nhằm thu hút tối đa nguồn vốn tiết kiệm từ dân cư, phục vụ cho phát triển kinh tế đồng thời gián tiếp bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ khác như kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. BHTGVN đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho các TCTD trong việc củng cố, duy trì và làm tăng lòng tin toàn xã hội trong việc mở rộng hoạt động huy động vốn; trở thành một kênh giám sát, tham mưu cho NHNN đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các TCTD.
BHTGVN cần xác định những định hướng trong tương lai nhằm hướng đến đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế: nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi; phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư; tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam v.v.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
BHTGVN với tư cách là cơ quan trực tiếp triển khai chính sách BHTG, bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng đóng một vai trò tích cực trong quá trình lành mạnh hóa, tái cơ cấu các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Điều này thể hiện thông qua các nghiệp vụ mà BHTGVN đã được giao tại Luật BHTG như: cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả… Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua vào năm 2017, BHTGVN tiếp tục được giao thêm những chức năng, nhiệm vụ mới như tham gia đánh giá phương án phục hồi của QTDND, cho vay đặc biệt đối với TCTD… Với các chức năng nhiệm vụ mới được giao, BHTGVN đã “xung trận” một cách mạnh mẽ hơn, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các QTDND.
Để BHTGVN có thể phát huy tối đa năng lực của mình với vai trò là điểm tựa củng cố và phát triển hệ thống QTDND, cần có những giải pháp mang tính hệ thống như: Sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để các quy định của Luật chuyên ngành này trở nên thống nhất, thông suốt với các Luật khác; xác định rõ vị trí, vai trò cụ thể của tổ chức BHTG trong quá trình can thiệp, xử lý TCTD quy mô nhỏ gặp vấn đề, cụ thể là các QTDND. BHTGVN cần được sử dụng như một chốt chặn, đứng ra can thiệp trước khi quá trình đổ vỡ xảy ra trên nguyên tắc chi phí tối thiểu, qua đó hạn chế thiệt hại đối với người gửi tiền, nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Nghiên cứu, sớm triển khai tính phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro để khuyến khích các TCTD, trong đó có các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, nâng cao kỷ luật thị trường. Không ngừng nâng cao năng lực tài chính và nguồn nhân lực để sẵn sàng nhận các nhiệm vụ quan trọng hơn, phức tạp hơn trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nói chung và cơ cấu lại hệ thống QTDND nói riêng.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND
BHTGVN là một định chế tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính quốc gia, cùng với các cơ quan như NHNN, Giám sát tài chính quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hợp nhất liên quan tới rủi ro quốc gia, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
BHTG có vai trò tác động thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng hướng tới thu hút tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cộng đồng xã hội trên cơ sở các bên cùng có lợi. Đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTG góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hàng chục triệu người gửi tiền. Đối với hệ thống các TCTD, BHTG tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và thúc đẩy huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển. Từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
Trong những năm qua, BHTGVN đã thực hiện chi trả tiền gửi bảo hiểm và tham gia hội đồng thanh lý đối với 39 QTDND bị giải thể bắt buộc với số tiền là 26,780 tỷ, số người được chi bảo hiểm là 1.795 người. Ngoài ra, BHTGVN còn thực hiên các hoạt động mang tính cảnh báo sớm, như hỗ trợ các QTDND trong việc giám sát hoạt động tiền gửi, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% QTDND. BHTG đã cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các QTDND bị kiểm soát đặc biệt, phối hợp, góp ý kiến phương án NHTM tham gia xử lý QTDND cũng như hỗ trợ chi trả người gửi tiền tại các QTDND.
Để vai trò của BHTG phát huy đúng bản chất của nó là chỉ trả tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức nhận tiền gửi không có khả năng chi trả, cần thiết phải chỉnh sửa Luật BHTG, cho phép BHTGVN chi trả trong trường hợp QTDND bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt (chứ không chỉ phá sản), đồng thời hỗ trợ chi trả khi các QTDND mất khả năng thanh toán. Điều này rất phù hợp với mô hình, đặc điểm hoạt động của các QTDND đồng thời sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an
Trong bối cảnh hoạt động tín dụng đen gia tăng và trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn, tổ chức BHTG cần khuyến nghị người dân có tiền nhàn rỗi nên gửi vào các tổ chức tín dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức tín dụng tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền cho người gửi tiền hoặc phá sản thì vẫn được bảo đảm khả năng hoàn trả tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, việc làm trên góp phần hạn chế các đối tượng hoạt động tín dụng đen huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân; duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng; hạn chế các những rủi ro từ việc hệ thống tín dụng đen đổ vỡ hoặc phát sinh những phức tạp về trật tự xã hội từ việc vay, mượn tiền, đòi nợ trái pháp luật.
Cần thường xuyên đánh giá, tổng kết để từ đó nâng tầm chính sách, các quy định về BHTG, bảo vệ tốt hơn người gửi tiền để người dân nhận thấy mình thực sự được bảo vệ thông qua các quy định về BHTG. Hạn mức trả tiền BHTG cần được định kỳ xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường… Mặt khác, cần mở rộng kênh truyền thông để người gửi tiền - người dân biết, hiểu về BHTG cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động tiền gửi, giao dịch ngân hàng. Khi được thông tin một cách đầy đủ - kịp thời - chính thống, họ sẽ có lựa chọn đúng thay vì dễ dàng sa vào những cái bẫy tín dụng phi chính thức, trong đó có hoạt động tín dụng đen.
HL