Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc DIA Yury Isaev nhấn mạnh, kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ tại đây sẽ giúp cải thiện chính sách bảo vệ tiền gửi của các thành viên APRC cũng như các hoạt động xử lý và thanh lý ngân hàng. Để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn mới, ông Isaev lưu ý các thành viên IADI và APRC nên hợp tác để thúc đẩy thực hiện đầy đủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả tại tất cả các quốc gia thành viên.
Ông Vasily Pozdyshev, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga kiêm Chủ tịch Ủy ban Chiến lược DIA đã có phát biểu chủ chốt về những ưu và nhược điểm của các phương pháp xử lý và thanh lý mà DIA Nga thực hiện suốt những năm vừa qua. Theo đó, 315 ngân hàng đã được DIA thanh lý kể từ năm 2006. Hiện nay, có 363 ngân hàng đang trong quá trình thanh lý. Trong một tuyên bố khác, ông Pozdyshev nhấn mạnh, tổ chức BHTG nên theo kịp sự phát triển của công nghệ tài chính (FinTech). Nếu phần lớn người gửi tiền giao dịch ngân hàng thông qua thiết bị di động, tổ chức BHTG cũng nên xem xét bảo vệ cho loại hình này.
Ông Katsunori Mikuniya, Chủ tịch IADI - Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản cho biết, mọi hệ thống tài chính cần phải thích nghi với các điều kiện thực tế. Cần thừa nhận rằng việc chấp nhận rủi ro quá mức trong ngắn hạn do các lỗ hổng pháp lý là không thể tránh khỏi. Tổ chức BHTG cần cải thiện hệ thống đi đôi với kiểm soát rủi ro từ phía các tổ chức tài chính và giám sát một cách chặt chẽ. Liên quan đến những luận điểm này, Chủ tịch Mikuniya đã dẫn chiếu Báo cáo đánh giá ngang hàng về xử lý của Ủy ban ổn định tài chính (FSB) được công bố vào đầu năm nay.
Tổng thư ký IADI David Walker đã có bài phát biểu quan trọng về “Bộ nguyên tắc cơ bản: Chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm - Tiêu chuẩn, dữ liệu và cập nhật”. Theo đó, việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền được bảo hiểm là vấn đề cốt lõi của BHTG. Dữ liệu khảo sát thường niên năm 2018 của IADI cho thấy chỉ khoảng một nửa số cơ quan BHTG có thể chi trả trong vòng 7 ngày làm việc. Những thách thức chính để chi trả cho người gửi tiền nhanh chóng bao gồm: khung pháp lý, tiếp cận sớm với thông tin người gửi tiền, công nghệ thông tin, nhận thức và kỳ vọng của công chúng, điều phối trong Mạng an toàn tài chính, vấn đề xuyên biên giới và nguồn vốn. Hơn nữa, trước sự phát triển nhanh chóng của FinTech, thậm chí mục tiêu chi trả trong 7 ngày cũng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra về tính kịp thời, nhanh chóng.
Bà Eva Hüpkes, Trưởng phòng Chính sách giám sát và quy định, Ủy ban Ôn định Tài chính (FSB) đã nêu lên những bài học từ các cuộc khủng hoảng tài chính và yêu cầu đặt ra cho các cơ quan quản lý quốc gia. Trong 10 qua và kể từ khi thành lập, FSB đã tiến một bước dài trong việc cải thiện khả năng xử lý ngân hàng bằng cách tăng cường sức mạnh và công cụ cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý, qua đó duy trì hoạt động căn bản của các tổ chức tín dụng và tránh rủi ro thất thoát ngân sách của người nộp thuế.
“ Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ rất lớn, vẫn còn nhiều thách thức về pháp lý, kỹ thuật và hoạt động cũng như việc triển khai các phương thức xử lý còn chưa đồng bộ tại các quốc gia. Xử lý là một quá trình liên tục, đó là một hành trình chứ không phải đích đến, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên cũng như sự chuẩn bị ứng phó khủng hoảng nhằm giải quyết những hạn chế trong quá trình xử lý” - Bà Eva Hüpkes nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự hội nghị cũng đã được nghe các bài thuyết trình của nhiều diễn giả từ Đài Bắc, Croatia, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Viện ổn định tài chính Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Hội nghị diễn ra trong 3 phiên làm việc: “BHTG: Làm thế nào để đảm bảo chi trả trong 7 ngày”, “Nghiệp vụ thanh lý ngân hàng của tổ chức BHTG: Thuận lợi và thách thức”, và “Thu hồi tài sản của các ngân hàng đổ vỡ: Phương pháp thanh lý tài sản”.
Bên cạnh đó, Hội nghị thường niên lần thứ 17 của APRC do ông William Su, Chủ tịchAPRC kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Trung ương (Đài Bắc, Trung Hoa) chủ trì đã diễn ra vào ngày 26 tháng 6. Bên lề hội nghị, Ủy ban kỹ thuật APRC về đào tạo, hỗ trợ và nghiên cứu; Hội đồng thượng đỉnh các cơ quan BHTG Liên minh kinh tế Á-Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan, Cộng hòa Slovak và Nga) cũng đã tổ chức các cuộc họp chính thức lần đầu.
Ngoài ra, là một phần trong các sự kiện của Hội nghị lần này, Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo tuân thủ Nguyên tắc số 2: Nhiệm vụ và quyền hạn, Nguyên tắc số 8: Hạn mức đã được tổ chức vào ngày 25 tháng 6. Các diễn giả đã có nhiều bài trình bày và chia sẻ kinh nghiệm cụ thể tại nhiều quốc gia.
Nhân dịp này, IADI đã công bố thành viên thứ 91 của Hiệp hội – Quỹ bảo vệ tiền gửi Angola.