Mục tiêu sửa đổi và cập nhật
Ngày 21/10/2014, Ban điều hành IADI chính thức thông qua “Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả” sửa đổi để trình lên Ủy ban ổn định Tài chính ( FSB). Việc chỉnh sửa được thực hiện trên cơ sở cân bằng giữa mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn về tính hiệu quả để phát triển các hệ thống BHTG và nhiệm vụ duy trì, kế thừa các nguyên tắc trong Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả phiên bản 2009. Tạo chuẩn mực linh hoạt trong ứng dụng các nguyên tắc vào thực tiễn
Mặc dù nội dung các nguyên tắc cơ bản trong tài liệu phiên bản 2009 đã phục vụ tốt mục tiêu áp dụng vào thực tiễn, những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây cũng như diễn biến không ngừng của môi trường pháp lý trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc chỉnh sửa và cập nhật phiên bản tài liệu phát hành hồi tháng 11/2014 của IADI sẽ giúp cho các nguyên tắc cơ bản trở thành một chuẩn mực linh hoạt hơn khi ứng dụng vào thực tiễn.
Phổ biến và áp dụng trên phạm vi toàn cầu
Ngoài mục tiêu tạo chuẩn mực linh hoạt trong ứng dụng các nguyên tắc vào thực tiễn, IADI kỳ vọng các nội dung cập nhật sẽ được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Bổ sung hướng dẫn quan trọng về vai trò của tổ chức BHTG trong ứng phó và quản lý khủng hoảng
Các nguyên tắc cơ bản sau khi được sửa đổi sẽ giúp nâng cao các chuẩn mực trong lĩnh vực BHTG, cụ thể: thời hạn chi trả hiệu quả, hạn mức bảo hiểm được khuyến nghị phù hợp tùy từng điều kiện mỗi quốc gia, cấp vốn và quản trị quỹ BHTG, bổ sung các hướng dẫn về vai trò của tổ chức BHTG trong ứng phó và quản trị khủng hoảng.
Tài liệu “Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG” phiên bản mới được kỳ vọng sẽ phản ánh rõ rệt hơn vai trò của tổ chức BHTG trong cơ chế xử lý đổ vỡ, ứng phó khủng hoảng và phối hợp với các thành viên trong mạng an toàn tài chính.
Một số thay đổi chính về nội dung trong Bộ các nguyên tắc cơ bản tháng 11/2014
Những thay đổi lớn nhất giữa hai phiên bản tháng 6/2009 và tháng 11/2014 được thể hiện ở việc định dạng kết cấu nội dung một cách phù hợp hơn trên cơ sở tình hình thực tiễn và thay đổi môi trường pháp lý ở các quốc gia, bao gồm:
Thứ nhất, củng cố một số nguyên tắc liên quan tới quản trị, trả tiền bảo hiểm, hạn mức BHTG, cấp vốn và tăng cường đảm bảo an toàn sử dụng vốn, nhận thức của công chúng, rủi ro đạo đức, các vấn đề xuyên quốc gia...
Thứ hai, cập nhật các nguyên tắc liên quan tới can thiệp và xử lý đổ vỡ nhằm phản ánh thực tế vai trò ngày càng lớn hơn của các tổ chức BHTG trong xử lý đổ vỡ, đồng thời để đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn của FSB.
Thứ ba, bổ sung nguyên tắc về việc lập kế hoạch dự phòng khủng hoảng và xử lý khủng hoảng.
Thứ tư, tích hợp những nội dung đặc biệt về hệ thống BHTG Hồi giáo, phổ biến kiến thức tài chính, giải quyết vấn đề về sự tồn tại nhiều hệ thống BHTG ở cùng một quốc gia, và những ưu tiên đối với người gửi tiền.
Thứ năm, đề cập tới rủi ro đạo đức trong tất cả các nguyên tắc có liên quan, thay vì chỉ giới hạn vấn đề rủi ro đạo đức trong một nguyên tắc duy nhất.
Thứ sáu, nâng cấp một số tiêu chuẩn bổ sung trở thành tiêu chuẩn cơ bản dùng để đánh giá.
Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả ở phiên bản cập nhật và sửa đổi có tổng số 16 nguyên tắc, so với 18 nguyên tắc trong phiên bản cũ. 16 nguyên tắc cơ bản gồm 96 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết. |
Về nội dung, trong những thay đổi lớn của Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG, có một số nguyên tắc chính đáng lưu ý sau đây:
Nguyên tắc 4 - Mối quan hệ với các thành viên khác mạng an toàn tài chính
Nguyên tắc này tiếp tục đề cập đến tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin (thường xuyên và đột xuất) và phối hợp hành động giữa các cơ quan có vai trò giữ vững ổn định tài chính. Đặc biệt, Bộ nguyên tắc sửa đổi nhấn mạnh việc các cơ quan cần có quy định chính thức về việc phối hợp hành động và đảm bảo bí mật thông tin được chia sẻ giữa các bên. Nguyên tắc mới cũng bổ sung trường hợp có nhiều tổ chức BHTG cùng hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia, khi đó cần phải có các cơ chế phối hợp và chia sẻ hiệu quả.
