Sửa đổi Luật BHTG - cần một chiến lược truyền thông bài bản
Một chiến lược truyền thông hiệu quả trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHTG không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nội dung sửa đổi của luật, mà còn phải đảm nhận sứ mệnh quan trọng hơn - đó là nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của chính sách BHTG, củng cố niềm tin của người dân vào sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng, từ đó góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, trật tự xã hội và phát triển kinh tế.
Việc sửa đổi luật, cần có một chiến dịch truyền thông bài bản đi cùng bởi nếu người dân không hiểu rõ mục tiêu, không tiếp cận kịp thời các thông tin then chốt, hoặc hiểu sai lệch tinh thần cải cách, dẫn đến sự hoài nghi, thậm chí phản ứng tiêu cực với các thay đổi pháp lý.
Một thực tế rõ ràng, Luật BHTG sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau: Từ người dân gửi tiết kiệm, tổ chức tín dụng - là nơi nhận tiền gửi và chịu trách nhiệm nộp phí BHTG, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, học giả, cho tới các cơ quan thông tấn báo chí. Mỗi nhóm đối tượng này đều có kỳ vọng và mối quan tâm riêng biệt, do đó, một chiến lược truyền thông hiệu quả phải được thiết kế trên cơ sở phân tích kỹ đặc điểm hành vi, tâm lý và mức độ hiểu biết của từng nhóm công chúng mục tiêu. Trong đó, người gửi tiền - đặc biệt là nhóm người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, người cao tuổi, người ít có điều kiện tiếp cận thông tin tài chính - cần được ưu tiên đặc biệt, bởi họ là nhóm yếu thế, nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách BHTG.
Đảm bảo truyền thông liên tục, thông suốt từng giai đoạn
Với mục tiêu trên, công tác truyền thông không thể đơn thuần là phổ biến thông tin pháp lý, mà phải được xây dựng thành một chiến dịch tổng thể, gồm nhiều giai đoạn liên tục, đồng bộ và xuyên suốt từ trước khi trình dự thảo, trong quá trình Quốc hội xem xét thông qua, cho đến sau khi luật đã được ban hành và đi vào thực tiễn. Mỗi giai đoạn cần xác định rõ mục tiêu truyền thông, thông điệp chủ đạo, phương thức tiếp cận và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan.
Thứ nhất, đối với giai đoạn chuẩn bị và xây dựng dự thảo (đã và đang diễn ra), việc nghiên cứu và phân tích công chúng mục tiêu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Với người gửi tiền, cần khảo sát mức độ hiểu biết, hành vi tiếp nhận thông tin và các kênh truyền thông ưa thích để có cách tiếp cận phù hợp. Với các tổ chức tín dụng, cần lắng nghe các ý kiến đóng góp, kỳ vọng và cả những lo ngại liên quan đến việc thay đổi quy định pháp luật, đặc biệt là những nội dung ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này. Với chuyên gia, học giả, có thể khai thác các bài viết, nghiên cứu chuyên sâu, các đề xuất về mô hình BHTG hiệu quả từ kinh nghiệm quốc tế. Với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp nhận và tích hợp quan điểm, định hướng chính sách từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng pháp luật.
Cùng với đó, cần xây dựng các thông điệp cốt lõi súc tích, dễ nhớ, nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc sửa đổi luật, những điểm mới đáng chú ý, lợi ích mang lại cho người gửi tiền, tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính. Những thông điệp này phải nhất quán, xuyên suốt chiến dịch truyền thông, được chuyển tải qua các hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Tờ rơi, infographic, video ngắn, bài viết chuyên sâu, hỏi đáp (Q&A), báo cáo tóm tắt về dự thảo luật.
Thứ hai, khi bước vào giai đoạn lấy ý kiến và tổ chức thảo luận, truyền thông cần được đẩy mạnh về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề là cơ hội quan trọng để tiếp thu ý kiến, đồng thời truyền thông lại về quá trình xây dựng dự thảo một cách công khai, minh bạch. Đối với tổ chức tín dụng, cần tổ chức hội thảo chuyên sâu nhằm giải thích chi tiết các điểm sửa đổi có liên quan, giải đáp những băn khoăn và phản ánh các vướng mắc thực tế. Với giới học thuật, cần mời gọi tham gia các tọa đàm khoa học để cùng phân tích, phản biện và hoàn thiện chính sách từ góc nhìn lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, các nhóm tổ chức đặc thù như quỹ tín dụng nhân dân - vốn có đặc điểm hoạt động riêng biệt - cần được tiếp cận bằng các hình thức truyền thông linh hoạt hơn, mang tính đối thoại, lắng nghe và tương tác trực tiếp.
