Bẫy thủ tục và đòi nợ kiểu triệt hạ danh dự
Chị Nguyễn Nguyên Thảo (hẻm 261 Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, đang cần vốn để sửa chữa nhà thì nhân viên Công ty tài chính FE Credit tìm gặp và hứa cho vay 160 triệu đồng, hợp đồng sẽ chuyển ký sau. Thấy vay tiền quá dễ dàng, lại chưa biết hợp đồng nội dung ra sao, lãi suất bao nhiêu, chi phí phải trả thế nào, nên chị không dám vay.
Chị Thảo chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp mà các công ty tài chính vẫn đang quảng cáo duyệt hồ sơ vay tín chấp trong một ngày, duyệt hồ sơ vay qua internet chỉ bằng một cái “click chuột”.
Sản phẩm cho vay trả góp thời gian qua thu hút rất nhiều người tiêu dùng - Ảnh: H.C.V |
Thế nhưng, điều cần thiết nhất của một tổ chức tài chính khi cho vay vốn là phải giải thích cho người sử dụng vốn vay đúng mục đích và các điều khoản vay nợ thì hầu như bị các nhân viên tư vấn tín dụng tiêu dùng bỏ qua. Điển hình như trường hợp vay tiêu dùng trực tiếp bằng tiền mặt, thì lãi suất các công ty tài chính thường tư vấn cho khách hàng theo tháng. Ví như một khoản vay 30-40 triệu đồng, của Prudential có lãi suất 2,2-2,5%/tháng (tùy mức tín nhiệm khách hàng), nếu chia bình quân, lãi suất khoản vay này đã lên đến hơn 40%/năm.
Hầu hết các khoản vay tiêu dùng cá nhân đều là các hợp đồng có lãi suất thỏa thuận, nên hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, những bản hợp đồng với những từ ngữ tài chính chuyên ngành không phải người đi vay vốn nào cũng có thể hiểu hết, thậm chí nhiều người chỉ ký vào bản hợp đồng vay vốn mà không hề đọc qua.
Trong khi, với mỗi khoản vay, công ty tài chính lại có những cách tính lãi suất khác nhau, giảm dần hoặc cố định. Tư vấn viên thường ít khi nói ra khoản phí thu hộ hàng tháng đối với những khoản vay trả góp, hoặc cách trả nợ cả vốn gốc và lãi đối với hình thức trả cuối kỳ. Bên cạnh đó, là các khoản phí, bảo hiểm, lãi phạt trả lãi không đúng hạn, lãi phạt trả vốn trước hạn… Những chi phí này nếu tính đúng, tính đủ trong một khoản vay tiêu dùng, thì lãi suất người vay phải trả đều không dưới 40%/năm.
Những chi phí trên đây đều được tính là lãi trong hạn, nhưng nếu người vay vốn chậm trả lãi suất và các khoản phí lập tức leo thang. Theo đó, quy trình nhắc nợ của các công ty tài chính hiện nay bắt đầu xuất hiện những hình thức có thể coi là xâm phạm quyền cá nhân con người.
Theo một cán bộ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN, qua công tác kiểm tra đã phát hiện một số công ty tài chính đã thuê các công ty đòi nợ thuê đi đòi nợ vay tiêu dùng quá hạn. Dựa vào bản hồ sơ cá nhân của người vay vốn, đội ngũ đòi nợ thuê sẽ đánh vào uy tín cá nhân bằng cách thông báo cho cơ quan, tổ chức, hoặc gọi về nhà cho người thân trong gia đình thông báo cá nhân đó đang có nợ chưa trả.
Không thể dồn hết chi phí vào người tiêu dùng
Hiện cả nước có 16 công ty tài chính, nhưng 4 công ty là FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential đang chiếm 84,45% thị trường cho vay tiêu dùng. Không phủ nhận sự phát triển của tín dụng tiêu dùng trong khoảng 5 năm trở lại đây đã mang lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, như công ty tài chính liên kết với nhà sản xuất và nhà bán lẻ hàng hóa cho vay vốn mua hàng hóa tiêu dùng trả chậm. Sự ra đời và phát triển các công ty tài chính nhắm đến mục đích cung cấp các khoản vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống và xóa đi tín dụng đen. “Lằn ranh đỏ” của công ty tài chính là lãi suất phải khác biệt với tín dụng đen, nếu không rạch ròi được điều này thì sẽ mất ý nghĩa.
Quy định pháp lý cho các công ty tài chính hiện nay có thể nói là rất nhiều, trong Luật Dân sự hiện hành quy định trần lãi suất cho vay không quá 20%/năm đối với những cá nhân không phải tổ chức tín dụng (TCTD). Trong Luật Các TCTD cho phép lãi suất thỏa thuận giữa khách hàng với TCTD do Nhà nước cấp phép hoạt động. Nhưng thời gian qua đâu đó, các công ty tài chính vẫn lập lờ trong cách tính lãi suất cho vay tiêu dùng, đẩy chi phí phải trả cho người tiêu dùng lên rất cao so với lãi suất tiêu dùng của các NHTM.
Các công ty tài chính vẫn lập luận, họ không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư như các NHTM, mà phải huy động vốn bằng phát hành trái phiếu từ các tổ chức tài chính khác, nguồn vốn ủy thác nước ngoài nên lãi suất đầu vào cao và phải cho vay ra với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các khoản vay tiêu dùng cá nhân thường nhỏ lẻ (dưới 100 triệu đồng/món), nên càng đẩy lãi suất lên. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Như vậy, các công ty tài chính cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, không thể cứ thấy nhu cầu vay cao là đẩy tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nóng. Hay nói cách khác, nguồn vốn đến đâu phát triển đến đó, không nên chạy theo sức nóng của thị trường mà bỏ qua chất lượng tín dụng và tiềm lực tài chính của bản thân DN. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần có cơ chế lãi suất linh hoạt để các công ty tài chính cho vay. Không thể lập luận theo kiểu lãi suất cao vẫn có người vay do nhu cầu tiêu dùng đang tăng mà dồn hết chi phí vào người tiêu dùng.