Ngày 9/11/2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) kỷ niệm 20 năm thành lập - đánh dấu chặng đường hai thập kỷ triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam kể từ ngày 9/11/1999 khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 218/1999/QĐ-TTg, khai sinh tổ chức BHTG đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
20 năm qua, hoạt động của BHTGVN đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, tái cấu trúc hệ thống các TCTD, nhất là QTDND, nơi thu hút lượng tiền gửi của người gửi tiền chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chính sách đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn của hệ thống các TCTD, góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của ngành Ngân hàng và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD.
2. Sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu: Cần phát huy vai trò của BHTG trong xử lý TCTD yếu kém
Đó là chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 02 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 1058, ngành Ngân hàng cần khẩn trương phê duyệt phương án tái cơ cấu và xử lý các TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường vai trò của BHTG trong xử lý TCTD yếu kém; sử dụng các quy chế phối hợp liên ngành để cùng XLNX; xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông tin kết nối để thuận lợi hơn trong XLNX.
3. Hoàn thành tổng kết 6 năm thực thi Luật BHTG
Luật BHTG (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) là bước ngoặt lớn tạo nền tảng để BHTGVN triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, để BHTGVN ngày càng tham gia có hiệu quả vào quá trình này cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về BHTG phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
BHTGVN đang tổng kết 6 năm thi hành Luật BHTG để báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tham gia có hiệu quả vào tái cơ cấu TCTD.
4. Triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ: Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND
Ngày 12/3/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phát huy vai trò của BHTGVN trong giám sát, kiểm tra và tham gia xử lý TCTD yếu kém, cụ thể: Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ NHHTX và BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của NHHTX trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngay sau đó, BHTGVN đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để kịp thời triển khai thực hiện Chỉ thị 06 trong toàn hệ thống BHTG.
5. Thực hiện kiểm tra an toàn các TCTD theo ủy quyền của NHNN
Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của NHNN, BHTGVN đã kiểm tra thí điểm một số QTDND về hoạt động tiền gửi tiết kiệm, quản lý và sử dụng ấn chỉ, chấp hành quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn tối thiểu... Trong thời gian tới, NHNN có thể sẽ ủy quyền cho BHTGVN thực hiện kiểm tra nhiều TCTD với các nội dung phức tạp hơn nữa.
Chính vì vậy, đối với công tác kiểm tra, BHTGVN đã ưu tiên tập trung vào nguồn nhân lực, công tác đào tạo trưởng đoàn kiểm tra, tích cực tham gia quá trình KSĐB các QTDND cũng như tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của NHNN đối với QTDND theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong thời gian tới, hiện BHTGVN đang khẩn trương hoàn thiện đề án "Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”.
6. Không xảy ra đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG, bảo vệ an toàn hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm
Tính tới cuối năm 2019, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 QTDND và 4 tổ chức tài chính vi mô. Trong năm 2019, không xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng, do đó tiền gửi của người gửi tiền được đảm bảo, quyền vàlợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ tốt. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có đóng góp của BHTGVN về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đặc biệt.
BHTGVN cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực đối với lãnh đạo và cán bộ tham gia kiểm tra, kiểm soát đặc biệt tại các TCTD. Nhờ đó, các hoạt động nghiệp vụ được triển khai nhuần nhuyễn, hiệu quả.
7. Quy mô tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 58.000 tỷ đồng
Tính đến hết năm 2019, quy mô tổng tài sản của BHTGVN ước đạt gần 58.000 tỷ đồng, trong đó quy mô Quỹ dự phòng nghiệp vụ ước đạt 53.000 tỷ đồng. Tiếp nối những kết quả tích cực về đầu tư nguồn vốn những năm qua, năm 2019, tốc độ tăng trưởng vốn của BHTGVN đạt gần 20%. Với nguồn vốn ban đầu được cấp là 1.000 tỷ đồng, qua hoạt động thu phí BHTG, đầu tư cũng như quản lý tài chính một cách bài bản, tới nay, nguồn lực tài chính của BHTGVN đã tăng trưởng mạnh mẽ. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được BHTGVN đầu tư an toàn theo các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo khả năng thanh khoản, phù hợp với nhu cầu nghiệp vụ.
