Bài 3: Những vướng mắc phát sinh trong quá trình XLNX
"Vướng" trong nộp thuế khi xử lý tài sản
Theo chia sẻ của các TCTD, mặc dù hành lang pháp lý trong XLNX đã được Nghị quyết 42 quy định rất rõ nhưng khi đưa vào triển khai thực hiện, không phải “công đoạn” nào cũng suôn sẻ và đi vào cuộc sống. Trong đó, việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đang gặp vướng mắc, làm chậm tiến độ XLNX.
Đại diện các NHTM cho biết, mặc dù, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung văn bản chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Vì vậy, nhiều trường hợp bán tài sản bảo đảm xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng!
Từ hoạt động thực tế ở cơ sở, một lãnh đạo Agribank Sóc Trăng tâm sự về câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm mới thấy gian nan, khi có những khách hàng đã ủy quyền cho ngân hàng bán tài sản và khi ngân hàng bán được tài sản quay trở lại thì khách hàng lại không giao tài sản cho người mua.Một khó khăn khác được Phó tổng giám đốc một NHTM lớn nêu là Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ và có nhiều trường hợp gia đình đã thế chấp căn nhà để vay vốn ngân hàng làm ăn. Nhưng việc kinh doanh bị thua lỗ, không trả được nợ vay, khiến cho căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.
"Rồi khách hàng có tài sản nhưng cố tình không hợp tác xử lý. Chúng tôi đồng ý theo đề nghị của khách hàng là cho họ tự nguyện đưa tài sản ra đấu giá nhưng khi có người mua họ lại không bán vì bảo là giá thấp quá" - lãnh đạo Agribank Sóc Trăng bức xúc và kể thêm: Thậm chí khi XLNX hiện nay có con nợ đồng ý giao tài sản cho ngân hàng xử lý nhưng không hợp tác. Chẳng hạn như tài sản bảo đảm là xe ô tô, xe thì giao ngân hàng rồi nhưng chìa khóa xe thì không.
Và “mắc” ở dưới cơ sở…
“Ở một số địa phương cũng gặp khó khăn trong việc khởi kiện và thi hành án khi XLNX” – lãnh đạo một NHTM cho biết. Chẳng hạn như Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện với lý do không chấp nhận ủy quyền của VAMC cho ngân hàng trong việc ký đơn khởi kiện mà yêu cầu việc ký đơn phải là chủ thể của vụ án (tức là VAMC) đối với các khách hàng có khoản nợ đã bán cho VAMC. Bên cạnh đó, tòa án còn yêu cầu ngân hàng phải xác minh địa chỉ của bị đơn (địa chỉ ghi trong hồ sơ vay vốn và địa chỉ hiện tại) là rất khó khăn vì nhiều khách hàng đã thay đổi địa chỉ vì lý do nào đó hoặc để trốn nợ mà không thông báo cho ngân hàng.
Những khó khăn từ công tác thi hành án, theo tìm hiểu của các TCTD cũng có nguyên nhân từ việc nhiều nơi, số lượng án dân sự của cơ quan Thi hành án dân sự tồn đọng khá lớn. Điều này là do, bên cạnh nguyên nhân từ mức độ phức tạp của hồ sơ tín dụng/hồ sơ khách hàng, nhân lực mỏng của cơ quan Thi hành án dân sự cũng phải kể tới sự “thiếu nhiệt huyết” của một số cán bộ cơ quan Thi hành án dẫn đến tiến độ thi hành án hết sức chậm chạp.
Theo lãnh đạo một NHTMCP tại Hà Nội, mặc dù Nghị quyết 42 đã được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin như báo, đài truyền hình, đài phát thanh và các công văn, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ban ngành có liên quan, tuy nhiên thực tế thì nhiều khách hàng, chủ tài sản thậm chí cả chính quyền địa phương cũng không nắm được nội dung của Nghị quyết 42. Điều này dẫn đến sự chống đối của chủ tài sản trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. “Nhiều tài sản nằm tại khu vực làng xã, tính cộng đồng bảo vệ lẫn nhau cao nên khả năng thu giữ tài sản khó khăn” – lãnh đạo NHTMCP lo lắng và cho rằng, hiện nay không ít chính quyền địa phương khi đề nghị phối hợp hỗ trợ ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm thì chính quyền địa phương không thiện chí hợp tác, cố tình đưa ra các lý do gây khó khăn.
Cũng nói về vấn đề này, đại diện của VietinBank cho rằng, đúng là một số địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm chưa thực sự hỗ trợ ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Thậm chí họ thường lấy lý do chưa bố trí được lực lượng tham gia hoặc do bận họp, đang phải giải quyết các công việc khác để từ chối phối hợp thực hiện.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong XLNX, các NHTM kiến nghị, các Bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đồng bộ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Trong đó, có sự chỉ đạo từ Bộ Công an, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Tài Chính, Tổng Cục thuế,… liên quan đến trách nhiệm của các ban ngành, địa phương trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng để XLNX cũng như các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác thu giữ, khai nộp thuế, sang tên tài sản, thủ tục xét xử tại tòa án… là rất quan trọng. Có như vậy tiến trình đánh tan “cục máu đông” của nền kinh tế mới nhanh hơn, triệt để hơn trong thời gian tới.
Từ những vướng mắc phản ánh của các TCTD, mới đây Hội nghị về vấn đề XLNX, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng làm đầu mối tổng hợp tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhằm góp phần đẩy mạnh, phát huy Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống hơn nữa. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của NHNN hoặc vượt thẩm quyền, NHNN sẽ có kiến nghị báo cáo Chính phủ chỉ đạo.