Nguyên tắc 6 - Vai trò của tổ chức BHTG trong việc lập kế hoạch dự phòng và xử lý khủng hoảng
Đây là nguyên tắc hoàn toàn mới trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cụ thể nguyên tắc này khuyến cáo tổ chức BHTG phải có sẵn các kế hoạch đối phó với khủng hoảng (trước khủng hoảng) cũng như những biện pháp xử lý tình huống khủng hoảng (trong khủng hoảng), trên nguyên tắc hành động phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính. Các cuộc mô phỏng tập dượt xử lý khủng hoảng sẽ có tác dụng giúp tổ chức BHTG và các cơ quan khác có kỹ năng ứng phó tốt hơn với khủng hoảng. Nguyên tắc này nhấn mạnh vai trò của truyền thông trước và sau khủng hoảng nhằm duy trì nhận thức đầy đủ và ổn định của công chúng về hệ thống tài chính.
Nguyên tắc 9 - Nguồn và vấn đề sử dụng vốn quỹ
Ngoài những nội dung cơ bản phát triển từ Nguyên tắc 11 của Bộ nguyên tắc cũ về đảm bảo nguồn vốn thực hiện chức năng trả tiền bảo hiểm và xử lý đổ vỡ, Nguyên tắc 9 đề cập đến một số nội dung mới như:
i) Cấp vốn cho hệ thống BHTG được thực hiện trên cơ sở cấp vốn trước nhưng không đề cập tới hai hình thức cấp vốn sau và cấp vốn hỗn hợp;
ii) Quy mô quỹ mục tiêu - Khái niệm này được đề cập rõ ràng trong Nguyên tắc 9 - khác với Bộ các nguyên tắc phiên bản cũ vốn chỉ nói sơ qua về tỷ lệ dự trữ vốn quỹ;
iii) Việc khuyến cáo hạn chế việc đầu tư quỹ BHTG vào các ngân hàng và việc ủy quyền sử dụng quỹ BHTG trong xử lý đổ vỡ được nêu khá chi tiết.
Nguyên tắc 10 – Nâng cao nhận thức công chúng
Nguyên tắc này đề cập toàn diện hơn về hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức công chúng trên hai cơ sở: mang tính định kỳ và mang tính sự kiện (đổ vỡ, khủng hoảng). Tổ chức BHTG cần đặt ra chiến lược dài hạn về truyền thông, thực hiện đánh giá mức độ nhận thức của công chúng qua thời gian. Nguyên tắc này đặt tình huống truyền thông khi có vấn đề xuyên quốc gia, những thông tin và cơ chế chia sẻ.
Vấn đề rủi ro đạo đức
Bộ các nguyên tắc cơ bản phiên bản mới lưu ý tới vấn đề giảm thiểu rủi ro đạo đức xuyên suốt các nguyên tắc cơ bản liên quan, tiêu biểu là ở các nội dung phạm vi và hạn mức bảo hiểm có giới hạn, phí bảo hiểm phân biệt theo rủi ro, cơ chế can thiệp và xử lý kịp thời... Các công cụ giảm thiểu rủi ro được sử dụng bao gồm: quản trị tốt, quản lý rủi ro hiệu quả tại các ngân hàng, truy cứu trách nhiệm các bên gây ra đổ vỡ, kỷ luật thị trường, cơ chế giám sát và các quy định an toàn hiệu quả...
Theo đó, “Rủi ro đạo đức” xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức chấp nhận hoạt động rủi ro để đổi lấy lợi ích, mặc định rằng chi phí xử lý rủi ro (nếu có) sẽ do bên khác gánh chịu một phần hoặc toàn bộ. Trong lĩnh vực BHTG, nếu người gửi tiền yên tâm rằng họ được bảo vệ bởi cơ chế BHTG, họ sẽ không xem xét kỹ lưỡng độ an toàn của ngân hàng khi lựa chọn nơi gửi tiền. Tương tự, các ngân hàng nếu yên tâm việc rủi ro đổ vỡ sẽ được BHTG chia sẻ sẽ thực hiện nhiều hoạt động rủi ro hơn để đạt được lợi nhuận cao hơn.”
Kỳ vọng và khuyến nghị đối với BHTGVN
Với những thay đổi mới quan trọng, hữu ích nhưng vẫn kế thừa những nội dung của phiên bản trước đây, Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI xuất bản tháng 11/2014 được kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu đề ra và được áp dụng rộng rãi trên phạm vi quốc tế.
Trong vai trò là một tổ chức thành viên ngay từ khi IADI mới được thành lập, BHTGVN luôn chủ động tiếp cận, tăng cường hợp tác song và đa phương nhằm thúc đẩy việc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả. Do vậy, Bộ các nguyên tắc cơ bản phiên bản cập nhật sẽ là những tham chiếu quan trọng và khuyến nghị cần thiết cho BHTGVN trong hội nhập, xây dựng phát triển kinh tế nói chung và hướng tới phát triển hệ thống BHTG nói riêng.
Cùng với việc tiếp cận nội dung cập nhật và sửa đổi trong Tài liệu này, trong thời gian tới, BHTGVN cần cân nhắc đánh giá lại tính hiệu quả của hệ thống BHTG nhằm xác định mức độ tuân thủ đối với các nguyên tắc ở từng phạm trù, lĩnh vực trong hoạt động BHTG giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần hỗ trợ đắc lực và phục vụ tốt cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, quản trị điều hành tại tổ chức BHTG.
Phòng NCTH & HTQT
Tài liệu tham khảo: IADI, Core Principles for effective deposit insurance systems – a methodology for compliance assessment, June 2009 IADI, Core Principles for effective deposit insurance systems – a methodology for compliance assessment, November 2014 Updated Core Principles to Strengthen the Financial Stability Architecture by David Walker at 13th IADI Annual Conference |