Với nguồn lực tài chính này, BHTGVN có điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng trong các năm tiếp theo, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả. Đặc biệt, nguồn lực này là cơ sở để BHTGVN tham gia một cách có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, hỗ trợ phục hồi các TCTD có vấn đề, qua đó góp phần đảm bảo an toàn hệ thống.
8. Ban hành Quy chế về phí BHTG
Ngày 04/12/2019 BHTGVN ban hành Quy chế về phí bảo hiểm tiền gửi (kèm theo Quyết định số 1116/QĐ-BHTG) nhằm thay thế các văn bản trước đây không còn phù hợp với cơ sở pháp lý mới, kế thừa một số nội dung còn phù hợp của các văn bản đã hướng dẫn; bổ sung, chỉnh sửa các nội dung còn thiếu, chưa rõ ràng để các tổ chức tham gia BHTG và cán bộ làm công tác thu phí BHTG của BHTGVN thực hiện dễ dàng, thuận lợi. Quy chế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2020.
Việc ban hành Quy chế nói trên phù hợp với các quy định pháp luật, sát với thực tế hoạt động các TCTD và hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN. Qua đó, công tác thu phí BHTG sẽ được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tổ chức tham gia BHTG với BHTGVN.
9. Tuyên truyền sâu rộng chính sách BHTG; phát triển sản phẩm truyền thông
Trong năm 2019, BHTGVN đã tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG hướng tới người gửi tiền tại các QTDND cũng như người gửi tiền tiềm năng là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Hình thức tuyên truyền đã được đa dạng hóa, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, mức độ nắm bắt thông tin của đối tượng công chúng mục tiêu, để chính sách BHTG được truyền tải sinh động qua các hội nghị, sự kiện tuyên truyền, các buổi giao lưu, hội thi tìm hiểu…BHTGVN cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên các báo có lượng độc giả lớn, báo chuyên ngành tài chính- ngân hàng… với các bài viết, phân tích, phỏng vấn, hỏi đáp… Đặc biệt, Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền được Hội đồng quản trị BHTGVN ban hành trong năm 2019 với những thông tin thiết thực, cụ thể về các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG đã đáp ứng được nhu cầu thông tin về BHTG của công chúng, giải thích cho những thắc mắc, băn khoăn của người gửi tiền. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống Bưu điện Việt Nam, tiếp nối hiệu quả triển khai từ những năm trước, BHTGVN mở rộng việc tuyên truyền tại các điểm giao dịch bưu điện tại 12 tỉnh trên cả nước, tiếp cận tới đối tượng công chúng đông đảo.
Truyền thông nội bộ cũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành lập BHTGVN. Trong đó, BHTGVN tổ chức cuộc thi Hiến kế để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và Hội thi chuyên môn nghiệp vụ BHTG nhằm tăng cường việc tìm hiểu, khơi gợi những sáng kiến liên quan tới chính sách BHTG và việc thực thi chính sách, để mỗi cán bộ, nhân viên BHTG trở thành một tuyên truyền viên.
10. Vận hành tòa nhà trụ sở mới của BHTGVN
Năm 2019 đánh dấu một trong những bước chuyển mình của tổ chức BHTG khi tòa nhà trụ sở BHTGVN được hoàn thành, đưa vào hoạt động. Sau 20 năm hoạt động, BHTGVN đã có trụ sở riêng phục vụ hoạt động nghiệp vụ với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt cho nhu cầu công việc cũng như tạo sự thuận tiện trong hoạt động của tổ chức. Có thể nói, việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động tòa nhà trụ sở BHTGVN là kết quả của quá trình đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên BHTGVN, là tiền đề để tổ chức vững bước hướng tới tương lai.