Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu rộng. Toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế tất yếu. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại và đầu tư vốn vào khu vực, tạo lực đẩy để hoàn thiện nhanh thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Di chuyển tự do về lao động giúp thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đến làm việc tại Việt Nam cùng với việc ngành dịch vụ tài chính ngân hàng trong nước cũng phải mở cửa với mức độ sâu hơn làm gia tăng sức ép đổi mới để cải thiện hiệu quả, chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các định chế trong nước. Cấu trúc luồng vốn đầu tư quốc tế cũng sẽ có nhiều thay đổi, dòng vốn FDI của các đối tác lớn trên toàn cầu có xu hướng giảm cùng với sự cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, sự gia tăng vốn đầu tư gián tiếp và vay nợ nước ngoài cùng với lộ trình tự do hóa tài chính theo cam kết, tạo ra thách thức đáng kể đối với việc ổn định tiền tệ và ổn định tài chính. Hội nhập sâu kéo theo những rủi ro về việc các đối tác nước ngoài gây sức ép lên chính sách tỷ giá, lãi suất ngày càng cao. Các quốc gia cũng quan tâm hơn đến mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động tiền tệ, tài chính, ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn thông suốt và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, hệ thống ngân hàng đã có những thành quả đáng ghi nhận. Tính đến hết 31/12/2021, toàn hệ thống có 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có 35 ngân hàng thương mại Việt Nam, 02 ngân hàng liên doanh, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 1183 QTD ND. Tổng tài sản liên tục tăng lên qua các năm; giai đoạn 10 năm, từ năm 2011đến 2021, con số này đã tăng lên 3 lần. Vốn huy động và tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng liên tục ở mức 12-18%/năm. Kết quả kinh doanh liên tục có lãi, chất lượng tín dụng được cải thiện, trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) được duy trì ở mức dưới 3%. Quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, xử lý nợ xấu chủ yếu qua các hình thức như thu nợ từ khách hàng, phát mãi tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng. Thị trường dịch vụ ngân hàng phát triển nhanh, tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số ngân hàng thua lỗ, nhiều sai phạm của các tổ chức tín dụng bị phát hiện. Giai đoạn 2011-2020, ngành Ngân hàng tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành tổng kết, đánh giá Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức ngân hàng giai đoạn 2011-2015” và triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân không ngừng được củng cố, hoàn thiện và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có 1.183 quỹ, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố. Tổng tài sản của các quỹ tín dụng nhân dân tăng trưởng đều qua các năm. Hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân chủ yếu là cho vay các thành viên, tỷ lệ nợ xấu không cao. Kết quả kinh doanh bù đắp được chi phí và có tích lũy để phát triển, các quỹ tín dụng nhân dân chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật, góp phần củng cố lòng tin và nâng cao vị thế của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong hệ thống ngành ngân hàng. Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế đối với quá trình phát triển của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phải kể đến sự phát triển không đồng đều giữa các quỹ tín dụng nhân dân trong hệ thống và còn một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém. Để bảo đảm các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả, ngày 12/3/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị tập trung cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ của các quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo các quỹ tín dụng nhân dân thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là phục vụ thành viên và tăng cường tính liên kết hệ thống giữa các quỹ tín dụng nhân dân, tính liên kết hỗ trợ giữa các thành viên với vai trò trung tâm là Ngân hàng Hợp tác xã và Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam để hạn chế thấp nhất những bất cập hiện nay trong hệ thống.
Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Ngày 20/11/2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó giao Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một số nhiệm vụ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, gồm:
(i) cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;
(ii) mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
(iii) tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân;
(iv) tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược ngành Ngân hàng), trong đó đặt mục tiêu phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.
Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chiến lược ngành Ngân hàng đã xác định:
(i) Phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng;
(ii) Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam;
(iii) Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới có xu hướng tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống bảo hiểm tiền gửi để đáp ứng sự phát triển của các tổ chức tài chính nhằm bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính thông qua các hoạt động sau: Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi được tăng cường nhiệm vụ và quyền hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý các tổ chức tài chính yếu kém; Điều chỉnh chính sách bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền hay tạo thuận lợi cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Thúc đẩy hợp tác, trao đổi quốc tế về bảo hiểm tiền gửi nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì ổn định tài chính.
Đó chính là điều kiện cần và đủ để các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 an toàn, hiệu quả.