Thúc đẩy tài chính xanh là một xu thế
Tài chính xanh (Green Finance) là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Thay vì rót vốn vào những dự án gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên cạn kiệt, tài chính xanh sẽ ưu tiên hỗ trợ các hoạt động thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, bảo vệ rừng, ứng phó biến đổi khí hậu,...
Theo UNEP, tài chính xanh nhằm tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận tới các ưu tiên phát triển bền vững.
Tài chính xanh có thể được thúc đẩy thông qua những thay đổi trong khung pháp lý của các quốc gia, hài hòa hóa các khuyến khích tài chính công, tăng cường tài chính xanh từ các lĩnh vực khác nhau, liên kết việc ra quyết định tài trợ của khu vực công với khía cạnh môi trường của các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực sạch và công nghệ xanh, tài trợ cho nền kinh tế xanh dựa trên tài nguyên thiên nhiên bền vững và nền kinh tế xanh thông minh về khí hậu, tăng cường sử dụng trái phiếu xanh,...
Tài chính xanh mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho con người như mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường cho các cá nhân và doanh nghiệp, cân bằng quá trình chuyển đổi sang một xã hội ít carbon, dẫn đến tăng trưởng toàn diện hơn về mặt xã hội: Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án thân thiện với môi trường; Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Tăng cường hợp tác quốc tế để hợp tác chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực tài chính xanh, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 và tạo dựng một tương lai bền vững cho Trái Đất.
Ấn Độ nghiên cứu giải pháp bảo hiểm cho tiền gửi xanh
Tại Ấn Độ, Phó Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) Michael Patra cho biết: biến đổi khí hậu gây ra rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu, vì vậy Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đang tìm cách cung cấp bảo hiểm phù hợp cho tiền gửi xanh, từ đó giúp thu được nhiều vốn để tài trợ cho các cơ hội phát triển xanh.
Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban điều hành lần thứ 79 của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI) tại Rome, ông Patra nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nghiên cứu phạm vi bảo hiểm phù hợp cho tiền gửi xanh, phí bảo hiểm phân biệt dựa trên rủi ro khí hậu và nhu cầu của cấp vốn trước cho quỹ BHTG trong bối cảnh phát triển bền vững về khí hậu đang trở nên cấp bách. Những thách thức mới phát sinh từ biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ đòi hỏi sự phối hợp và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa tổ chức BHTG và các thành viên Mạng an toàn tài chính khác cũng như với các tổ chức BHTG trên thế giới”.
Ông Patra cũng kêu gọi các tổ chức BHTG chuẩn bị cho những thách thức phức tạp hơn trong bối cảnh bất ổn tăng cao, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu đang nổi lên như những rủi ro bao trùm đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.
Vào tháng 4/2023, RBI đã ban hành khuôn khổ tiền gửi xanh nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái tài chính xanh. Khuôn khổ này cho phép các tổ chức được cấp phép cung cấp tiền gửi xanh cho khách hàng, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, hỗ trợ khách hàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các mối lo ngại về “tẩy xanh” doanh nghiệp và giúp tăng cường tín dụng cho các hoạt động/dự án xanh.
Tổng công ty BHTG và bảo lãnh tín dụng (DICGC) của Ấn Độ bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền tại ngân hàng với hạn mức 500.000 rupi (tương đương gần 6000 đô la Mỹ) trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ. DICGC là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của RBI. Ông Patra cho biết, sự phát triển của hệ thống BHTG có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức phức tạp hơn trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng như biến đổi khí hậu.
Theo khảo sát của IADI, có tới 60% tổ chức BHTG đã chính thức hóa các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và một số trong số đó là thành viên của Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS). Tại Ấn Độ, RBI đang xây dựng chính sách ESG toàn diện, kết hợp các yếu tố bền vững về khí hậu, đầu tư vào trái phiếu xanh có chủ quyền, đo lường tác động của biến đổi khí hậu đối với rủi ro mất thanh khoản và lập kế hoạch dự phòng cho các sự kiện cực đoan liên quan đến khí hậu thông qua phân tích thống kê chuyên gia.
Một số ngân hàng như SBI - ngân hàng phát động đợt tiền gửi xanh đầu tiên, đã xem xét kỹ hơn về tài chính xanh sau khi được RBI khuyến khích. Ngoài ra, Ngân hàng Canara, Ngân hàng Maharashtra, Ngân hàng IDFC First, Ngân hàng Liên bang và HSBC Ấn Độ đã hợp tác với các công ty và nhà cung cấp dịch vụ khác nhau hoặc xây dựng các sản phẩm tài chính xanh cụ thể.
Tại Ấn Độ, Chính phủ ban hành Đạo luật BHTG vào năm 1961 để thành lập Tổng công ty BHTG với tư cách là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của RBI. Sau đó, công ty này được sáp nhập với Công ty Bảo lãnh Tín dụng Ấn Độ và được đổi tên thành DICGC vào tháng 7/1978 với nhiệm vụ “BHTG và bảo lãnh các cơ sở tín dụng cũng như các vấn đề khác liên quan hoặc phát sinh sau đó”. Nhưng từ tháng 4/2003, chức năng bảo lãnh tín dụng đã ngừng hoạt động và BHTG trở thành chức năng chính của DICGC cho đến nay.
Hiện nay BHTG là bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng trong nước, kể cả ngân hàng nước ngoài. Tỷ lệ bảo hiểm là 97,9% trên tổng số tài khoản.
DICGC đã báo cáo quỹ BHTG tăng 17% trong năm tài chính 2024.
Tính đến ngày 31/3/2024, quỹ BHTG (DIF) phục vụ yêu cầu bồi thường cho người gửi tiền khi các ngân hàng bị thanh lý hoặc hợp nhất đã tăng từ 1696 tỷ rupi (tương đương 20 tỷ đô la Mỹ) lên 1983 tỷ rupi (tương đương hơn 23 tỷ đô la Mỹ) .
Quỹ BHTG hình thành từ nguồn thu phí từ các ngân hàng được bảo hiểm, thu nhập lãi từ các khoản đầu tư và thu hồi tiền các ngân hàng phá sản.
Trong năm tài chính 2024, DICGC đã thu được 238 tỷ rupi (tương đương 2,8 tỷ đô la Mỹ) từ phí BHTG, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời gian, số tiền yêu cầu bồi thường do DICGC giải quyết ở mức 14,3 tỷ rupi (tương đương 171 triệu đô la Mỹ).
DICGC đã bảo hiểm cho 1.997 ngân hàng, trong đó có 140 ngân hàng thương mại (12 ngân hàng tài chính nhỏ, 6 ngân hàng thanh toán, 43 ngân hàng nông thôn khu vực và 2 ngân hàng địa phương) và 1.857 ngân hàng hợp tác (1.472 ngân hàng hợp tác đô thị, 33 ngân hàng hợp tác Nhà nước và 352 ngân hàng hợp tác cấp quận).
HL