Vừa qua, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Nga (DIA) đã đưa ra báo cáo phân tích sự phát triển thị trường tiền gửi hộ gia đình trong năm 2015 như sau:
Hoạt động tiền gửi tiết kiệm
Các khoản tiền của cá nhân gửi vào ngân hàng đạt ở mức 23.219,1 tỷ Rúp (khoảng 345.827,5 triệu USD), tăng 4.666,4 tỷ Rúp (69.501,8 triệu USD) (năm 2014 – là 1.598,1 tỷ Rúp, tương đương 23.802,2 triệu USD). Đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm không bảo hiểm tăng 111 tỷ Rúp (1.653,2 triệu USD) (khoảng 24,1%) lên đến 571,1 tỷ rúp (8.506 triệu USD). Tổng số tiền gửi được bảo hiểm tại các ngân hàng (bao gồm cả các quỹ của doanh nghiệp tư nhân) đạt ở mức 22.889,9 tỷ Rúp (340.924,4 triệu USD), tăng 4.586,7 tỷ Rúp (68.314,7 triệu USD) trong năm 2015 (Năm 2014 là 1.503,7 tỷ Rúp, khoảng 22.396,3 triệu USD).
Từ tháng 01 đến 11/2015, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày của các khoản tiền gửi lên tới 8,8 tỷ rúp (131,1 triệu USD). Theo dự báo của DIA, tổng lượng tiền gửi sẽ tăng vào năm 2016 từ 3,3-3,7 nghìn tỷ Rúp (49.150,5 – 55.108,2 triệu USD) (tương đương với tỷ lệ tăng 14-16%) lên đến 26,5-26,9 nghìn tỷ Rúp (394.693,5 - 400.651,2 triệu USD).
Cơ cấu tiền gửi theo quy mô
Trong năm 2015, các khoản tiền gửi lớn và vừa có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Trong nửa đầu năm 2015, khoản tiền gửi từ 700 ngàn Rúp đến 1 triệu Rúp (10.425,87 – 14.894,10 USD) tăng 16,2% về số lượng và 13,7% về số tài khoản mở. Trong 06 tháng cuối năm, khoản tiền gửi từ 700 nghìn Rúp - 1 triệu Rúp tăng 15,2% về số lượng và 14% về số tài khoản. Các khoản tiền gửi trên 1 triệu Rúp tăng 30% về số lượng và 29,5% về số tài khoản. Khoản tiền gửi từ 100 nghìn Rúp (1.489,41 USD) -700 nghìn Rúp gần như không thay đổi.
Như vậy, các khoản tiền gửi từ 700 nghìn Rúp - 1 triệu Rúp và hơn 1 triệu Rúp có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong năm, tương ứng: 33,9% và 53,2% về số lượng và 29,6% và 78,6% về số tài khoản.
Tính đến cuối năm, tỷ lệ các khoản tiền gửi từ 100 -700 nghìn Rúp giảm từ 37,4% xuống 29,2%, và tỷ lệ khoản tiền gửi 700 nghìn Rúp -1 triệu Rúp tăng từ 8% lên 8,5%. Tỷ lệ của các khoản tiền gửi trên 1 triệu Rúp trong tổng số tiền gửi đã tăng từ 42,8% lên 52,4%.
Thu nhập từ tiền gửi
Theo giám sát của DIA về lãi suất tiền gửi đối với 100 ngân hàng lớn nhất, đa số các ngân hàng (91 trong tổng số 100) đã giảm lãi suất tiền gửi trong năm 2015; 08 ngân hàng tăng lãi suất; một ngân hàng có mức lãi suất không thay đổi. Sự giảm lãi suất tiền gửi đã diễn ra trong nửa đầu năm 2015.
Tính đến 01/ 01/2016, mức lãi suất trung bình năm (tính trên số dư tiền gửi) đối với tiền gửi bằng đồng Rúp kỳ hạn 1 năm vượt quá 1 triệu Rúp giảm 3,2 điểm phần trăm: từ 12,4% xuống 9,2%/năm. Mức lãi suất trung bình năm (không tính trên số dư tiền gửi) đối với loại tiền gửi tương tự giảm 4,5 điểm phần trăm: từ 14,9% xuống 10,42%/năm.
Theo DIA, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm nhẹ trong tương lai gần, mặc dù mức lãi nói chung sẽ vẫn khá ổn định. Nếu lạm phát hàng năm giảm, lợi nhuận thực tế của các khoản tiền gửi trong năm có thể đạt giá trị tích cực trở lại.
Cơ cấu tiền gửi bằng ngoại tệ và kỳ hạn
Cuối năm 2015, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ tăng từ 26,1% lên 29,4%. Tăng mạnh nhất là trong quý 3 là 3,4 điểm phần trăm.
Trong kỳ báo cáo do lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao hơn, tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn dưới 1 năm tăng từ 27,6% đến 40%. Đồng thời, tỷ lệ tiền gửi dài hạn có kỳ hạn trên 1 năm giảm từ 55,1% xuống 43,5%. Tỷ lệ của các khoản tiền gửi theo nhu cầu thay đổi không đáng kể: từ 17,3% xuống 16,6%.
Thị trường tiền gửi
Trong năm 2015, thị phần của 30 ngân hàng có số lượng tiền gửi lớn nhất tăng từ 79,2% lên 81,7%. Vào cuối năm 2015, mạng lưới ngân hàng lớn và các ngân hàng trong khu vực có tỷ lệ tăng trưởng huy động cao nhất, tương ứng là: 28,6% và 23,7%. Tiền gửi tại các ngân hàng khu vực Moscow tăng 5,7%.
Trách nhiệm bảo hiểm của DIA
Trong năm 2015, do sự gia tăng lớn lượng tiền gửi, số tiền gửi được bảo hiểm thuộc phạm vi chi trả của DIA trên tổng số tiền thuộc diện đủ điều kiện chi trả giảm từ 69,4% xuống 65,1%.