Đẩy mạnh cho vay qua hình thức điện tử, trực tuyến
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn quan tâm đến các chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng.
Ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước (Chỉ thị 29). Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD: Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các TCTD bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành văn bản 8444/NHNN-VP triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Tại văn bản này, NHNN chỉ đạo các TCTD nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (dự kiến quy mô triển khai Chương trình khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng).
Tiếp đó, ngày 27/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg gửi Thống đốc NHNN về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024. Trong đó, Thủ tướng có yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2025, cụ thể: “Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Ngày 28/11/2024, NHNN thông báo tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho một số ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện. Đây là lần nới room tín dụng thứ hai trong năm nay của NHNN, sau lần điều chỉnh vào cuối tháng 8. NHNN đã chủ động làm điều này, không cần các TCTD phải đề nghị.
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã phân bổ toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các TCTD. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có sự phân hóa lớn, trong đó không ít ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu được giao, nên nhà điều hành đã chủ động tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, như là một trong những giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 15% đặt ra trong năm nay.
Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”
Tại Hội thảo Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” do NHNN tổ chức mới đây tại Hà Nội, NHNN nước cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng trên cả nước đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.
Cụ thể, theo báo cáo của NHNN, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2024, toàn hệ thống có 86 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng với tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống (PVNCĐS) đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,06% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng 21,17% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay PVNCĐS của nhóm 69 NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt trên 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 95% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống. Về nhóm các công ty tài chính, tính đến tháng 9/2024, dư nợ cho vay PVNCĐS của 16 công ty tài chính đạt trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2023, chiếm 4,56% dư nợ tiêu dùng toàn hệ thống.
Với tỷ trọng này, quy mô dư nợ tiêu dùng của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực Châu Á, do đó còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2024 là cao điểm về nhu cầu tín dụng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Các chuyên gia tài chính dự đoán, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm 2024 và năm sau sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan, Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực, thị trường bất động sản phục hồi.
Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy các chỉ tiêu cho vay bất động sản tại một số nhà băng tăng so với cuối năm ngoái, như: Techcombank, VPBank, SHB, HDBank, MB, VietBank, TPBank, MSB, VIB, KienlongBank, BanVietBank…
Không chỉ cho vay mua bất động sản, cho vay mua các sản phẩm tiêu dùng khác cũng tăng mạnh nhờ nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có mảng vay tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính.
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa phát triển, qua đó hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế. Các yếu tố như nhu cầu vay vốn mua sắm trang thiết bị gia đình và tiện ích từ thẻ tín dụng không chỉ hỗ trợ cuộc sống của người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống “tín dụng đen”. Việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều địa phương phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng tiêu dùng còn những khó khăn, do kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng; đối tượng khách hàng vay tiêu dùng thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng nên rủi ro tín dụng và lãi suất cho vay cao hơn, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu; ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng chưa cao, dẫn đến hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.
Thời gian tới, để tạo điều kiện cho thị trường cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống và thu hồi nợ của các TCTD đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.
Bản thân các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận được các sản phẩm cho vay tiêu dùng ưu đãi.
Ở tầm vĩ mô, Bộ Công an và NHNN phối hợp nghiên cứu để sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Thanh Thủy