Bên cạnh đó, cần khai thác triệt để các kênh truyền thông hiện đại. Trên nền tảng báo chí và truyền hình, cần có các bài viết chuyên sâu, phỏng vấn chuyên gia để truyền tải các góc nhìn đa chiều. Trên các nền tảng số và mạng xã hội, nên xây dựng chuyên mục riêng về Luật sửa đổi trên website của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) và Ngân hàng Nhà nước, sử dụng Facebook, Zalo, YouTube để chia sẻ các video ngắn, infographic, giải đáp trực tuyến... Đặc biệt, các buổi livestream với chuyên gia tham gia trả lời trực tiếp câu hỏi của công chúng sẽ tạo nên sự kết nối hiệu quả và xây dựng lòng tin mạnh mẽ. Với người dân vùng sâu, vùng xa, phát thanh vẫn là công cụ hữu hiệu giúp đưa chính sách đến gần hơn với đời sống.
Một trong những yêu cầu quan trọng ở giai đoạn này là công khai và minh bạch hóa dự thảo luật. Việc đăng tải toàn văn dự thảo trên các cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước và BHTGVN sẽ giúp người dân và các tổ chức dễ dàng tiếp cận và đóng góp ý kiến. Song song, cần thiết lập các kênh tiếp nhận ý kiến thuận tiện và dễ sử dụng như địa chỉ email, số điện thoại đường dây nóng, biểu mẫu góp ý trực tuyến…để thu hút sự tham gia tích cực từ cộng đồng.
Thứ ba, giai đoạn Quốc hội xem xét và thông qua luật đòi hỏi truyền thông phải chuyển sang trạng thái “tập trung cao độ”. Thông tin về diễn biến các phiên họp của Quốc hội, quá trình thảo luận, điều chỉnh và các điểm mới trong dự thảo cần được cập nhật nhanh chóng, đầy đủ, chính xác. Các thông điệp truyền thông ở giai đoạn này cần nhấn mạnh hơn nữa vào tính hợp lý, cần thiết và lợi ích lâu dài của luật sửa đổi, nhằm tạo sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận và củng cố vững chắc lòng tin vào quyết tâm cải cách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Cũng trong giai đoạn này, truyền thông cần chủ động xử lý kịp thời mọi thông tin sai lệch hoặc tiêu cực (nếu có) bằng cách cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có căn cứ pháp lý rõ ràng. Đồng thời, việc chỉ định người phát ngôn chính thức là cần thiết để đảm bảo thông tin thống nhất, nhất quán, tránh gây hiểu nhầm hoặc nhiễu loạn truyền thông.
Thứ tư, sau khi luật được thông qua, truyền thông vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai luật vào thực tiễn. Các hoạt động truyền thông cần tập trung vào phổ biến luật và văn bản hướng dẫn thi hành một cách trực quan, dễ hiểu và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các hình thức truyền thông như hội nghị tập huấn, cẩm nang, sổ tay hỏi - đáp, chiến dịch truyền thông đại chúng…cần được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, thiết lập các kênh phản hồi, giải đáp thắc mắc của người dân trong quá trình thực thi cũng là cách để duy trì sự tương tác hiệu quả. Việc khảo sát định kỳ mức độ nhận thức của người dân về chính sách BHTG sẽ giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh nội dung truyền thông, thậm chí xem xét điều chỉnh chính sách trong tương lai nếu cần thiết.
Để chiến lược truyền thông phát huy tối đa hiệu quả
Tuy nhiên, chiến lược truyền thông chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Trong đó, BHTGVN là đơn vị chủ trì, nắm vai trò trung tâm trong xây dựng tài liệu, tổ chức các hoạt động truyền thông và quản lý thông tin. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm định hướng chung, chỉ đạo phối hợp giữa các tổ chức tín dụng và hỗ trợ cung cấp thông tin chính sách. Các tổ chức tín dụng cần tích cực phối hợp với BHTGVN truyền thông chính sách đến người gửi tiền. Cơ quan thông tấn báo chí là cầu nối quan trọng giúp đưa thông tin đến toàn xã hội. Các chuyên gia, hiệp hội đóng góp góc nhìn phản biện, hỗ trợ lan tỏa thông tin một cách có chiều sâu.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chiến lược truyền thông, cần nhận diện rõ các thách thức có thể phát sinh như: nội dung pháp lý phức tạp; nguy cơ thông tin sai lệch; sự đa dạng của đối tượng tiếp nhận; phản ứng trái chiều từ một bộ phận nhỏ.Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải chuyển hóa các nội dung pháp lý thành ngôn ngữ dễ hiểu, sử dụng hình ảnh, ví dụ sinh động; đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ truyền thông để sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Sửa đổi Luật BHTG là một bước đi quan trọng và cần thiết, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người gửi tiền, tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, phù hợp với thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế. Tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, cùng với một chiến lược truyền thông bài bản, khoa học và nhất quán, Luật BHTG sửa đổi sẽ sớm nhận được sự đồng thuận cao, được ban hành đúng tiến độ và phát huy hiệu quả thực tiễn, tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
NH